ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Đời sống việc làm lao động nữ trung niên các KCN vẫn còn nhiều khó khăn
Đăng ngày: 27-08-2017 10:53
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam vừa phối hợp với Hội LHPN tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức khảo sát, nghiên cứu đời sống, việc làm của lao động nữ độ tuổi trung niên tại một số KCN, khu nhà trọ trên địa bàn. Sơ bộ đánh giá tại các buổi khảo sát cho thấy, nhìn chung đời sống, việc làm của lao động nữ trung niên cơ bản ổn định nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực đời sống văn hóa, tinh thần....
Sau giờ làm chủ yếu là ngủ

Khảo sát nữ lao động trung niên tại các KP 2, 12 (phường An Bình), KP6 (phường Long Bình) TP. Biên Hòa cho thấy, đa số nữ lao động trung niên đều có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp. Sau giờ làm, chủ yếu họ dành thời gian cơm nước, việc nhà (đối với nữ có gia đình) và ngủ (đối với nữ xa nhà hoặc chưa có gia đình).

IMG_7560.JPG 
 
Lãnh đạo TW Hội phụ nữ Việt Nam và Tỉnh hội Phụ nữ thăm nữ lao động trung niên nhà trọ An Bình

Chị Nguyễn Thị Tám, sinh năm 1970 đang thuê trọ tại KP 12 (An Bình) cho biết, trước đây chị sống một mình với tiền phòng 750.000 đồng/tháng. Hằng tháng chị phải gửi tiền về nuôi 2 con, chồng bệnh và mẹ chồng ở Ninh Bình nên chị đã rủ thêm một người bạn ở cùng vừa để có bạn cho vui, vừa đỡ tiền phòng trọ. “Bé ở chung tôi còn trẻ nên chủ yếu nó ăn ở ngoài. Còn tôi thì về nấu một bữa, ngày nào tăng ca thì ăn tại công ty. Thu nhập bình quân một tháng khoảng 7,5 triệu, tôi thường gửi về nhà từ 5,5 đến 6 triệu đồng. Mọi sinh hoạt chi phí cho cá nhân chỉ trong số tiền còn lại”. Dù sức khỏe không tốt nhưng chị Tám vẫn quyết định làm việc ở bộ phận có nhiều hơi khí độc vì theo chị “Nó phù hợp với việc tôi không thể ngồi lâu, hơn nữa làm ở bộ phận này mỗi tháng được thêm 50.000 đồng. Về đến nhà, tắm rửa xong là tôi đi ngủ”, chị Tám nói. Quan sát căn phòng trọ của chị, ngoài mấy vật dụng phục vụ nấu ăn, bếp ga thì không có thứ gì đáng giá, kể cả ti vi.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, sống tại một nhà trọ, KP 6, phường Long Bình cho hay, hai vợ chồng chị cùng làm một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với mức thu nhập trung bình của 2 người là 11,5 triệu đồng/tháng. Anh chị được 2 người con, đứa lớn lớp 2, đứa nhỏ đang gửi ở một nhóm trẻ tư. Chi phí cho 2 con mỗi tháng tiền học trung bình 4 triệu đồng, gửi về quê Bắc Giang phụ giúp bố mẹ mỗi bên 1 triệu đồng/tháng. Còn lại tiền nhà và các phụ phí khác, anh chị không có dư giả. Hỏi về đời sống tinh thần, chị Hương nói: “Vợ chồng tích cóp mua được một ti vi nhưng rất ít khi xem, sau giờ làm đã mệt, lo cho con ăn học buổi tối xong khoảng 20 giờ 30 là đi ngủ, không còn thời gian xem ti vi”.

IMG_7620.JPG 
 
Lãnh đạo tỉnh và TW Hội Phụ nữ cùng chủ trì hội thảo

Nhiều nữ lao động trung niên chưa có gia đình như chị Hà (36 tuổi); Chị Minh (38 tuổi) đang trọ tại KP 6; chị Thùy Dương 41 tuổi xa chồng, KP 12 (An Bình) đều chọn giải pháp ngủ ngay sau khi kết thúc công việc. Chia sẻ với chúng tôi, chị Hà nói: “một năm tôi cũng được tham quan một lần do công đoàn công ty tổ chức. Ngoài giờ làm ở công ty, tăng ca kiếm thêm thu nhập, chúng tôi dành thời gian ngủ để có sức khỏe hôm sau tiếp tục công việc”.

