Để hiểu rõ hơn những hoạt động và nội dung các chương trình này, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Hồ Văn Lộc trao đổi với Báo Lao động Đồng Nai những nội dung về kỷ niệm 70 năm ngày TBLS.

Ông Hồ Văn Lộc
PV: Kỷ niệm 70 năm ngày TBLS và
sau 42 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, xin ông đánh giá
kết quả thực hiện công tác TBLS, người có công trên địa bàn trong thời gian
qua? Đâu là kết quả nổi bật nhất?
Ông Hồ Văn Lộc: Hiện tỉnh Đồng Nai đang
quản lý 52.521 đối tượng người có
công với cách mạng, trong đó có 5.479 thương binh; 9 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
(AHLLVTND), Anh hùng lao động; 1.066
mẹ Việt Nam anh hùng (trong đó có 79 mẹ còn sống); 11.415 liệt sĩ
và nhiều thân nhân người có công, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù
đày.... Nhìn chung, công tác TBLS, người có công trên địa bàn từ tỉnh đến cơ sở
được thực hiện đầy đủ, bài bản cho 13 diện người có công cũng như thân nhân người
có công theo chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với người có công với cách mạng.
Cụ thể,
đến nay, tỉnh đã giải quyết hưởng chế độ trợ cấp một lần cho 6.750 thân nhân liệt sĩ; 1.761 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị phơi
nhiễm chất độc hóa học trực tiếp; 618 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị phơi
nhiễm chất độc hóa học gián tiếp; 17.377 người hoạt động kháng chiến được tặng
thưởng huân, huy chương; 1.258 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;
506 người hoạt động kháng chiến hưởng trợ cấp theo Nghị định 59/2003/NĐ-CP ngày
04/06/2003 của Chính phủ. Tỉnh cũng thực hiện chế độ trợ cấp theo các
quyết định của Chính phủ đối với 4.153
trường hợp hưởng trợ cấp
gồm thanh niên xung phong; diện B, C, K dân chính; B, C, K liệt sĩ; người hưởng
trợ cấp theo các Quyết định: 142/2008/QĐ-TTg, 53/2010/QĐ-TTg, 62/2011/QĐ-TTg, 57/2013/QĐ-TTg. Thực hiện quản lý, chăm sóc 6 Nghĩa trang liệt sĩ,
1 đền thờ, 2 đài tưởng niệm và 43 nhà
bia ghi tên liệt sĩ ở các xã, phường....
Trong giai đoạn 2012-2016, toàn tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ có công với cách mạng đối với 2.735 trường hợp,
trong đó, công nhận liệt sĩ 16 trường hợp, thương binh 1 trường hợp, 691người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất
độc hóa học; 14 trường hợp là con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 484 người hoạt động kháng chiến giải phóng
dân tộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc; 450 người bị địch bắt tù đày; đề nghị công nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 1.066 trường hợp. Việc giải quyết các chế độ
chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung và của tỉnh nói riêng đối với gia
đình liệt sĩ, thương binh, gia đình cách mạng đã được triển khai đầy đủ, kịp thời.
Có thể nói, Đồng Nai thực hiện đồng bộ chính sách TBLS, người
có công, trong đó nổi bật nhất: cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc giải
quyết dứt điểm những trường hợp hồ sơ tồn đọng theo Quyết định 408 của Bộ
LĐ-TBXH. Đến nay, còn 3 hồ sơ đang được thực hiện theo quy trình, Sở đã tham
mưu cho tỉnh ban hành các quyết định 1854, 1855 về việc thành lập Ban chỉ đạo
xác nhận người có công và Tổ giải quyết xác minh trường hợp người có công. Với
sự vào cuộc quyết liệt, đến nay, Đồng Nai cơ bản giải quyết xong các trường hợp
hồ sơ tồn đọng, xác định đúng người, hưởng đúng chế độ, đảm bảo sự công bằng,
minh bạch đối với người có công.
PV: Việc thực hiện chế độ ưu đãi và chăm sóc gia đình người có công với cách mạng; vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa được thực hiện như thế nào để bày tỏ sự tri ân đối với người
có công với cách mạng, thưa ông?
Ông Hồ Văn Lộc: Thực
hiện chế độ ưu đãi và chăm sóc gia đình người có công với cách mạng cũng như vận
động quỹ “Đến ơn đáp nghĩa” được toàn tỉnh quan tâm, thực hiện khá bài bản. Cụ
thể chỉ tính trong 5 năm 2012-2016, tỉnh thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi đối cho 109.857 lượt người có công với cách mạng với tổng kinh
phí trên 84 tỷ đồng (trong đó: 67.262 trường hợp trợ cấp hằng tháng với kinh phí trên 1,1 tỷ đồng).
Công tác chăm sóc gia đình người có
công với cách mạng được thể hiện trên những nội dung cụ thể: Công
tác xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho người có công: Từ năm 2013 đến
nay, thực hiện theo Quyết định 22/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Tỉnh đã hỗ trợ cho 1.430 hộ (trong đó: xây mới
213 căn, sửa chữa 1.271 căn) với tổng kinh phí thực hiện là trên
34,7 tỷ đồng. Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày TBLS (27/7/1947-27/7/2017), Sở
LĐ-TBXH đã tham mưu cho UBND tỉnh có kế hoạch quan tâm, chăm lo đời sống cho người có công, tỉnh
đang tiếp tục rà soát nhà ở người có công bị xuống cấp, dột nát để hỗ trợ.
Công tác chăm sóc sức khỏe: Tỉnh đã cấp gần 8.800 thẻ BHYT và gia hạn hằng
năm với kinh phí trên 38,4 tỷ đồng; cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người
có công với kinh phí là 1,6 tỷ đồng. Giai đoạn 2012-2017 thực hiện Nghị quyết 70 của
Chính phủ, Đồng Nai đã điều dưỡng sức khỏe tập trung và tại gia đình cho 22.219
người có công với tổng kinh phí 21,3
tỷ đồng. Hằng năm, tổ chức đưa 2
đoàn đại biểu Người có công tiêu biểu (100 đại biểu) đi viếng lăng Bác, tham
quan Thủ đô Hà Nội, danh lam, thắng
cảnh phía Bắc như Vịnh Hạ Long, K9, Đền Hùng, Tràng An, chùa Bái Đính với kinh phí trên 785 triệu đồng.
Công tác phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng: Đồng Nai có 1.066 mẹ Việt Nam anh
hùng, hiện có 78 mẹ còn sống. Các mẹ đều được các đơn vị, doanh nghiệp nhận
chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời với mức bình quân hằng tháng là 1.000.000 đồng/mẹ.
Ngoài ra, trong các dịp Tết cổ truyền và ngày TBLS 27/7, tỉnh tổ chức tặng quà
của Chủ tịch nước cho 205.286 trường hợp, với số tiền gần 44 tỷ đồng; quà của
Chủ tịch tỉnh cho 327.963 trường hợp, với số tiền trên 194 tỷ đồng. Tỉnh tiến
hành tôn tạo, xây dựng, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ, nghĩa trang
liệt sĩ xuống cấp, hư hỏng với kinh phí thực hiện là 11,5 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện
có 32.516 hộ gia đình người
có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình tại địa phương cư trú, không
còn hộ nghèo, trong đó có nhiều hộ làm kinh tế giỏi cuộc sống khá giả. Từ năm
2012-2016, Quỹ đền ơn đáp nghĩa của tỉnh, huyện đã vận động được 22,5 tỷ đồng. Tỉnh
còn tổ chức vận động, trao tặng 422 sổ tiết kiệm cho người có công với kinh phí
huy động được 941 triệu đồng; 171/171 xã, phường trên địa bàn tỉnh được công nhận
xã, phường làm tốt công tác TBLS...
Đại tá Huỳnh Thanh Liêm, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cùng thân nhân tiễn đưa liệt sĩ hy sinh trong trận đánh vào Sân bay Biên Hòa ngày 31-1-1968 về
an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai
PV: Được biết trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày
TBLS, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch 1230 với 6 chương trình lớn, đến nay, các
chương trình được thực hiện như thế nào thưa ông?
Ông Hồ Văn Lộc: Ngày
17-2-2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1320 về việc tổ chức các hoạt động kỷ
niệm 70 năm ngày TBLS (27/7/1947-27/7/2017) và Kế hoạch số 3939/KH-UBND ngày 28-4-2017
về việc tổ chức Lễ kỷ niệm và biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu
nhân kỷ niệm 70 năm Ngày TBLS. Theo đó, Đồng Nai triển khai thành 6 chương
trình lớn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, từng ngành. Đến
nay, qua rà soát cho thấy, cả 6 chương trình lớn đều được triển khai thực hiện
đảm bảo đúng tiến độ, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với người có công, những
TBLS và thân nhân người có công.
Cũng trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày TBLS, là thành viên trong
Ban chỉ đạo tìm kiếm, quy tập, cất bốc hài cốt liệt sỹ (1237) tỉnh, Sở LĐ-TBXH
có nhiều hoạt động nỗ lực cùng các ngành tham gia tích cực trong cuộc tìm kiếm
liệt hy sinh trong trận đánh Tết Mậu thân 1968. Đến nay sau nỗ lực của cả hệ thống
chính trị tỉnh Đồng Nai, Tỉnh Đồng Nai đã tìm thấy 1 hố chôn tập thể với nhiều
di vật và hài cốt liệt sỹ, đã quy tập đưa về truy điệu và an táng tại Nghĩa
trang Liệt sỹ tỉnh vào ngày 12-7 vừa qua. Đồng thời, tiếp tục thu thập các nguồn
thông tin, tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sỹ trong khu vực Sân bay Biên Hòa,
đưa về an táng tại các Nghĩa trang liệt sỹ trong tỉnh.
PV: Trong thời gian tới, công tác TBLS, NCC sẽ tập
trung những nhiệm vụ trọng tâm nào thưa ông?
Ông Hồ Văn Lộc: Kỷ
niệm 70 năm ngày TBLS là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ôn lại truyền
thống “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện sự tri ân sâu sắc và “Đền ơn đáp nghĩa” với
người có công, với vai trò là cơ quan thường trực các hoạt động kỷ niệm 70 năm,
Sở LĐ-TBXH sẽ tiếp tục cùng các thành viên rà soát những nội dung còn lại của 6
chương trình lớn, đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền; kiểm tra lại
kế hoạch thắp nến tri ân vào dịp 27-7 và những công việc còn lại của 6 chương
trình lớn, đảm bảo dịp kỷ niệm 70 năm ngày TBLS là đợt sinh hoạt chính trị sâu
rộng, dịp đền ơn đáp nghĩa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong toàn hệ thống
chính trị và nhân dân.
Về lâu dài, Đồng Nai sẽ tiếp tục triển khai đầy đủ các văn bản của trên
về công tác TBLS, người có công; Tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công
tác TBLS, người có công với
cách mạng. Tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong việc thực hiện giải quyết chế độ, chính
sách giữa thực tiễn cuộc sống với quy định, hướng dẫn của ngành nhất là công
tác thụ lý hồ sơ ban đầu, công tác khám, xác định bệnh tật; công tác mộ liệt sỹ;
đặc biệt việc quy tập, xác định danh tính liệt sỹ bằng giám định Gen. Giải quyết
dứt điểm các hồ sơ đề nghị hưởng chính sách còn tồn đọng. Triển khai và thực hiện
đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi đối với người có công theo quy định./.
PV: Trân trọng cám
ơn ông!
Vĩnh An
(thực hiện)