ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Những ngôi nhà mơ ước của công nhân
Đăng ngày: 25-08-2017 06:38
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Nỗ lực làm việc và sự hỗ trợ của Công đoàn cơ sở (CĐCS), Ban giám đốc công ty Changshin, nhiều công nhân lao động (CNLĐ) là người dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận làm việc tại đây từ 8 đến 10 năm, họ đã tích lũy, xây dựng được những ngôi nhà mơ ước có giá trị từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng. Quá trình vươn lên làm việc, tiết kiệm làm giàu từ chính đôi bàn tay và khối óc của họ là bài học bổ ích cho nhiều CNLĐ Changshin và nhiều nơi trong tỉnh.
Vượt qua thời gian khó

Đến bây giờ khi xây dựng và trang bị cho căn nhà gần 1 tỷ đồng, anh Thập Hữu Loạn, hiện đang làm việc tại xưởng Outsale, Công ty Changshin vẫn nhớ như in những ngày gian khó trước đây. 11 năm trước gia đình anh Loạn gồm 7 người phải ở trong căn nhà chật chội chừng 20 mét vuông, đói ăn, đứt bữa là chuyện bình thường. Còn giờ đây, tự hào với thành quả lao động của mình, anh Loạn cho biết:  “Nếu không có Changshin, không có Công đoàn thì gia đình tôi vẫn nghèo hoài chứ đừng mơ đến căn nhà đẹp như hiện nay. Đây là động lực để tôi làm việc, trả hết số nợ còn lại, mua sắm nhiều đồ dùng hiện đại cho cuộc sống và nuôi 3 con ăn học”.

IMG_6774.JPG 
 
Căn nhà cũ của gia đình anh Loạn

Vào năm 2006, anh Loạn cùng 50 công nhân đầu tiên của làng Văn Lâm (Nay tách thành các thôn: Văn Lâm 1, 2, 3 (Phước Nam, Thuận Nam, Ninh Thuận) đã khăn gói vào Changshin làm việc. Căn nhà chật chội là nơi sinh sống của 7 thành viên gia đình thì lúc đó chỉ còn 3 con nhỏ và ông bà nội tất cả đều trông chờ vào sức lao động của vợ chồng anh tại công ty Changshin. Nỗ lực làm việc, đặt ra mục tiêu phải có cuộc sống tốt hơn, xây dựng được căn nhà khang trang hơn để bố mẹ và các con không khổ. 

IMG_6765.JPG 
 
Và căn nhà mới của gia đình anh Loạn hôm nay

Hai vợ chồng đã làm việc chăm chỉ, tích cóp, gửi về cho ông bà nuôi con và cả hạn chế việc đi về thăm gia đình đến cuối năm 2008, vợ chồng anh chị đã mua được bộ cửa gỗ cho căn nhà khang trang hiện nay. Anh Loạn kể: “Mơ ước có căn nhà mới, tự vợ chồng tôi đã thiết kế và tích cóp để sắm từng thứ một, bộ cửa gỗ lúc đó trị giá gần 100 triệu đồng chúng tôi đã mua xếp ngay khu đất trước căn nhà cũ đang ở”. Tiếp tục làm việc, tích lũy đến năm 2016, vợ chồng anh đã xây dựng căn nhà khang trang trị giá 520 triệu đồng, trong đó vốn tích lũy từ làm công nhân của anh chị được 420 triệu, còn vay ngân hàng do công đoàn tín chấp 100 triệu để xây dựng căn nhà.

Đến thôn Văn Lâm 2, chứng kiến căn nhà 1 lầu, 1 trệt xinh đẹp là thành quả 9 năm làm việc nỗ lực và tích lũy của công nhân Thiên Thị Tuyết Mai, khoa NOS1 (công ty Changshin). Chị Mai xúc động nói: “Mình vui lắm, không biết phải cảm ơn công ty và công đoàn như thế nào nữa. Chỉ biết nói cám ơn vì nếu không có công ty cho mình công việc ổn định, có tích lũy thì mình không thể có căn nhà đẹp hôm nay”. Chị Mai kể, ở quê khổ quá, năm 2006, chị đã theo đoàn vào làm việc ở Changshin để mong có tiền cất căn nhà mới. Ngoài tiền lương, chị chơi 2 đầu hụi góp vốn với những CNLĐ khác, mỗi tháng dành ra ít nhất là nửa chỉ vàng và 5 triệu đồng. Đến năm 2016, chị đã cất được căn nhà trên 300 triệu khang trang. “Nếu như làm ruộng thì không biết bao giờ mới xây được nhà, nhưng làm việc trong công ty vừa có thu nhập ổn định, vừa tích lũy để có được căn nhà khang trang, mình vui lắm!”, chị Mai nói.

IMG_6808.JPG 
 
Căn nhà với đủ nội thất đẹp của Não Sang

Căn nhà có giá trị 550 triệu đồng với trang bị khá đủ của vợ chồng anh Não Sang và Não Thị Ngọc Trâm, là thời gian tích lũy gần 11 năm làm tại Changshin. Anh Sang chia sẻ, chúng mình tiết kiệm lắm, một ngày quy định tiền ăn và tiêu vặt của hai vợ chồng không được quá 100.000 đồng. Ngoài tích lũy từ tiết kiệm tiền lương, vợ chồng Sang còn phụ bán cá, chạy bàn tiệc đám cưới vào những ngày chủ nhật và sau giờ tan ca. Không chỉ có nhà đẹp, Sang và vợ còn tận dụng những lúc rảnh rỗi, thêu những bức tranh chữ thập, đóng khung trang trí cho ngôi nhà đẹp mắt hơn.

Hằng ngày trông coi căn nhà trị giá 550 triệu đồng của vợ chồng Miếu Văn Trúng và Hàm Thị Thúy An làm việc gần 10 năm tại Changshin, ông Hàm Văn Chiến, cha vợ của Trúng nói: “Nếu không có công ty Changshin tạo điều kiện cho con cháu chúng tôi làm việc tại đây thì không biết đến khi nào chúng tôi mới hết nghèo chứ đừng nói đến chuyện có được căn nhà mơ ước này”.

Bà Kiều Thị Phước, mẹ của Kiều Nữ Yến Nga và chồng Hàm Văn Hỏa đang làm việc tại Changshin cho hay: “Mình hãnh diện lắm chứ vì con gái, con rể mình làm việc tại Changshin, tích lũy và xây dựng được căn nhà đẹp đẽ thế này. Giờ đây 3 bà cháu mình yên tâm để 2 con cố gắng làm việc cho cuộc sống tốt hơn”. Anh Hỏa cho biết: “Xây dựng căn nhà trị gái 500 triệu, chúng tôi có hơn 300 triệu còn phải vay từ ngân hàng dưới sự tín chấp của công đoàn và một số loại quỹ. Vợ chồng tôi đặt mục tiêu làm việc, trả nợ xong tích cóp để mua xe ô tô, thuận lợi về quê thăm mẹ và các con”.

IMG_6819.JPG 
 
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Huỳnh Tấn Kiệt (bìa phải) thăm hỏi, tặng quà cho gia đình Não Sang

Box: Ông Kiều Văn Trẻ, cán bộ văn hóa xã, cộng tác viên tích cực trong việc hỗ trợ tuyển lao động vào làm việc tại Changshin kể lại, vào năm 2005, khi công ty Changshin đến tìm nguồn lao động và giới thiệu những chính sách phúc lợi, tôi thấy rất phù hợp và có thể thay đổi cơ cấu lao động của vùng đất Phước Nam. Đợt đầu tiên năm 2006, chúng tôi đưa 50 lao động vào làm việc tại Changshin, số lao động này làm việc tốt, có tích lũy. Đến nay, toàn xã đã tuyển lựa đưa vào làm việc tại công ty Changshin gần 1000 lao động là người dân tộc chăm; các bạn làm việc chăm chỉ, nhiều bạn có cuộc sống khá và xây dựng những căn nhà khang trang như hiện nay.

Sẽ có nhiều ngôi nhà mơ ước

Chủ tịch CĐCS công ty Changshin Việt Nam Đặng Tuấn Tú kể lại, lần đầu tiên đoàn công tác của công đoàn và công ty đến dự tết truyền thống Ramưwan của người Chăm, chứng kiến và nghe công nhân kể lại về tích lũy để có những ngôi nhà xinh đẹp của công nhân tại thôn Văn Lâm 2, 3, Công đoàn rất phấn khởi và thấy rằng cần nhân rộng mô hình để chia sẻ nhiều kinh nghiệm cho CNLĐ. Qua thực tế chuyến này, thật đáng trân trọng những công nhân đã có ý chí làm việc, tích lũy để xây dựng những ngôi nhà tuyệt vời như vậy. “Từ thực tế này, chúng tôi suy nghĩ, công nhân chúng ta không nghèo, chẳng qua là họ chưa có kế hoạch tiết kiệm tích lũy cũng như chưa có giải pháp tài chính căn cơ để làm giàu. Từ mô hình này, chúng tôi đã báo cáo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, huyện để hỗ trợ có kế hoạch tập huấn tài chính, kỹ năng chi tiêu cho CNLĐ. Làm được nhiệm vụ này, tôi tin sẽ có nhiều ngôi nhà mơ ước của công nhân mọc lên trong tương lai”, ông Tú nói.

Cũng theo ông Tú, Đại hội CĐCS Changshin lần 7, nhiệm kỳ 2017-2022 sẽ đưa vào một nhiệm vụ mới là xây dựng những ngôi nhà mơi ước cho CNLĐ. Từ nay đến Đại hội, CĐCS đã triển khai tới toàn thể người lao động đăng ký tham gia chương trình để chúng tôi khảo sát, phân loại và định hướng giúp họ thực hiện ước mơ. Về phía Ban chấp hành CĐCS sẽ tiếp tục làm việc với doanh nghiệp để cam kết tạo việc làm ổn định, CĐCS sẽ hỗ trợ kỹ thuật, tín chấp vay ngân hàng để định hướng, giúp lao động tích lũy xây dựng nhà. “Với kinh nghiệm làm công đoàn nhiều năm, tôi tính mỗi “Mái ấm công đoàn” (chương trình do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động) từ 80 đến 90 triệu đồng đã đẹp rồi thì với sự cố gắng, tích lũy, người lao động đã có 300-400 triệu đồng, không lý gì mà họ không xây dựng được những ngôi nhà mơ ước như 17 công nhân dân tộc đang làm việc ở công ty làm được”, ông Tú nhấn mạnh.

IMG_6839.JPG 
 
Căn nhà khang trang của gia đình Não Sang

Box: 3 giá trị được khẳng định: Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tăng Quốc Lập nói: Chúng tôi rất hạnh phúc và ấm lòng khi tận mắt chứng kiến những ngôi nhà đẹp đẽ khang trang của CNLĐ. Đây là thành quả to lớn mà lao động đã làm được tại công ty Changshin trong gần 10 năm qua. Từ thực tế khẳng định 3 giá trị quan trọng: Thứ nhất là vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong đồng hành, chăm lo vì lợi quyền của lao động. Thứ hai, Ban giám đốc công ty Changshin đã xác định rất rõ, lao động là tài sản quý giá của doanh nghiệp nên tạo mọi điều kiện để người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp và giá trị thứ ba đồng thời cốt lõi nhất chính là bản thân nỗ lực vươn lên của chính người lao động. Vì cùng một điều kiện như nhau nhưng nếu lao động không nỗ lực vươn lên, không có chí hướng phấn đấu, tích lũy cũng khó để có được thành quả như những CNLĐ mà họ đã làm được.

Để khơi dậy ý thức vươn lên làm việc, tiết kiệm và tích lũy, ông Đặng Tuấn Tú cho rằng, trước hết phải khẳng định ý tưởng, mục tiêu hỗ trợ lao động dài hạn, xây dựng những căn nhà mơ ước của CĐCS là ý tưởng tốt, thu hút lao động hưởng ứng; thứ hai là sự quyết tâm của cán bộ công đoàn, dù khó cũng phải làm vì người lao động. Điều đáng trân trọng là những CNLĐ là người dân tộc đã làm việc tốt, có kinh nghiệm để tích lũy, có chí hướng vươn lên thật sự họ đáng được tôn vinh.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Huỳnh Tấn Kiệt xúc động bày tỏ: thăm những ngôi nhà mơ ước của công nhân, tôi thấy anh chị em CNLĐ cần đoàn kết hơn nữa trong tổ chức Công đoàn, nỗ lực làm việc, nâng cao ý thức cách mạng, đoàn kết để thực hiện đạt mục tiêu mà mình đặt ra. Đứng về phía Công đoàn, sau chuyến khảo sát này, LĐLĐ tỉnh sẽ cùng với Công đoàn huyện và doanh nghiệp có kế hoạch tập huấn, định hướng để CNLĐ có kiến thức, kỹ năng trong tiết kiệm, chi tiêu cũng như kế hoạch tài chính thực hiện những mục tiêu lâu dài, nỗ lực mọi mặt để CNLĐ có được những căn nhà mơ ước, ổn định cuộc sống, an cư lập nghiệp bằng chính nghề nghiệp mà mình đã chọn.

Đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Bí thư Đảng bộ xã Phước Nam Châu Văn Kỳ: Phước Nam là xã có 87% đồng bào dân tộc (chủ yếu người Chăm). 10 năm trước, người dân Phước Nam đi chợ mua thịt, cá rất ít, hôm nay một ngày Phước Nam có thể tiêu thụ hết 5 con bò, hàng chục con heo, chứng tỏ đời sống nâng lên rất nhiều. Đặc biệt từ 20% hộ nghèo trước đây nay giảm xuống dưới 5% hộ nghèo. Năm 2015, Phước Nam được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện Thuận Nam. Đóng góp vào thành công này là 1000 lao động đang làm việc tại công ty Changshin, nhất là 17 hộ kiểu mẫu không chỉ làm việc ổn định cuộc sống, xóa nghèo mà họ còn vươn lên làm giàu, xây dựng những căn nhà khang trang hàng trăm triệu đồng là điều kỳ diệu mà nếu chỉ làm ruộng không bao giờ có được.

Từ thực tế này, năm 2017, xã đặt mục tiêu giải quyết việc làm 600 lao động vào các doanh nghiệp; nâng mức thu nhập của xã nông thôn mới trên 31 triệu đồng và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, Tiêu chí thu nhập 31 triệu đồng/người/ năm của Phước Nam đã đạt và vượt, trong đó 900 hộ dân tộc của thôn Văn Lâm 2 và 3 có con em làm việc tại Changshin không còn nghèo đói và đều có mức thu nhập cao hơn mặt bằng chung của xã. Ngoài làm việc ổn định thu nhập cao, Phước Nam còn có 2 cán bộ trưởng thành từ việc làm công nhân tại Changshin nay là cán bộ xã nòng cốt, tiêu biểu chị Kiều Thị Kim Luyến và Kiều Thanh Hoàng.

Nguyệt Hà

 
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu