Ảnh minh họa
Chi phí đầu vào của doanh nghiệp không thể lượng hóa. Nó bao gồm
cả chi phí chính thức và chi phí không chính thức, chi phí vô hình. Thậm chí,
chi phí không chinh thức còn chiếm đến 10%, hơn cả năng suất của doanh nghiệp,
hơn cả lãi vay ngân hàng.
Nặng gánh ngoài luồng
Ngày 23/8, tại buổi Tọa đàm trực tuyến về chủ đề “Giảm gánh nặng
chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển” giới chuyên gia cho rằng,
chi phí đầu vào cao không những ảnh hưởng đến năng lực canh tranh quốc gia mà
còn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) trên thị trường.
Giới DN cho rằng, chi phí đầu vào cao thì lợi nhuận thấp, DN không có vốn để
tái đầu tư, khó mở rộng sản xuất kinh doanh.
Theo khẳng định của ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên
cứu quản lý Kinh tế Trung ương, chi phí đầu vào bao gồm chi phí chính thức và
chi phí không chính thức. Trong đó chi phí chính thức là phần xã hội nhìn con
số trực quan từ thuế và lệ phí, đó là những con số hiện hữu. Nhưng bên cạnh con
số này còn có những khoản khác khổng lồ hơn như chi phí thời gian, cơ hội, nó
lớn hơn rất nhiều phần được lượng hóa.
Ông Hiếu cụ thể hóa, như thực hiện thủ tục hành chính mất 10 ngày,
một DN phải mất 1 người thực hiện chi phí đó. Lương trung bình của của khu vực
DN tư nhân hiện nay là 5,7 triệu đồng/tháng như vậy chia trung bình ra 1 ngày
người lao động được trả 200.000 đồng. Nhân với thủ tục hành chính 10 ngày là 2
triệu đồng, rồi nhân với con số 500.000 DN đang hoạt động thì chi phí mà cộng
đồng DN bỏ ra là 2 tỷ đồng. Đây đơn giản chỉ là 1 thủ tục hành chính, trong khi
đó DN còn phải thực hiện bao nhiêu thủ tục khác nữa, chưa kể DN khi thực hiện
thủ tục hành chính đó cũng không biết, có được việc hay không. Tức là trong
quãng thời gian chờ, DN mất đi rất nhiều cơ hội.
Dẫn lại số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
(VCCI), hơn 60% số DN được điều tra đã xác nhận có phải trả chi phí phi chính
thức. Đây là một tỷ lệ tương đối lớn, tất cả những rào cản này đặt ra gánh nặng
lớn cho chi phí đầu vào củaDN. Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân tư nhân Việt
Nam Ngô Văn Điểm khẳng định, lãi suất mà DN tiếp cận đã cao hơn so với các nước
trong khi vực, rồi thêm chi phí ngoài luồng nữa khiến cho DN khổ muôn bề. Theo
nghiên cứu “Khảo sát về môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới năm 2017,
chi phí kinh doanh của Việt Nam về cơ bản vẫn cao so với các nước trong khu vực
ASEAN.
Doanh nghiệp vẫn kêu vì các loại thuế, phí.
Bất cập quản lý, kiểm tra
Mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng -
Tổ trưởng Tổ công tác Thủ tướng còn nêu thực tế nguyên liệu sô-cô-la cần tới 13
loại giấy phép và mỗi năm DN phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỉ đồng
cho kiểm tra chuyên ngành. Giới DN cho rằng, kiểm tra chuyên ngành khiến cho DN
mệt mỏi. Với các mặt hàng khác, tính trung bình, tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra
2-3 lần trước chiếm 58% tổng số hàng được kiểm tra trước thông quan.
Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông cho rằng,
các nước trên thế giới đều đặt ra chất lượng hàng hóa rất cao, kiểm soát chặt
chẽ và tinh vi. Tuy nhiên, chính sách quản lý của họ giúp và bảo vệ DN ở quốc
gia đó phát triển. Trong khi đó ở Việt Nam thì ngược lại, mức độ kiểm soát hàng
hóa rất chặt chẽ nhưng thực tế không có nước nào hàng giả, hàng nhái lại phổ
biến như ở ta. Người nuôi gà đàng hoàng mang quả trứng ra thị trường cực kỳ khó
khăn, còn trứng từ Trung Quốc vào thị trường nước ta lại rất dễ dàng. Câu
chuyên quan trọng ở đây là quản lý giúp ai phát triển và bóp ai?
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, để khu
vực tư nhân chiếm tỷ trọng cao hơn trong nền kinh tế, DN cần có môi trường đầu
tư kinh doanh lành mạnh, giảm được chi phí bất hợp lý, trong đó có những chi
phí hoàn toàn có thể thực hiện được bằng việc công khai, minh bạch. Chẳng hạn
như chi phí tiếp cận điện năng, chi phí BOT. “Chúng ta làm BOT không theo một
quy định nào cả để rồi BOT đang trở thành một thứ chi phí không hợp lý mà cả xã
hội phải chịu đứng” – thứ trưởng Đông nói.
Cụ thể hơn, ông Ngô Văn Điểm phân tích, riêng đường quốc lộ 1 có
40 trạm thu phí, tổng tiền để đi qua các trạm là 1,3 triệu đồng. Với một DN vận
tải có nhiều xe thì họ phải chi bao nhiêu tiền là điều có thể tính được. Hay
chi phí điện năng cao do tổn thất điện năng 10%, DN lo lót những việc khác nữa
nên chi phí của DN quá cao, cần được kéo giảm xuống. Muốn mở đường cho kinh tế
tư nhân hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu và thương mại quốc tế… vấn đề chi
phí DN phải được nhận diện đúng mức để có những cải cách điều chỉnh phù hợp.
(Theo Báo Đại Đoàn kết)