Trong khúc khải hoàn ca chiến thắng, 127 ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) trong cả nước đã hiến dâng chồng, con, cháu cho cách mạng, tô thắm trang sử vàng truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam. Các mẹ chính là biểu tượng sinh động nhất của đức hy sinh, là những tượng đài bất diệt, để lại tiếng thơm ngàn đời cho thế hệ mai sau về truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam anh hùng trong thời đại anh hùng.
Những câu chuyện kể xúc động
Trong căn nhà nhỏ ấp 1, xã Quang
Trung (Trảng Bom) hằng ngày bà con lối xóm vẫn chứng kiến cảnh 2 người phụ nữ
(mẹ 94 tuổi, con dâu 73 tuổi) quây quần trò chuyện bên nhau. Đó là mẹ VNAH Nguyễn
Thị Mao và con dâu Đặng Thị Sương. Gặp và nghe mẹ kể về quãng thời gian khó
khăn để vượt qua nỗi đau mới thấy hết vóc dáng nhỏ bé này ngày càng oằn thêm vì
sức chịu đựng lớn. Mẹ sinh được 3 người con thì cả 3 vào chiến trường, anh con
lớn sau khi phục viên đổ bệnh qua đời để lại vợ trẻ và 2 người con gái bé nhỏ.
Hai người con còn lại là anh Phạm Văn Nên làm xã Đội Thanh An, Dầu Tiếng, Bình
Dương, hăng hái vác mìn cùng bộ đội chủ lực diệt 5 xe tăng Mỹ, đến trái cuối
cùng không may lọt vào ổ biệt kích, anh hi sinh khi vừa tròn 24 tuổi. Cô em gái
Phạm Thị Hà tham gia Quân y Miền (Thuộc Phân khu Sài Gòn- Gia định) cũng hy
sinh khi vừa tròn 23tuổi. Trước nỗi đau mất con, gia đình mẹ bị địch truy đuổi
nên đã dạt về vùng Trảng Bom sinh sống đến ngày hôm nay.
Mẹ VNAH Nguyễn Thị Mao (bìa phải) cùng con dâu
Dù đã 94 tuổi nhưng mẹ vẫn còn nhớ
rất rõ ngày tháng hy sinh của con trai, con gái của mẹ cũng như tính tình từng
đứa. Mẹ kể: “Thằng ba (tức Liệt sĩ Nên) nó bảo mẹ chờ nó đánh xong trận này, diệt
nốt một xe tăng Mỹ sẽ về cưới vợ để mẹ có cháu bế. Thế mà nó ra đi mãi mãi,
không kịp thực hiện lời hứa”. Còn cô gái út, khi mẹ vô thăm trong Phân khu Sài
Gòn- Gia Định, nó vẫn động viên mẹ “mẹ cứ khỏe, chờ ngày đất nước giải phóng
con sẽ về bên mẹ”. Thế nhưng cả hai con của mẹ là liệt sĩ đã anh dũng hy sinh
không kịp chứng kiến ngày đất nước độc lập. Đang trò chuyện cùng mẹ thì câu hát
“ba lần tiễn con đi, hai lần mẹ khóc thầm lặng lẽ” nhưng với mẹ Mao thì cả 3 lần
tiễn con đi, cả cuộc đời khóc thầm, mong ngóng nhưng không thấy con về.
Mẹ VNAH Phạm Thị Được
Câu chuyện về mẹ VNAH Phạm Thị Được,
84 tuổi, ở Xuân Mỹ (Cẩm Mĩ) lại là một nỗi đau khác mà mẹ đã nỗ lực vượt qua. Mới
14 tuổi, mẹ đã bị giam cầm 1 năm nhưng vì tuổi quá nhỏ kẻ thù phải thả ra kèm
theo lệnh trục suất khỏi quê hương Đất Đỏ (Bà Rịa- Long Khánh ngày ấy). Mẹ tiếp
tục theo đoàn quân cách mạng về hoạt động tại khu vực đồn điền cao su nông trường
Hàng Gòn, mẹ gặp và lấy ông Phạm Văn Chế. Năm 1969, chồng mẹ hy sinh, Mẹ dẫn nốt
người con trai Phạm Văn Mai vô rừng, giao cho cách mạng. Anh Mai làm công an
viên của huyện được phân công canh gác tại chốt Hàng Gòn và hy sinh trong trận
càn cản bước tiến quân thù vào giải phóng miền Nam khi chỉ còn 18 ngày là miền
Nam hoàn toàn giải phóng. Đau trước nỗi đau mất chồng, mất con nhưng mẹ vẫn gắng
gượng vươn lên nuôi dạy 3 cô con gái nên người. Tháng 7 về, các đơn vị phụng dưỡng,
các đoàn đến thăm như những đứa con xa trở về bên mẹ.
Mẹ VNAH Lê Thị Cơ
Mẹ Việt Nam anh hùng Giáp Thị Tiếp
dù đã ở tuổi 98 nhưng vẫn nhớ như in ngày tháng hy sinh của hai người con là
Bùi Ngọc Sơn, hy sinh ngày 19-4-1966, khi mới 21 tuổi và chỉ 3 ngày sau là con
trai lớn Bùi Thanh Hùng hy sinh khi mới vừa 24 tuổi. Mẹ kể, khi còn sống cả hai
người con trai của mẹ đều hứa, chiến tranh kết thúc các anh sẽ lấy vợ, sinh con
để mẹ có cháu bế bống, nào ngờ...“Chỉ trong 3 ngày mẹ mất hai đứa con, đau lắm,
thương lắm nhưng khi Tổ quốc cần, các con của mẹ sẵn sàng bỏ lại nhiều ước mơ để
lên đường cầm súng đánh giặc”, mẹ Tiếp xúc động khóc. Ngoài 2 con liệt sĩ, mẹ
con một người em trai hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ....Đó còn là mẹ
VNAH Lê Thị Cơ (Thị trấn Trảng Bom) có chồng là Lục Văn Đô và 2 con liệt sĩ: Lục
Văn Quân và Lục Thị Vân đều hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Ở tuổi 90 mẹ
không còn nhớ kỹ nhưng ước nguyện cuối đời của mẹ là tìm thấy hài cốt của con.
Chúng con lại về đây bên mẹ
Vào dịp kỷ niệm ngày TBLS hay các
dịp lễ, tết, các sở, ngành, các đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp lại về
thăm và tặng quà cho các mẹ VNAH, vừa thăm sức khỏe, tri ân đối với các mẹ vừa
nghe các mẹ kể chuyện, những câu chuyện kể, chính là những bài học giáo dục
truyền thống sâu sắc.
Mẹ VNAH Giáp Thị Tiếp và con gái
Anh Bùi Đăng Ninh, Chính trị
viên, Ban CHQS huyện Trảng Bom chia sẻ, mỗi mẹ VNAH là một câu chuyện kể xúc động
về sự cống hiến, hy sinh. Khi Tổ quốc cần, các mẹ đã nén nỗi đau động viên chồng,
con lên đường bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, Ban CHQS huyện đang nhận phụng dưỡng mẹ
VNAH Nguyễn Thị Mao, xã Quang Trung. “Không chỉ đến dịp 27-7 hay lễ, tết mà khi
rảnh, cán bộ chiến sĩ trong đơn vị vẫn thường đến thăm, động viên mẹ, nghe những
tâm tư, những câu chuyện mẹ kể để thấu hiểu, cảm thông như với chính người mẹ thân
yêu của mình”, anh Ninh nói.
Chồng, các con của mẹ ra đi mãi
mãi không trở về nhưng các bác, các anh lại hóa thân vào đất mẹ, tỏa sáng soi dọi
con đường cách mạng cho mỗi bước ta đi. Cuộc đời mỗi mẹ là một hoàn cảnh khác
nhau, với nỗi niềm riêng nhưng các mẹ đều giống nhau ở sự thủy chung, son sắc,
đức tính kiên cường và lòng yêu nước vô biên. Hình ảnh mẹ VNAH chất phác, nồng
hậu như những người bà, người mẹ rất đỗi bình dị khác trong các gia đình Việt
Nam. Vậy mà những người phụ nữ tưởng chừng nhỏ bé ấy đã phải oằn mình gánh chịu
bom đạn chiến tranh, dằn lòng tiễn chồng, tiễn con lên đường đấu tranh cho độc
lập của đất nước để rồi cạn khô dòng nước mắt khi nhận tin chồng, con mình lần
lượt nằm lại nơi chiến trường khốc liệt. Các mẹ VNAH thực sự là biểu tượng cao
đẹp của đức hy sinh mà thế hệ chúng ta và cả sau này mãi mãi tri ân, tưởng nhớ.
Vĩnh Hà