Tỷ lệ hài lòng tăng
Báo cáo của Tỉnh ủy mới đây cho thấy, Cấp ủy
các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo công tác CCHC tại các cơ quan,
đơn vị, địa phương có kết quả. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp hài lòng với
cách thức giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đã tăng từ 70% (năm 2010) lên gần
85% (năm 2016). Các địa phương, sở, ngành đã đơn giản hóa hơn 900 TTHC, vượt
hơn 34% so với chỉ tiêu; bãi bỏ hơn 500, sửa đổi hơn 1,6 ngàn và thay thế
37 thủ tục không còn phù hợp thực tế, chồng chéo, gây phiền hà cho người dân,
doanh nghiệp. Đồng thời, cập nhật bổ sung 286 TTHC phù hợp với thực tế giải quyết
của các sở, ngành, địa phương.
Phó giám đốc Sở Nội vụ Tạ Quang Trường cho
biết, việc đánh giá kết quả chỉ số CCHC năm 2016 có nhiều đổi mới. Bộ Nội vụ đã
ban hành bộ tiêu chí về đánh giá chỉ số CCHC mới tập trung vào kết quả đầu ra,
đi vào thực chất nhiều hơn là hình thức tổ chức thực hiện. “Nếu những năm trước
chỉ cần có kế hoạch CCHC, gửi đúng hạn và làm báo cáo, triển khai dịch vụ công
trực tuyến thì đạt được điểm quy định. Năm 2016, cách tính mới lại dựa trên chất
lượng làm kế hoạch, báo cáo và tỷ lệ người dùng các dịch vụ công trực tuyến cao
hay thấp để xác định khung điểm phù hợp, nghĩa là các chỉ số thành phần đánh
giá CCHC đi vào thực chất hơn, có chất lượng hơn và nhấn vào yếu tố sự hài lòng
của người hưởng thụ cũng như tác động CCHC đối với sự phát triển kinh tế xã hội
của từng cơ quan, địa phương, đơn vị”, ông Trường nói.

Hướng dẫn người dân làm TTHC tại Trung tâm
Hành chính công
Đặc biệt, năm 2016, Bộ Nội vụ còn đưa thêm
chỉ số thành phần “Tác động của CCHC đối với sự phát triển kinh tế xã hội,
trong đó tập trung vào mức độ thu hút đầu tư, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới
của tỉnh, thành phố”. Theo cách tính này, năm 2016, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập
mới ở Đồng Nai tăng 17,8% so năm 2015, tương đương hơn 2000 doanh nghiệp được
thành lập mới. Ông Trường chia sẻ: “Tính theo cách này, Đồng Nai rất khó đạt điểm
tuyệt đối vì nếu tính theo tỷ lệ phần trăm (đảm bảo 30% trở lên) thì Đồng Nai
tăng ít nhưng nếu tính cụ thể số lượng doanh nghiệp thì Đồng Nai tăng rất nhiều
so với các tỉnh nhỏ, ít doanh nghiệp. Do vậy, với lượng tăng trên 2000 doanh
nghiệp các loại hình năm 2016 cho thấy, mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với
các dịch vụ công của tỉnh tăng thực chất”....
Nhiều
giải pháp đột phá
Trong
buổi giao ban CCHC mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhìn nhận, Đồng
Nai đã nỗ lực và đạt nhiều kết quả trong công tác CCHC, tăng mức độ hài lòng
của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, phải thẳng thắn chỉ ra một số lĩnh vực
còn hạn chế như: cơ chế một cửa, một cửa liên thông cũng chưa đạt điểm tuyệt
đối vì trong năm 2016, chỉ đạt từ 80% đến dưới 100% sở, ban, ngành có 100% hồ
sơ, thủ tục hành chính tiếp nhận trong năm được giải quyết đúng hạn (yêu cầu
phải đạt 100% tiếp nhận và giải quyết quyết đúng hạn); vấn đề xây dựng và nâng
cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đây là lĩnh vực bị trừ
điểm do chưa đạt mức độ hoàn thành kế hoạch tinh giản biên chế năm 2016, tỷ lệ
đạt chuẩn của cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên chưa
đạt 100%.

Thông qua điện thoại kết nối với Zalo và màn hình máy tính, Ban chỉ đạo CCHC tỉnh quan sát thái độ làm việc của CBCC toàn tỉnh
Trong kế
hoạch triển khai giải pháp CCHC để nâng cao chỉ số của tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu
thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, TX. Long
Khánh và TP. Biên Hòa tổ chức rà soát, triển khai nhiệm vụ giải pháp CCHC theo
chỉ đạo của UBND tỉnh. Trong đó, tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm, căn cứ vào
kết quả chỉ số PAR INDEX năm 2016, đối chiếu để xác định những hạn chế trên các
lĩnh vực thuộc trách nhiệm, nhất là các nội dung, tiêu chí chưa đạt yêu cầu
(còn bị trừ điểm) để triển khai các giải pháp nâng chỉ số CCHC gắn kết với chỉ
số PCI trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Đồng thời quán triệt nội dung của
Chỉ số PAR INDEX đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị, địa
phương, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện CCHC. Trong đó,
lưu ý những điểm mới của chỉ số như đánh giá CCHC thông qua kết quả, sản phẩm
đầu ra (không chỉ dựa vào hình thức thực hiện); số đơn vị sự nghiệp công lập
thực hiện cơ chế quản lý tài chính như doanh nghiệp, tỷ lệ hồ sơ thực hiện trực
tuyến mức độ 3, 4; tỷ lệ thu hút đầu tư, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới....

Kết nối qua Zalo, Lãnh đạo tỉnh có thể quan sát CBCC làm việc trong toàn tỉnh
Để đảm
bảo tiếp tục tăng tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp và góp phần nâng
chỉ số CCHC, tỉnh đang thực hiện nhiều nhóm giải pháp đột phá. Trong đó, tỉnh
tập trung đưa Trung tâm Hành chính công vào hoạt động gần 1 tháng đã nhận được
sự đánh giá cao của người dân và doanh nghiệp. Cũng tại đây, Trung tâm đã ký
kết hợp tác với với Bưu điện tỉnh, triển khai các dịch vụ hỗ trợ tiếp nhận, trả
kết quả giải quyết TTHC qua hệ thống bưu điện theo yêu cầu của người dân, doanh
nghiệp cùng nhiều tiện ích khác theo Quyết định 45/2016 của Thủ tướng Chính
phủ. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với nhà mạng Zalo để triển
khai nhiều tiện ích, cung cấp các dịch vụ công đáp ứng yêu cầu của người dân,
doanh nghiệp, nhằm tạo ra nhiều dịch vụ cạnh tranh và nhiều sự lựa chọn phù hợp
cho người dân và doanh nghiệp.
Box: Phó giám đốc Sở Nội vụ Tạ Quang
Trường cho biết, UBND tỉnh vừa quyết định thí điểm từ ngày 1-7-2017 sẽ giải
quyết 3 thủ tục thuộc lĩnh vực đất đai gồm (đo vẽ, đăng ký và xóa đăng ký giao
dịch bảo đảm và chuyển nhượng chỉnh lý trang 4) biến động) ở TP.Biên Hòa tại 2
nơi là Trung tâm hành chính công tỉnh Đồng Nai và Bộ phận tiếp nhận - trả kết
quả của UBND TP.Biên Hòa. Mục đích của việc triển khai này nhằm giảm bớt tình
trạng quá tải và tạo điều kiện cho người dân tại khu vực lân cận đến làm thủ
tục hành chính được thuận lợi hơn. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TNMT chủ trì tham
mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định thẩm quyền, quy trình, lưu đồ thực hiện một
cách khoa học. Giao UBND TP. Biên Hòa có trách nhiệm tuyên truyền để người dân
biết có thể đến làm 3 thủ tục trên tại 2 địa điểm một cách thuận lợi nhất.
Nguyệt Anh