ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/71947- 27/7/2017): Đất quê vẫn mãi bên Anh
Đăng ngày: 09-07-2017 11:35
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Tình nguyện dùng máu viết đơn xin nhập ngũ giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc bước vào giai đoạn cam go, khốc liệt, được giải ngũ trở về quê chưa đầy năm, ông giáo làng Hoàng Xuân Cẩm (xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê) lại tình nguyện tái ngũ vào chiến trường miền Nam cầm súng chiến đấu để lại quê hương đứa con đầu lòng mới bập bẹ gọi bố và người vợ tảo tần đang mang bầu đứa thứ hai. Mòn mỏi đợi chờ, đầu tháng 7-1973, gia đình ông bàng hoàng khi nhận giấy báo tử nói ông đã hy sinh trong chiến trường miền Nam.
Bao năm ròng rã đi khắp các nghĩa trang liệt sĩ tìm kiếm nơi an nghỉ của người thân, khi hy vọng tưởng như đã lụi tắt, cũng vào đầu tháng 7 sau 44 năm nhận được tin ông hy sinh, gia đình lại vỡ òa niềm vui, xúc động nghẹn ngào biết tin đã tìm được nơi an nghỉ của ông cùng đồng đội và lời mời vào Đồng Nai dự lễ Truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh vào sân bay Biên Hòa ngày 31-1-1968. Hành trang của người thân vào thăm viếng ông ngoài di ảnh còn có nắm đất mang nặng tình cảm thương yêu, tri ân công lao của quê hương với người con ưu tú đang yên giấc ngàn thu nơi miền Nam ruột thịt…

Ký ức về ông giáo làng cầm súng.!

IMG_5385.JPG

Di ảnh liệt sĩ Hoàng Xuân Cầm

Mấy hôm nay, ngôi nhà nhỏ của gia đình ông Hoàng Văn Cầm (khu 5, xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê) luôn tấp nập anh em họ hàng, bà con hàng xóm đến hỏi thăm, chúc mừng. Thông tin tìm được nơi an nghỉ của liệt sĩ Hoàng Xuân Cẩm đã trở thành niềm vui chung của Đảng bộ, chính quyền và người dân miền quê còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng luôn sống trọng tình, khắc ghi sâu đậm công ơn của những người đã xả thân vì nước. Tóc đã điểm bạc, con dâu con rể đuề huề nhưng ông Cầm vẫn khóc nấc nghẹn ngào khi nghe các cụ cao niên nhắc lại kỷ niệm về người bố anh hùng mà ông không thể nhớ được nét mặt, lời nói, cử chỉ âu yếm thương yêu chăm sóc dành cho mình trong thời gian ông ở nhà giữa hai lần nhập ngũ. Ông Hoàng Thanh Giản (anh họ của liệt sĩ Hoàng Xuân Cẩm) xúc động nhớ lại: “Tôi sinh năm 1941, kém chú Cẩm 6 tuổi. Ngày đó chú tôi có tiếng là tài hoa, thẳng tính nên ai cũng quý mến, cảm phục. Học chưa hết lớp 6 trường làng nhưng chú sáng dạ lắm, chữ đẹp lại có tài làm thơ nên rất nhiều người đến nhờ cậy soạn thảo văn tự. Thanh niên chúng tôi thì mon men đến nhờ viết thư tình, làm thơ để… tán gái. Sức vóc lực lưỡng mà chú ấy đan lát vật dụng sinh hoạt khéo nhất làng lại hiền lành, chăm chỉ chịu khó nên được rất nhiều cô mê. Thế mà chả hiểu sao chú ấy lại rất nhát gái. Cấm có thấy tán tỉnh yêu đương được ai. Ngày chuẩn bị lên đường nhập ngũ, chú ấy đang lầ thầy giáo dạy bổ túc tại trường làng, có ông giáo dạy cùng quý mến giới thiệu em gái cho. Thế là nên vợ nên chồng. Tôi vẫn nhớ lần chú nhập ngũ rồi tái ngũ, đội thiếu niên chúng tôi đều đưa tiễn ra tận Bến phà Chủ Chè. Chú còn xoa đầu dặn tôi ngoan, chịu khó học tập, giúp đỡ gia đình, chiến thắng chú về anh em sẽ lại đi tắm sông, bắt chim, đánh cá. Vậy mà…”.  Lặng người bên di ảnh của chồng, bà Lê Thị Bùi lấy khăn chấm dòng nước mắt mờ đục lăn dài trên gò má nhăn nheo. Kể sao hết những nhọc nhằn, vất vả thiếu thốn đã đè nặng lên đôi vai gầy yếu của bà khi lấy chồng mà thời gian hạnh phúc bên nhau chỉ chớp nhoáng qua những ngày ông về phép, chuẩn bị tái ngũ còn lại là đằng đẵng tháng năm mỏi mòn chờ đợi, thấp thỏm lo âu rồi bàng hoàng như sét đánh bên tai, quẳng đôi quang gánh ngất lịm giữa đồng khi biết tin ông sẽ chẳng bao giờ về với ba mẹ con. Tình nghĩa vợ chồng sâu nặng đã trở thành sức mạnh giúp bà vượt qua gian khó một mình nuôi hai con khôn lớn trưởng thành, hoàn thành tâm nguyện với người đã khuất. Không biết bao lần bà và người thân lặn lội đến các nghĩa trang liệt sĩ từ miền Trung trở vào, lần tìm từng hàng bia mộ để rồi thẫn thờ thất vọng ra về. Con cái phương trưởng, kinh tế gia đình chưa phải là khá giả nhưng cũng không còn thiếu thốn, bà chỉ canh cánh trong lòng nỗi niềm chưa tìm được mộ chồng. Nay biết nơi ông an nghỉ, bà mừng lắm. Vậy là bà có thể yên lòng nhắm mắt về đoàn tụ với ông. Bước sang tuổi 84, mắt mờ, chân yếu, ngày ốm nhiều hơn ngày khỏe, dù rất muốn bà cũng chẳng thể vượt hơn nghìn cây số vào nơi ông cùng đồng đội an nghỉ để thắp cho chồng nén hương nên chỉ biết dặn dò con trai, con dâu, con gái, con rể chuẩn bị hành trang chu đáo vào với bố. Tự tay bà ra vườn lấy nắm đất đã in dấu chân, thấm đẫm mồ hôi của ông cuốc xới khi xưa để các con mang vào cho ông ấm lòng, yên giấc nơi suối vàng cùng đồng đội.!

Chào đời khi ông Cẩm đang chiến đấu trong chiến trường miền Nam, chị Hoàng Thị Thư chỉ biết đến hình ảnh của bố mình qua bức hình đen trắng trên bàn thờ và những lời kể của mẹ và bà nội. Chuẩn bị cùng chồng vào Đồng Nai dự lễ truy điệu, an táng bố, chị nghẹn ngào: “Mẹ tôi vẫn nhắc trước khi vào Nam chiến đấu, ông đã dặn bà là nếu đứa con trong bụng sinh ra là trai thì bà nội và mẹ tự đặt tên, là gái thì đặt là Thư. Tên tôi là do bố chọn đặt, vậy mà bố con chẳng được biết mặt nhau. Thấy chúng tôi khôn lớn thế này chắc ông mừng lắm. Không được thể hiện lòng hiếu thảo chăm sóc người sinh thành thành ra mình, tìm được nơi bố an nghỉ, thắp cho bố nén hương, chúng tôi cũng thấy tâm thanh thản hơn…”.

Sáng mãi truyền thống anh hùng

IMG_5373.JPG

Gia đình LS Hoàng Xuân Cầm chuẩn bị nắm đất quê hương trước khi vào

Đồng Nai dự lễ truy điệu và an táng

Sinh năm 1935, là con trai duy nhất trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, kiên cường bất khuất trước các thế lực bạo ngược, cụ thân sinh ra liệt sĩ Hoàng Xuân Cẩm là Hoàng Văn He (Quận He)- nghĩa sĩ Cần Vương tham gia đánh Pháp. Truyền thống quật cường cách mạng sục sôi trong huyết quản nên dẫu là con duy nhất, chưa phải đối tượng động viên nhập ngũ, tháng 3-1959 ông đã tình nguyện viết đơn bằng máu xin tòng quân cầm súng chiến đấu. Sau ba năm, ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được phục viên. Lập gia đình, con trai đầu chập chững biết đi, vợ đang mang bầu, nhưng chứng kiến thanh niên trong làng nô nức tòng quân chiến đấu, lòng ông như có lửa đốt, trách nhiệm công dân khi Tổ quốc lâm nguy thôi thúc, một lần nữa ông lại dùng máu viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Giấy báo tử của ông ghi rõ: “Nhập ngũ tháng 3-1959. Xuất ngũ tháng 3-1962. Tái ngũ tháng 4-1966. Đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam. Hy sinh ngày 31-1-1968 tại mặt trận phía Nam. Cấp bậc Thượng sỹ. Chức vụ Tiểu đội trưởng, Tiểu đoàn 4 KB…”. Gia đình, người thân và cả chính quyền xã đọc thì biết vậy chứ ai biết ông và nhiều đồng đội đã anh dũng hy sinh trong trận đánh nảy lửa tại sân bay Biên Hòa trong chiến dịch Tết Mậu Thân và cũng chẳng ai biết ông an nghỉ trong ngôi mộ chung của khoảng 150 liệt sĩ là chiến sĩ của Tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 2; trung đoàn 4; sư đoàn 5 và đại đội đặc công Biên Hòa. Thế nên khi con trai ông nhận được giấy mời vào tham gia Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh vào sân bay Biên hòa ngày 31-1-1968 đã gọi điện đặt vấn đề xin cho gia đình được mang hài cốt liệt sĩ Hoàng Xuân Cẩm về quê an táng mới bất ngờ nhận được câu trả lời là rất khó. Tìm hiểu đầy đủ thông tin, gia đình ngậm ngùi: “Thôi thì đâu cũng là đất Việt mình. Ông sống, chiến đấu cùng đồng đội thì nay anh em đồng chí kề cận nhau cho đỡ lạnh lẽo, lẻ loi. Gia đình mang đất quê hương vào sẽ giúp ấm hương hồn, để ông luôn gần gũi với nơi mình chôn rau cắt rốn, khôn lớn trưởng thành…”.

Cùng đoàn lãnh đạo xã đến thăm hỏi, chúc mừng gia đình nhận được thông tin nơi liệt sĩ Hoàng Xuân Cẩm an nghỉ, ông Mai Hồng Điều-Chủ tịch UBND xã Phú Lạc bộc bạch: “Phú Lạc là vùng quê giàu truyền thống cách mạng và gia đình liệt sĩ Hoàng Xuân Cẩm là tấm gương tiêu biểu. Chúng tôi tự hào có những người con quê hương như đồng chí Cẩm. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, chi họ đồng chí Cẩm đã có 5 liệt sĩ, 3 Mẹ Việt Nam Anh hùng được phong tặng, truy tặng. Dẫu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn những những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân Phú Lạc luôn dành tình cảm, thể hiện trách nhiệm quan tâm, chăm sóc đến cuộc sống các đối tượng chính sách nói chung và gia đình liệt sĩ Hoàng Đình Cẩm nói riêng. Chung niềm vui với gia đình đã tìm được nơi an nghỉ của liệt sĩ, lãnh đạo xã đã tới thăm hỏi, hỗ trợ một phần kinh phí để thân nhân liệt sĩ vào Đồng Nai dự lễ truy điệu, an táng. Với tình cảm, trách nhiệm của mình, chúng tôi xin hứa với anh linh liệt sĩ Hoàng Xuân Cẩm và các anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì nền độc lập tự do của dân tộc sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống anh hùng cách mạng xây dựng quê hương Phú Lạc ngày càng giàu đẹp, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước với đối tượng chính sách, tập trung nguồn lực quan tâm chăm sóc tốt nhất trong điều kiện có thể…”.

Gói đất quê hương đã được gói ghém cẩn thận chuẩn bị cùng người thân lên đường vào Nam sưởi ấm hương hồn người con anh hùng của Đất Tổ Hùng Vương đang yên nghỉ nơi miền Nam ruột thịt. Trên bàn thờ, di ảnh liệt sĩ Cẩm với Huy chương lấp lánh nơi ngực áo như mỉm cười sau làn khói hương mờ ảo. Thắp nén tâm nhang, tôi thầm khấn mong liệt sĩ Hoàng Xuân Cẩm hãy yên lòng cùng đồng đội an nghỉ cõi vĩnh hằng, quê hương luôn ghi tạc hình ảnh và công ơn to lớn của các anh…

Vĩnh Thanh

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu