Các du khách trải
nghiệm trekking ở rừng Gia Canh - Thác Mai.
Trekking không đơn
giản là một chuyến dã ngoại, tham quan đơn thuần, cũng không hẳn là “hiking”
(đi bộ leo núi, đi bộ theo đường mòn). Cả hiking và trekking đều là hoạt động
đi bộ đường dài, đi bộ leo núi, đi lên rừng. Tuy nhiên, nếu hiking phần lớn đi
trên đường mòn có sẵn hoặc đường nhựa, đường đã được làm, thì trekking lại được
thực hiện trên nhiều bề mặt địa hình, có nhiều mạo hiểm và thử thách hơn.
“Kinh doanh” trải
nghiệm thiên nhiên
Khi tham gia trekking,
du khách sẽ tự mang vác đồ trên suốt chặng đường đi, vượt qua các địa hình hiểm
trở khác nhau, khi thì đi vào rừng, lúc thì leo vách núi đá hoặc lội suối, băng
qua cánh đồng...
Trước khi bắt đầu hành
trình, du khách cần tìm hiểu về khu vực trekking, tình hình thời tiết và chuẩn
bị những vật dụng cần thiết, như: giày leo núi, thiết bị bảo hộ, lều trại, dây
dù, dao đi rừng, bật lửa, đèn pin, máy định vị, la bàn, bản đồ, bộ dụng cụ y
tế...
Khi di chuyển theo
nhóm, du khách nên lưu ý giữ cự ly gần để có thể hỗ trợ nhau trong trường hợp
có sự cố, không nên tách ra đi một mình và cần tính toán khoảng cách di chuyển
hợp lý để không rơi vào tình huống nguy hiểm.
Phương châm của
trekking là “không lấy gì ngoài những trải nghiệm và không để lại gì ngoài
những dấu chân”. Nghĩa là, trải nghiệm khám phá phải đặt ý thức bảo vệ thiên
nhiên lên hàng đầu, tuyệt đối không xả rác hay để lại bất cứ vật dụng gì ở
trong rừng” - anh Lê Quốc Hùng, người sáng lập dự án Thac Mai Trekking Race,
chia sẻ.
Du khách vượt qua địa hình núi đá bằng dây leo.
Trong mỗi chuyến trekking, du khách có cơ hội hòa mình với thiên nhiên trong
lành; cắm trại đón bình minh; thưởng thức các món ăn dân dã, đặc trưng của đại
ngàn; tham quan, trải nghiệm ở nhà dài của đồng bào dân tộc; đạp xe qua các con
đường nhỏ, xuyên qua những tán rừng tre nứa, lồ ô đan xen vào nhau... Đặc biệt
ở một số địa điểm, du khách còn có thể được trực tiếp trải nghiệm công việc của
những kiểm lâm viên tuần tra giữa rừng.
“Trước đây, hoạt động
trekking chủ yếu phục vụ du khách nước ngoài. Khoảng 1 năm trở lại đây, trào
lưu này bắt đầu được giới trẻ đặt tour nhiều. Xu hướng đi dài ngày đang dần phổ
biến. Mỗi nhóm trekking thường dưới 10 người là phù hợp” - anh Nguyễn Văn Tâm,
hướng dẫn viên du lịch ở Vườn quốc gia Cát Tiên, cho biết.
Anh Quốc Hùng chia sẻ
thêm: “Với trekking, du khách được hướng dẫn những kỹ năng sinh tồn cơ bản hoặc
chuyên nghiệp để vượt qua bằng chính sức mình. Khi đi trekking, du khách có thể
có được những điểm nhìn cận cảnh, quan sát tỉ mỉ và tương tác gần hơn với thiên
nhiên, cảnh vật.
Bên cạnh đó, du khách
sẽ được rèn luyện thêm kỹ năng làm việc nhóm, tinh thần tương trợ, hỗ trợ nhau
trên suốt chặng đường đi. Đó là những trải nghiệm thú vị và tuyệt vời mà không
phải ở đâu và hoạt động du lịch nào cũng mang lại”.
Đồng Nai có nhiều tiềm
năng
Theo Trung tâm sinh
thái - văn hóa - lịch sử Chiến khu Đ (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa
Đồng Nai, gọi tắt là trung tâm), trung tâm triển khai các tour du lịch trekking
từ 3 năm nay. Du khách có nhiều lựa chọn như: tour đi trong ngày, tour 2 ngày 1
đêm, tour dài ngày.
Giá vé phụ thuộc vào
lộ trình, mức độ trải nghiệm, dịch vụ và nhu cầu khám phá của du khách; trung
bình khoảng 900 ngàn đồng/ngày/khách, bao gồm các chi phí: vận chuyển,
thuê xe đạp, ăn uống, phí tham quan rừng, hồ Trị An…
Trước mỗi chuyến đi,
du khách đều được hướng dẫn, phổ biến những kinh nghiệm, kỹ năng đi rừng và
được hướng dẫn viên là kiểm lâm viên hỗ trợ để đảm bảo an toàn, giữ gìn vệ
sinh, bảo vệ các thảm thực vật, môi trường sinh thái… trong suốt chuyến đi.
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó
giám đốc trung tâm, cho biết mỗi tháng trung tâm có 8-10 tour trekking. Du
khách sẽ có dịp thám hiểm dọc theo những con suối, dòng thác giữa đại ngàn
Chiến khu Đ. Ngoài ra, vào mùa mưa, những con đường mòn nhỏ xuyên rừng trở nên
sình lầy, khó đi hơn nên sẽ tạo thêm nhiều thách thức và trải nghiệm thú vị cho
chuyến trekking.
Tương tự, giá vé mỗi
tour trekking qua đêm ở Vườn quốc gia Cát Tiên cũng dao động khoảng 800 ngàn
đến 1,4 triệu đồng/ngày đối với mỗi du khách, tùy vào lượng khách của mỗi nhóm,
lộ trình và dịch vụ kèm theo…
Nhiều du khách đánh
giá tiềm năng du lịch trekking ở Đồng Nai khá lớn, nhất là khi kết nối với
những địa điểm trekking xung quanh, như: Tà Năng - Phan Dũng (khu vực giáp ranh
3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận), Vườn quốc gia Bù Gia Mập (tỉnh Bình
Phước)…
Anh Trịnh Văn Trung,
một du khách ở TP.Hồ Chí Minh, cho rằng: “Lợi thế của Đồng Nai là giáp với
TP.Hồ Chí Minh, có nhiều cảnh đẹp tự nhiên. Đơn cử như hồ Trị An, tôi đi tour
trong ngày, cắm trại qua đêm thấy có nhiều thú vị”.
Nhưng dịch vụ kèm theo
ở những khu du lịch chưa thật sự đặc sắc. Những tour dài ngày lại chưa đa dạng,
cần mở rộng, triển khai thêm lộ trình, dịch vụ để thu hút du khách nói chung và
phát triển hoạt động trekking nói riêng. So sánh với tour trekking Tà Năng -
Phan Dũng thường có lộ trình dài 50-55km, lại trải qua nhiều dạng địa hình sẽ
phù hợp với những chuyến đi dài, đem lại nhiều thử thách và trải nghiệm cho du
khách”.
(Theo Báo Đồng Nai)