Thiếu nhiều kiến thức về SKSS

Khi khảo sát và phỏng vấn sâu 45 nữ lao động trung niên trên địa bàn một số khu nhà trọ Biên Hòa, nhóm khảo sát Trung ương Hội LHPN Việt Nam còn nhận thấy: Hầu hết nữ lao động trung niên còn thiếu rất nhiều kiến thức về sức khỏe sinh sản (SKSS). Trường hợp chị Nguyễn Thị Tám, KP 12 An Bình là một ví dụ. Chị kể, đã làm việc  qua 3 doanh nghiệp nhưng mới chỉ 2 lần chị đau lưng đi khám, còn SKSS thì chưa đi lần nào. Hỏi về việc khám sức khỏe định kỳ tại doanh nghiệp nơi chị đang làm việc thì được biết: mỗi năm doanh nghiệp tổ chức cho lao động khám sức khỏe định kỳ nhưng ngoài mấy viên thuốc thông thường theo chế độ bảo hiểm, chị chưa tham gia khám chuyên sâu nên chỉ khi nào thấy đau, bệnh mới xin đi khám.

IMG_7604.JPG 
 
TW Hội Phụ nữ khảo sát việc làm, đời sống người lao động trung niên

Với nữ lao động trung niên khác khi hỏi về SKSS hầu như họ chưa quan tâm hoặc không hiểu nhiều cho đến khi nào bị bệnh mới đi khám. Chị Nguyễn Thị Hà, đang thuê trọ tại KP 6, phường Long Bình cho hay, điều chị Hà cũng như nhiều nữ lao động trung niên khác quan tâm hiện nay là thu nhập, tăng ca để nâng cao đời sống, còn các vấn đề về SKSS không được chú ý lắm. “Tôi cũng được nghe các nhóm tư vấn SKSS nhưng khi rời doanh nghiệp về nhà, thường chúng tôi ngủ để giữ sức cho hôm sau, chứ không có nhiều thời gian tham gia”, chị Hà nói.

Theo bà Lưu Thị Lịch, Viện Nghiên cứu con người (thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), hiện nay hầu hết nữ công nhân, nhất là độ tuổi trung niên đang gặp nhiều vấn đề về dinh dưỡng, chăm sóc SKSS. Đối với những phụ nữ trung niên mang thai, họ thường thiếu thời gian chuẩn bị bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho bản thân do phải làm việc, tăng ca để mưu sinh. Họ cũng thiếu kiến thức về dinh dưỡng, nguồn tài chính hạn hẹp nên hầu như thiết hụt rất nhiều kiến thức về SKSS. Cũng theo bà Lịch thì một mặt, đa số chị em nữ khi mang thai không ăn được do ốm nghén, kiêng cữ quá nhiều do sợ ảnh hưởng đến thai nhi, không kịp thời bổ sung vitamin và khoáng chất nên thường thiếu chất, ảnh hưởng không tốt tới thai nhi....

Phó chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa, Trưởng đoàn nghiên cứu tại Đồng Nai cho biết, qua khảo sát một số trường hợp nữ lao động trung niên tại các khu công nghiệp, khu nhà trọ ở Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch và Trảng Bom cho thấy, hầu hết ở độ tuổi trung niên, nữ đều có việc làm ổn định. Qua một số phiếu khảo sát, các chị được khảo cũng cho rằng, nếu không may mà bị mất việc thì nữ ở độ tuổi trung niên rất khó xin việc vì các lý do: sức khỏe suy giảm, kiến thức, trình độ chuyên môn hạn chế, tay nghề thấp....Đây là những vấn đề sau khảo sát và hội thảo tại Đồng Nai cùng một số tỉnh miền Trung, phía Bắc, Trung ương Hội LHPN Việt Nam sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ nghiên cứu các chính sách phù hợp với lao động nữ trung niên các KCN hiện nay.

Đề xuất các chính sách đối với lao động nữ nói chung, nữ trung niên nói riêng, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Phước Mạnh cho rằng, hiện lao động nữ trong các doanh nghiệp trên địa bàn chiếm 64%, tập trung làm việc ở các doanh nghiệp dệt may, da giày. Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TBXH, Hội LHPN tỉnh tổ chức tuyên truyền nhằm giáo dục các chuẩn mực người phụ nữ Việt Nam, xây dựng các gia đình nữ lao động “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Tuy nhiên để nữ lao động được phát triển toàn diện, rất cần nhiều chính sách phù hợp hỗ trợ lao động nữ như nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, hỗ trợ nữ trong các khu nhà trọ về kiến thức, SKSS để chị em vươn lên làm việc tốt.

Box: Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Các cấp Công đoàn Đồng Nai đã phối hợp tổ chức được 5.204 cuộc tuyên truyền Luật Bình đẳng giới cho trên 390 ngàn lượt CNLĐ; 10.230 buổi tuyên truyền Luật Phòng chống bạo lực gia đình với 341 ngàn lượt CNLĐ tham gia; vận động trên 14.000 CNLĐ tham gia tìm hiểu Luật Bình đẳng giới và các chính sách về công tác nữ; Hằng năm có trên 85% CĐCs khối doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy, Nghị quyết 6b của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho lao động./.

Vĩnh Hà

 
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu