Trở về cuộc sống đời thường, mang trên mình những vết thương của chiến tranh nhưng họ đã phát huy tốt bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện lời Bác dạy “thương binh tàn nhưng không phế” trở thành những “người hùng” trên mặt trận mới: xây dựng, phát triển kinh tế gúp đỡ đồng đội ổn định cuộc sống. Thương binh ¾ Đoàn Trung Ngọc, xã Hưng Thịnh và thương binh 4/4 Ngô Văn Tăng, xã Tây Hòa (Trảng Bom) là những điển hình như thế.
Vượt khó làm giàu
Là thương binh 4/4, ông Ngô Văn Tăng (68
tuổi, xã Tây Hòa) đã nhiều lần được các cấp, ngành, đoàn thể của tỉnh, huyện Trảng
Bom khen thưởng là cựu chiến binh (CCB), thương binh gương mẫu, nỗ lực vượt qua
nỗi đau thể xác, vươn lên sản xuất giỏi, giúp đỡ hội viên và nhiều hoàn cảnh vượt
nghèo.

Thương binh 4/4 Ngô Văn Tăng bên đàn dê của gia đình
Tháng 4-1966, khi chưa tròn 17 tuổi ông đã
tình nguyện nhập ngũ vào Sư đoàn 325, Quân khu 4, hành quân vào mặt trận Khe
Xanh (Quảng Trị), trực tiếp tham gia đánh Mậu Thân 1968. Trận chiến diễn ra ác
liệt vào tháng 2-1968, ông bị trúng đạn quân thù xuyên qua khuỷu tay và bụng.
Không thể tiếp tục tham gia trận đánh, ông được đưa về tuyến sau điều trị và
chuyển ra Bắc an dưỡng, điều trị vết thương cho đến ngày xuất ngũ với thương tật
21%.
Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, vào năm
1986, cuộc sống khó khăn, ông đã dắt vợ và 3 con vào lập nghiệp tại xã Tây Hòa
(Trảng Bom), vợ chồng tích cóp mua được mảnh đất nhỏ, dựng chòi lá cho 5 người ở.
Ông Tư Nhung, một người ăn chay trường quyết định bán chịu cho vợ chồng ông rẫy
khoảng 1,3 ha và phải trả nợ trong 6 tháng. Ông kể, đúng 6 tháng sau, khi vợ chồng
ông vừa thu hoạch hơn 4 tấn lúa thì ông Tư Nhung đến đòi nợ, vợ chồng ông Tăng mời
ông Tư Nhung ở lại ăn cơm nhưng ông sợ ông Tăng không trả được nợ nên quyết tâm
không ở. “Mâm cơm bày ra tôi nói với vợ mang một cây vàng để ông ấy yên tâm.
Khi vợ mang ra, ông Tư Nhung liền nói, tao đã tu, ăn chay hơn 20 năm nhưng hôm
nay quyết định phá giới ăn mặn cho tới bây giờ”, ông Tăng nói.

Lãnh đạo Hội CCB huyện Trảng Bom thăm trại heo của Thương binh 4/4 Ngô Văn Tăng
Từ mảnh rẫy mua chịu, vợ chồng ông nỗ lực
làm ăn, trồng cây, nuôi heo, nuôi dê và đào ao thả cá. Quá trình tích lũy dần,
đồng vốn ngày càng tăng lên, ông mua thêm đất đai, mở rộng sản xuất. Cũng nhờ
chữ tín trong làm ăn, tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến ông học cách làm
giàu đều được ông tận tình hướng dẫn, giúp đỡ bà con làng xóm nên ai cũng nể phục,
mến mộ. Không chỉ giỏi làm kinh tế, hăng say lao động sản xuất, ông Tăng còn
tham gia nhiều hoạt động từ thiện vì cộng đồng. Gia đình ông đã hiến 1.800m2 đất
để làm đường giao thông nông thôn. Là một thành viên tích cực tham gia và kết hợp
với các ngành, đoàn thể ở địa phương vận động bà con chấp hành đường lối, chủ
trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, xây dựng lối sống lành mạnh
ở khu dân cư…, nhưng với ông, thành quả lớn nhất mà ông có được là các con
thành đạt, bà con xóm giềng đoàn kết, tin yêu.
Gặp
thương binh ¾ Đoàn Trung Ngọc khi ông vừa đến thắp hương cho đồng đội tại Nghĩa
trang liệt sĩ huyện Trảng Bom trở về. Ông trầm ngâm bảo, mình vẫn còn may mắn,
được sống thì phải sống cho xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội đã dành sự
sống cho mình. Kể lại cho chúng tôi nghe, ông Ngọc cho biết, ông vào quân ngũ khi
tuổi vừa 20, những năm tháng trong quân ngũ đã giúp ông rèn luyện được ý chí,
nghị lực của người lính. Để lại một phần xương máu nơi chiến trường, với một
bàn tay lành lặn còn lại, ông đã phải làm đủ nghề để nuôi sống bản thân và gia
đình. Ý chí làm giàu trên mảnh đất quê hương cứ thôi thúc ông mạnh mẽ. Ban đầu,
ông vừa trồng các loại cây ngắn ngày, vừa kết hợp chăn nuôi, thả cá theo mô
hình V-A-C. Ông không ngừng tích lũy kinh nghiệm qua việc học hỏi từ bạn bè,
những người đi trước, từ sách vở…, nhờ đó công việc của ông ngày một thuận lợi.

Thương binh 3/4 Đoàn Trung Ngọc giới thiệu mô hình thanh long ruột đỏ
Không
dừng lại ở đó, ông Ngọc còn quyết định vay thêm vốn ngân hàng để mở rộng sản
xuất, đào ao nuôi cá. Ban đầu chưa có nhiều kinh nghiệm nên ông gặp khó khăn về
nguồn cá giống, thức ăn. Với quyết tâm vượt khó, gia đình ông đã có gần chục
hécta nuôi cá giống, cá thịt các loại. Để tận dụng nông sản phụ, phế thải của
cá, ông đã xây chuồng nuôi đàn heo hơn 40 con heo rừng, nuôi hươu. Ngoài ra,
ông còn mạnh dạn trồng 1,5 hécta cây thanh long ruột đỏ cho thu hoạch tốt. Từ
những khó khăn ban đầu đến nay ông đã có 8 ha thanh long ruột đỏ. Thị trường
xuất khẩu chính là Pháp và một số nước châu Âu theo tiêu chuẩn châu Âu, nay ông
đã tìm cách chuẩn bị xuất khẩu thanh long ruột đỏ đi Mỹ. Ngoài trồng thanh
long, ông còn làm Tổ trưởng Tổ hợp tác thu mua thanh long ruột đỏ cho bà con ở
khu vực để xuất khẩu sang các thị trường uy tín. Bên cạnh đó, 4 ao thả cá
giống, cá thịt trước đây của ông giờ ông phát triển dịch vụ câu cá giải trí và
một số hoạt động du lịch sinh thái, thu hút nhiều khách đến tham quan. Thu nhập
bình quân của gia đình sau khi trừ các khoản chi phí khoảng từ 1- 2 tỷ
đồng/năm, thấp nhất khoảng 700 triệu đồng.
Không
chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn hỗ trợ tạo việc làm thường xuyên cho 8 cựu chiến binh, thương
binh với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng tháng và giải quyết việc làm cho
20 lao động là con em địa phương. Tham gia hỗ trợ nhiều hoạt động nghĩa tình,
gia đình chính sách để mong vơi đi phần nào nỗi nhớ đồng đội. Dù đã đầy đủ mọi
thứ, giúp đỡ nhiều người nhưng khi nhắc về đồng đội, về cuộc kháng chiến vĩ đại
ông Ngọc vẫn thường ao ước, trong chiến tranh, anh em chia nhau từng nắm cơm,
nhúm muối, giá bây giờ đồng đội còn đầy đủ thì vui cỡ nào. Người cựu chiến
binh, thương binh này vẫn thường đến nghĩa trang liệt sĩ, vào khu vực mộ vô
danh để thắp hương cho đồng đội, anh em không kịp nhìn ngày đất nước độc lập.
Động viên thương binh vươn lên
Chủ
tịch Hội CCB tỉnh, Đại tá Dương Hòa Hiệp cho biết: Những năm qua, phong trào
thi đua “CCB gương mẫu” vươn lên vượt nghèo đã có nhiều tấm gương sáng. Trong
đó nhiều thương binh, bệnh binh nặng thực hiện tốt lời Bác dạy “tàn nhưng không
phế” vươn lên làm giàu cho gia đình, hỗ trợ cộng đồng xã hội, thực hiện nghĩa đồng
đội, thủy chung, hỗ trợ giúp các CCB là thương binh vươn lên ổn định cuộc sống.
Cũng
theo Đại tá Dương Hòa Hiệp, hiện toàn tỉnh không còn gia đình CCB, thương binh
nghèo, khó khăn. Đối với những trường hợp CCB là thương binh nặng, phong trào
“Nghĩa tình đồng đội” với các hoạt động chăm sóc thương binh nặng, gia đình
chính sách neo đơn được các cấp hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung làm tốt, quan
tâm chăm lo để thương binh luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Nhiều thương
binh, cựu chiến binh đã vươn lên làm giàu như trường hợp ông Đoàn Trung Ngọc
(Hưng Thịnh), ông Ngô Văn Tăng (Tây Hòa) hay thương binh nặng ¼ Nguyễn Văn Đẩu
(Tam An- Long Thành), Bệnh Binh Đặng Ngọc Sơn (Quảng Tiến- Trảng Bom)....
Trong
lễ kỷ niệm 70 năm ngày TBLS sáng mai (27-7), trong tổng số 278 tập thể, cá nhân
được UBND tỉnh khen thưởng có nhiều cựu chiến binh là những thương binh, bệnh
binh đã gửi lại một phần xương máu nơi chiến trường và ngày nay đang nỗ lực
thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy “tàn nhưng không phế”, họ đang ngày đêm dành sức
lực còn lại để làm giàu chính đáng, hỗ trợ đồng đội khó khăn, nuôi dạy con cháu
trưởng thành và chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của
Nhà nước.
Vĩnh Thanh