ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017): Mẹ, vợ liệt sĩ tiêu biểu- Những câu chuyện cảm động về sự hy sinh
Đăng ngày: 17-07-2017 08:50
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
173 mẹ, vợ liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) tiêu biểu được tôn vinh sáng mai (18-7) là một trong những hoạt động điểm nhấn hướng đến kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ (TBLS). Mỗi người mẹ, người vợ liệt sĩ, mẹ VNAH là những câu chuyện kể xúc động về sự hy sinh to lớn trong việc hiến dâng chồng, con- những người thân yêu nhất cho Tổ quốc. Dù khó khăn, gian khổ, họ vẫn một lòng thủy chung, son sắc, vươn lên thờ chồng, nuôi dạy con.
Những câu chuyện kể cảm động

50 năm kể từ ngày kết hôn với ông Nguyễn Văn Út (1967) và cũng là 45 năm ông hy sinh (1972) nhưng với bà Tôn Thị Nhành, kỷ vật mẹ chồng tặng và lời thề thủy chung với người đã khuất vẫn được bà trân trọng, mang theo, làm hành trang công tác và nuôi dạy 2 người con trưởng thành. Trở về xã Xuân Quế (Cẩm Mỹ) trong những ngày cả nước đang hướng nhiều hoạt động nghĩa tình chăm sóc người có công, câu chuyện cảm động về bà Tôn Thị Nhành, người con gái Trà Vinh tham gia cách mạng khi mới 13 tuổi là vợ của liệt sĩ Nguyễn Văn Út vẫn được nhiều thế hệ cán bộ, hội viên phụ nữ xã, huyện truyền kể.

IMG_1869.JPG 
 
Bà Tôn Thị Nhành giới thiệu kỷ vật của mẹ chồng tặng bà trong ngày cưới

Năm 13 tuổi, bà Nhành làm giao liên cho lực lương vũ trang huyện Châu Thành, Trà Vinh. Trong hoạt động, bà đã gặp và kết hôn với ông Nguyễn Văn Út, một cán bộ của Quân y Quân khu 9 lúc đó. Bà Nhành kể, đám cưới thời kháng chiến đơn giản lắm, chỉ ít bánh kẹo, vài cành bông bẻ ngay đơn vị và ít nước trà là xong. Trong đám cưới, mẹ chồng có tặng cho bà một đôi bông tai cùng một sợi dây chuyền làm kỷ vật cho 2 vợ chồng. Cưới nhau được 3 năm, trong một trận càn ác liệt 1972, ông đã ra đi mãi mãi, để lại một mình bà cùng hai con nhỏ và mẹ chồng gần 70 tuổi.

Sau giải phóng miền Nam, Bà dắt hai con cùng mẹ chồng già theo một người họ hàng lên Đồng Nai lập nghiệp tại xã Xuân Quế, bà tiếp tục tham gia cách mạng, được mời vào làm việc trong Hội Phụ nữ huyện, xã suốt hơn 16 năm cho đến tuổi nghỉ hưu. Ngắm đôi bông tai và sợi dây chuyền của mẹ chồng tặng, bà xúc động nói: “Trước khi mẹ chồng nhắm mắt về với cha và chồng, mẹ vẫn mong muốn tôi có một người cận kề phòng khi đau ốm nhưng vì thương con, công việc nhiều và quan trọng là lời hứa thủy chung nên tôi quyết định ở vậy nuôi hai người con trưởng thành”. Hiện nay, tuy nghỉ hưu nhưng bà vẫn tham gia làm Tổ trưởng Tổ Hội mẹ truyền thống của xã và huyện, vẫn hằng ngày thống kê, nắm hoàn cảnh của từng gia đình cách mạng để đề xuất với Hội Phụ nữ xã và ban thương binh xã hội có chính sách thăm hỏi, hỗ trợ, giúp những gia đình cách mạng vơi đi nỗi đau, vươn lên giáo dục con cháu chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

IMG_1917.JPG 
 
Về bên mẹ VNAH Phạm Thị Được

Gặp và nghe câu chuyện về mẹ VNAH Phạm Thị Được, 84 tuổi, ở Xuân Mỹ (Cẩm Mĩ) mới thấy hết những đau thương mà mẹ đã phải vượt qua. Mẹ kể, 14 tuổi mẹ đã đi làm giao liên cho lực lượng vũ trang huyện Đất Đỏ (Bà Rịa- Long Khánh ngày ấy). Trong một lần đi liên lạc thư cho bộ đội từ trong căn cứ vào rừng, mẹ đã trúng vào ổ phục kích, bị thực dân Pháp bắt sống, bị đưa vào tù nhưng vì tuổi nhỏ chúng phải thả ra sau một năm giam cầm nhưng cùng với đó là lệnh trục xuất khỏi quê hương. Mẹ tiếp tục theo đoàn quân cách mạng về hoạt động tại khu vực đồn điền cao su nông trường Hàng Gòn, mẹ gặp và lấy ông Phạm Văn Chế. Năm 1969, chồng mẹ đã hy sinh vào thời điểm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mẹ dẫn nốt người con trai Phạm Văn Mai vô rừng, giao cho cách mạng. Anh Mai làm công an viên của huyện được phân công canh gác tại chốt Hàng Gòn. Trong trận càn ác liệt ngăn cản bước tiến quân thù vào giải phóng miền Nam, anh đã hy sinh khi chỉ còn 18 ngày là miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nỗi đau mất chồng, mất con nhưng mẹ vẫn gắng gượng nuôi 3 con gái còn lại nên người, giờ các chị đều là cán bộ, đảng viên, kế thừa và phát huy tốt truyền thống gia đình trong nuôi dạy con, cháu.

Cũng là một người vợ liệt sĩ ở vậy nuôi con thờ chồng từ 1961 đến nay, bà Nguyễn Thị Lẹ vẫn rưng rưng mỗi lần kể về sự hy sinh anh dũng của chồng bà- liệt sĩ Nguyễn Văn Tui. Bà kể lại, Ông hy sinh khi vừa bước qua tuổi 29, trong trận càn ác liệt năm 1961, ông đã nhận nhiệm vụ ở lại sau cùng ngăn bước tiến quân thù cho đồng đội đưa bà con rút chạy vào rừng, ông đã bị địch giết rồi quăng mất xác. Lúc đó con gái của bà khoảng 2 tháng tuổi, không thể ở lại xã Đại An (Tân An, Vĩnh Cửu ngày nay), hai mẹ con phải bồng nhau về nương nhờ nhờ ngoại ở Biên Hòa và sau giải phóng lại trở lại Tân An mong tìm thấy hài cốt của chồng. Cầm di ảnh của chồng trên tay bà xúc động nói: “Năm nay tôi đã 84 tuổi, mong ước lớn nhất của tôi là tìm thấy hài cốt ông ấy đưa về an táng cùng đồng đội quê hương, tôi mới yên lòng nhắm mắt”.

Những gia đình cách mạng gương mẫu

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Ngọc Loan cho biết, Chương trình tôn vinh mẹ, vợ liệt sĩ tiêu biểu và mẹ VNAH do Hội LHPN tỉnh, Sở LĐ-TBXH, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ; Sở VH-TTDL, Đài PTTH Đồng Nai và Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp tổ chức là một hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày TBLS. Qua chương trình nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa.

IMG_1950.JPG 
Bà Nguyễn Thị Lẹ và con gái bên di ảnh của liệt sĩ Nguyễn Văn Tui
Cũng theo bà Loan thì, chương trình được tổ chức đúng vào dịp cả nước kỷ niệm 70 năm ngày TBLS, có ý nghĩa, trang trọng, thể hiện sự tri ân, lòng biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những người mẹ, người vợ liệt sĩ trong tỉnh đã có công sinh thành, nuôi dưỡng những người con ưu tú; động viên chồng, con lên đường đấu tranh cho cho công cuộc giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Box: Bà Lê Thị Ngọc Loan, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh cho biết: Chương trình sẽ tôn vinh, biểu dương 173 mẹ, vợ liệt sĩ tiêu biểu, trong đó có 42 mẹ VNAH. Đây là những người vợ, người mẹ đã cống hiến chồng, con cho nền độc lập của Tổ quốc và nỗ lực vượt lên đau thương, đóng góp tích cực trong công tác Hội, trong nuôi dạy, giáo dục con, cháu phát huy truyền thống quê hương, gia đình đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh./.

Vĩnh Hà

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu