ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Kỷ niệm 70 năm ngày TBLS (27/7/1947-27/7/2017): Nỗ lực tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Sân bay Biên Hòa tết Mậu thân 1968: Nửa thế kỷ tìm kiếm và đón các anh về đất mẹ
Đăng ngày: 12-07-2017 12:25
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Bài 2: Thỏa nguyện ước mong ngày “Gặp lại” Việc tìm thấy các liệt sĩ hy sinh trong Sân bay Biên Hòa và tổ chức truy điệu, an táng nghiêm trang, trọng thể đã phần nào làm vơi đi nỗi đau của các gia đình, thân nhân và thỏa nguyện ước mong đón người thân trở về lòng đất mẹ. Việc làm này còn thể hiện trách nhiệm, sự tri ân đối với người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
*Nỗi đau xen lẫn tự hào

Vừa vui mừng tột độ, vừa đau xót đó là những cảm xúc ngay ở thời điểm hiện tại của gia đình ông Hoàng Văn Hàn (thôn Yên Lý, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) khi nhận được tin hài cốt anh trai của ông là liệt sĩ Hoàng Văn Lê đã được tìm thấy ở Đồng Nai.

Trong căn nhà nhỏ tại vùng quê yên bình huyện Tam Đảo, bà Nguyễn Thị Nan, vợ ông Hàn cho biết: “Anh chồng tôi là con thứ ba trong gia đình. Anh nhập ngũ năm 1966, chiến đấu ở mặt trận phía Nam và hi sinh năm 1968. Sau khi nhận được tin báo tử, gia đình đã nhiều lần có ý định tìm kiếm phần hài cốt của anh để đưa anh về với quê nhà nhưng bấy lâu nay vẫn bặt vô âm tín. Nay nhận được tin đã tìm thấy hài cốt của anh, gia đình chúng tôi vô cùng xúc động vì cuối cùng cũng biết được tin anh, được thắp cho anh nén hương đoàn tụ”.

Tại Biên Hòa, Ông Hàn bồi hổi chia sẻ: “Việc đi tìm phần mộ của anh tôi luôn là nỗi niềm đau đáu của gia đình bấy lâu. Cứ mỗi khi gia đình đoàn tụ, đầm ấm là tôi không khỏi xót xa khi nghĩ đến anh trai vẫn đang nằm cô đơn ở một nơi xa lạ nào đó. Tâm nguyện của mẹ tôi trước khi mất có dặn lại chúng tôi là tìm được di hài của của anh, đưa anh về quê hương, đoàn tụ với gia đình, người thân. Giờ đây, di hài anh đã tìm được, với gia đinh chúng tôi, không gì hạnh phúc bằng niềm vui “gặp lại” này”.

IMG_3678.JPG 
 
Gia đình Liệt sĩ Hoàng Văn Lê trò chuyện với 
phóng viên

Qua điện thoại, chúng tôi liên lạc với chị Vũ Thị Huân, con gái của Liệt sĩ Vũ Đình Thôn, xã Hiệp Cường, Kim Động, Hưng Yên. Vừa nghe điện thoại từ trong Nam chị đã bật khóc và nói: “Lúc tôi gần 1 tuổi thì bố tôi hy sinh, tôi chỉ nghe mẹ tôi kể lại khi tôi sinh ra được 2 tháng, trong một lần hành quân qua nhà, bố tranh thủ về thăm, bế tôi trong tay rồi ra đi mãi mãi. Bố biết tôi, còn tôi không bao giờ được gặp bố nữa. Đã gần 50 năm gia đình tổ chức tìm kiếm, nay nhận thư của Đồng Nai mời vào dự lễ truy điệu. Thế là tôi và gia đình đã thỏa nguyện khát khao, biết được nơi bố nằm để tiện bề hương khói”. “Nhận được thông tin mộ tập thể nhưng từ bây giờ bố tôi đã được cùng đồng đội của ông yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồng Nai, mẹ tôi gần 90 tuổi rất yếu nhưng được an ủi để chờ ngày về gặp bố”, chị Huân sụt sùi nói.

Cả gia đình của liệt sĩ Hoàng Xuân Cầm, xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú thọ đều mừng rơi nước mắt khi nhận thông tin về mộ người thân sau 44 năm ngày báo tử. Chào đời khi ông Cẩm đang chiến đấu trong chiến trường miền Nam, chị Hoàng Thị Thư chỉ biết bố mình qua bức hình đen trắng trên bàn thờ và những lời kể của mẹ và bà nội. Chuẩn bị cùng chồng vào Đồng Nai dự lễ truy điệu, an táng bố, chị nghẹn ngào: “Mẹ tôi vẫn thường kể trước khi vào Nam chiến đấu, ông đã dặn bà, nếu đứa con trong bụng sinh ra là trai thì bà nội và mẹ tự đặt tên, là gái thì đặt là Thư. Tên tôi là do bố chọn đặt, vậy mà bố con chẳng được biết mặt nhau. Thấy chúng tôi khôn lớn thế này chắc ông mừng lắm. Không được thể hiện lòng hiếu thảo chăm sóc người sinh thành thành ra mình, tìm được nơi bố an nghỉ, thắp cho bố nén hương, chúng tôi cũng thấy tâm thanh thản hơn…”.

*Nắm đất nặng nghĩa nhà

Mỗi thân nhân liệt sĩ được mời đến dự lễ gặp mặt, truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đêm 31-1-1968 ngoài hành trang trong những ngày đi, họ còn mang theo nắm đất quê hương nặng nghĩa tình với những người con ưu tú đã hy sinh cho nền tự do độc lập.

Ông Hoàng Văn Cầm, con trai liệt sĩ Hoàng Xuân Cầm nói: “Ngoài di ảnh của bố tôi mang theo vào dự lễ, nắm đất quê hương được chính người mẹ đã 84 tuổi cẩn thận gói ghém và dặn lại rằng đây chính là nắm đất ở nơi mà trước đây bố tôi đã cuốc trồng rau giữa hai kỳ ông nhập ngũ. Mang vào đưa xuống mộ của bố cùng đồng đội để ông yên lòng quê hương luôn trong ông dù ông ở bất kỳ nơi đâu trên dải đất hình chữ S này”.

IMG_5373.JPG 
 
Gia đình Liệt sĩ Cẩm chuẩn bị hành trang đi dự lễ
truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ ở Đồng Nai

Trong giấy báo tử của liệt sĩ Hoàng Xuân Cầm ghi rõ: “Nhập ngũ tháng 3-1959. Xuất ngũ tháng 3-1962. Tái ngũ tháng 4-1966. Đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam. Hy sinh ngày 31-1-1968 tại mặt trận phía Nam. Cấp bậc Thượng sỹ. Chức vụ Tiểu đội trưởng, Tiểu đoàn 4 KB…”. Gia đình, người thân và cả chính quyền xã đọc thì biết vậy chứ ai biết ông và nhiều đồng đội đã anh dũng hy sinh trong trận đánh nảy lửa tại sân bay Biên Hòa trong chiến dịch Tết Mậu Thân và cũng chẳng ai biết ông an nghỉ trong ngôi mộ chung của các liệt sĩ là chiến sĩ của Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2; Trung đoàn 4; Sư đoàn 5 và Đại đội đặc công Biên Hòa. Thế nên khi con trai ông nhận được giấy mời vào tham gia Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh vào sân bay Biên hòa ngày 31-1-1968 đã gọi điện đặt vấn đề xin cho gia đình được mang hài cốt liệt sĩ Hoàng Xuân Cẩm về quê an táng mới bất ngờ nhận được câu trả lời là rất khó. Tìm hiểu đầy đủ thông tin, gia đình ngậm ngùi: “Thôi thì đâu cũng là đất Việt mình. Ông sống, chiến đấu cùng đồng đội thì nay anh em đồng chí kề cận nhau cho đỡ lạnh lẽo, lẻ loi. Gia đình mang đất quê hương vào sẽ giúp ấm hương hồn, để ông luôn gần gũi với nơi mình chôn rau cắt rốn, khôn lớn trưởng thành…”.

IMG_2337.JPG

Cháu của Liệt sĩ Nguyễn Văn Đại (tức Nguyễn Văn Ú) giới thiệu tấm Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ

Chỉ cách Biên Hòa hơn 40 km, ông Võ Văn Đức, xã Long Phước, huyện Long Thành là cháu ruột của Liệt sĩ Nguyễn Văn Đại (Nguyễn Văn Ú) cho biết: “Khi cậu tôi hy sinh, gia đình tổ chức nhiều lần tìm kiếm nhưng không thấy thông tin. Nhận được thư mời dự lễ truy điệu cậu cùng đồng đội hy sinh tại Sân bay Biên Hòa, bản thân tôi cũng như gia đình rất mừng. Bà ngoại tôi khi mất vẫn đau đáu nỗi niềm không biết cậu nằm nơi đâu để tìm đưa cậu về Nghĩa trang hương khói. Lần này được biết cậu về cùng đồng đội ở Biên Hòa, tôi vẫn mang theo nắm đất để cậu thấy ấm tình quê hương”.

Box: Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh vào Sân bay Biên Hòa ngày 31-1-1968 sẽ được tổ chức trọng thể vào sáng nay 12-7 tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai. Dự kiến sẽ có trên 1.300 đại biểu Trung ương, các tỉnh, thành có liệt sĩ và trên 200 thân nhân liệt sĩ. Trước khi diễn ra Lễ truy điệu và an táng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và TP. Biên Hòa tổ chức gặp mặt, tặng quà các thân nhân liệt sĩ vào chiều 11-7 và giao lưu với thân nhân, gia đình liệt sĩ, các nhân chứng vào tối ngày 11-7. Chương trình là một trong những hoạt động trọng điểm của tháng cao điểm kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017).

Vĩnh Hà

 
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu