Ngành
giầy dép đang có thế với thị trường nội địa.
Theo Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ
Công thương, trung bình một năm thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 150 triệu
đôi giày, dép. Mặc dù lượng tiêu thụ khá cao song sản xuất trong nước chỉ đáp
ứng được 40%. Thị trường nông thôn và chợ truyền thống tại các thành phố đang
nhường chỗ đứng cho giày, dép ngoại nhập chất lượng không cao, đặc biệt là sản
phẩm xuất xứ từ Trung Quốc. Bàn về thị trường giày, dép nội địa, Hiệp hội Da
giày Việt Nam cho biết, mỗi năm cả nước tiêu thụ từ 130 - 140 triệu đôi giày
dép, giá trị trên 1,5 tỷ USD. Với con số thống kê đó có thể thấy sức tiêu thụ
của thị trường trong nước cũng không hề nhỏ.
Trước khả năng tiêu thụ của
thị trường trong nước nhiều DN sản xuất chủ động bám trụ thị trường một cách
bền vững và không ngừng phát triển thị trường một cách sâu, rộng. Một trong số
ít nhà sản xuất giày trong nước đã gắn bó với người tiêu dùng mọi độ tuổi phải
kể đến Công ty TNHH Sản xuất Hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s). Đến thời điểm
hiện nay Biti’s vẫn tiếp tục chú trọng phát triển thị trường sân nhà. Ngoài
những sản phẩm hiện hữu, mới đây Biti’s đã đưa ra thị trường bộ sưu tập sản
phẩm mới lấy cảm hứng “Văn Hóa Dân Gian” dành cho trẻ em từ 3 đến 10 tuổi. Hoa
văn trên các mẫu giầy được lấy cảm hứng hình ảnh từ các nhân vật trong những
câu chuyện cổ như Tấm Cám, Thánh Gióng, Con Rồng Cháu Tiên…
Tại thị trường TP HCM, người
tiêu dùng khó tính có thể tìm đến các sản phẩm của Đông Hải, Hạnh Dung, Hồng
Thạnh, Kim Thành… Ngoài ra, người tiêu dùng chuộng thời trang thì có thể tìm
đến các cửa hàng của những thương hiệu mới nổi trong những năm gần đây như
Vascara, Evashoes, Juno... Phân khúc khách hàng thu nhập khá được các DN xây
dựng thương hiệu tập trung khai thác. Các sản phẩm được thị trường chấp nhận,
phù hợp với khả năng chi tiêu của số đông là từ 200.000 – 400.000 đồng/đôi.
Riêng dòng sản phẩm giầy vải, các DN trong nước cũng chiếm ưu thế và chiếm lĩnh
thị trường cả nước từ khá lâu như nhãn hiệu giày ASIA, Thượng Đình. Đại diện
một DN thông tin, ngoài một lượng nhỏ khách hàng yêu chuộng hàng ngoại nhập cao
cấp, đa số người tiêu dùng trong nước đang chọn những sản phẩm giày, dép “made
in Vietnam” chất lượng cao. Đây chính là niềm tin để DN đổi mới để phục
vụ.
Nhìn nhận sự phát triển của
DN giày, dép trong nước, Hiệp hội Da giày Việt Nam đánh giá, công tác đầu tư
đổi mới thiết bị được chú trọng. Đến nay, ngành này xây dựng được thêm các nhà
máy mới với quy mô lớn, thiết bị, công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao năng
lực sản xuất của ngành. Hầu hết DN đã ứng dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn
ISO 9000, ISO 14000, SA 8000... Sản phẩm cung ứng cũng phong phú và đa dạng về
mẫu mã, chất lượng ngày càng được cải thiện hơn dù rằng ngay ở thị trường nội
địa cũng vẫn bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng ngoại nhập.
Mặc dù DN ngành giày, dép
đang nỗ lực phát triển song cũng cần có chiến lược hơn nữa thông qua việc liên
kết chuỗi trong thị trường nội địa. Bên cạnh chiến lược liên kết chuỗi, DN
ngành da giày Việt Nam cũng đang lên kế hoạch thành lập trung tâm nhằm hỗ trợ
sự liên kết về nguyên liệu, thiết kế mẫu mã.
(Theo
báo Đại đoàn kết)