Tham dự Hội nghị có Ủy
viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương
Thị Mai; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTW MTTQ Việt Nam
Trần Thanh Mẫn; Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Văn Hùng; Phó Chủ tịch
UBTW MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình, Ngô Sách Thực; Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt
Nam Lều Vũ Điều; Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa; Bí thư TƯ Đoàn
TNCSHCM Nguyễn Long Hải; Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam Nguyễn
Văn Tân; Phó Chánh án Toàn án nhân dân tối cao Nguyễn Thúy Hiền, đại diện lãnh
đạo Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; đại diện lãnh đạo các cơ quan và
các tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương, đại diện tỉnh, thành ủy Ban Thường
trực Ủy ban MTTQ, Ban Dân vận, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, lãnh đạo tổ
chức chính trị - xã hội từ điểm cầu 63 tỉnh, thành phố.
Nâng cao vị thế, vai trò
của Mặt trận và các đoàn thể
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương
Thị Mai nêu rõ: Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW năm 2013 về
giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt
Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân được Bộ Chính trị (khóa XI)
ban hành nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X
(năm 2006). Việc ban hành 2 Quyết định này vừa là yêu cầu của Đảng, vừa là
nguyện vọng của nhân dân, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nhằm
phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị- xã
hội, nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy
dân chủ xã hội. Hơn ba năm qua, kể từ khi có các Quyết định này, chủ trương của
Đảng về giám sát, phản biện xã hội kể từ Đại hội X của Đảng đã được hiện thực
hóa, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính
trị - xã hội được triển khai cụ thể, từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt, góp
phần nâng cao vị thế, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, của các
đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức năng đại diện cho lợi
ích, nguyện vọng của nhân dân.
Trưởng ban Dân vận Trung
ương Trương Thị Mai cho rằng, Hội nghị nhằm đánh giá đúng thực trạng công tác
quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW và Quyết định
2118-QĐ/TW về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền
của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân; cũng như sự
quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền trong hoạt động giám
sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong quá trình tổ chức
triển khai thực hiện; những kết quả đạt được, thuận lợi, khó khăn, hạn chế, bài
học kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Theo Phó Chủ tịch – Tổng
Thư ký Trần Thanh Mẫn, công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý
xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam các cấp triển khai thực hiện Quyết
định số 217, Quyết định số 218 của Bộ Chính trị trong 3 năm qua đã đạt được
những kết quả đáng ghi nhận, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã
hội các cấp đã rất quyết tâm, chủ động và sáng tạo tổ chức các hoạt động,
chương trình giám sát phù hợp với Hiến pháp, Luật tổ chức Chính phủ, Luật Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam. Sau 3 năm, ở cấp Trung ương, Ban Thường trực Ủy ban
Trung ương MTTQ Việt Nam, tất cả các tổ chức chính trị-xã hội và nhiều tổ chức
thành viên khác của MTTQ Việt Nam đã chủ trì hoặc phối hợp triển khai các hoạt
động giám sát ở cấp Trung ương ở các vấn đề, lĩnh vực có ý nghĩa cấp bách với
toàn xã hội. Ủy ban MTTQ Việt Nam, 05 tổ chức chính trị-xã hội và 05 tổ chức
thành viên, đoàn thể khác đã tham gia việc giám sát.
10 bộ (Bộ Nông nghiệp và
phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và
Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ
Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng) và Văn phòng Chính phủ đã tham gia trực tiếp
vào quá trình chuẩn bị và triển khai các chương trình giám sát. Ở Trung ương,
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức thành viên
của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức thực hiện 10 chương trình giám sát; Ủy
ban MTTQ Việt Nam 03 cấp ở 63 tỉnh, thành phố đã chủ trì giám sát 56.689 cuộc
giám sát; 30.661 cuộc phản biện xã hội, năm sau nhiều hơn năm trước; Ủy ban
MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính
quyền, phối hợp tổ chức 90.841 hội nghị đối thoại.
“Các hoạt động
giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của
MTTQ Việt Nam đã góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả và hạn
chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Chính phủ và chính quyền các
địa phương, của các tổ chức, các doanh nghiệp, bệnh viện, các trường đại học,
viện nghiên cứu, các ngân hàng; kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện đúng
và có hiệu quả hơn các chính sách, quy định pháp luật; góp phần bảo vệ quyền,
lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, tổ chức, bảo vệ lợi ích của Nhà
nước, hạn chế vi phạm pháp luật. Nhiều kiến nghị sau giám sát đã được các cơ
quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và thực hiện.”, Phó
Chủ tịch – Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn khẳng định.
Phó Chủ tịch – Tổng Thư
ký Trần Thanh Mẫn cho biết, qua giám sát, phản biện xã hội, trên cơ sở nắm bắt
được những yêu cầu của xã hội, những bức xúc và những vấn đề mà đông đảo Nhân
dân quan tâm, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã có nhiều kiến nghị, đề xuất quan
trọng đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng ở các cấp
trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, việc thực
hiện 2 Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị của hệ thống MTTQ Việt Nam vẫn còn
những hạn chế: Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng
Đảng, chính quyền, nhất là hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ
chức thành viên chưa bài bản, công tác phối hợp chưa đồng bộ, chưa có cơ chế,
quy trình thống nhất thể hiện quan hệ của 4 bên: Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ
chức thành viên; các cơ quan quản lý nhà nước; đối tượng được giám sát; cấp ủy
các cấp. MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội mới tổ chức giám sát
các hoạt động của tổ chức kinh tế và các tổ chức sự nghiệp.

Chủ trì hội nghị
Tại Hội nghị đại diện
lãnh đạo các tỉnh, thành ủy, UB MTTQ Việt Nam các tỉnh thành đã chia sẻ những
kinh nghiệm, đưa ra những khó khăn hạn chế, đề xuất những giải pháp để
hoạt động giám sát phản biện có những bước phát triển mới.
Phó Chủ tịch UB MTTQ
tỉnh Quảng Bình Phạm Đức Thương cho biết, mặc dù Trung ương đã bước đầu thể chế
hóa có nhiều văn bản thực hiện nhiệm vụ giám sát phản biện tuy nhiên việc
ban hành các văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ nên Mặt trận và các đoàn thể ở địa
phương còn lúng túng trong việc thực hiện.
Bên cạnh đó, cấp ủy
chính quyền địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến công tác giám sát phản
biện của Mặt trận. Cán bộ Mặt trận các cấp nhất là cấp huyện, cấp xã năng lực
còn yếu nên ảnh hưởng đến chất lượng giám sát. Sau giám sát mặc dù Mặt trận và
các tổ chức chính trị - xã hội đã có kiến nghị cụ thể nhưng đơn vị địa phương
được giám sát vẫn chưa tích cực giải quyết, trả lời kiến nghị. Việc thực hiện
còn nặng về hình thức, cán bộ giám sát vẫn còn tâm lý ngại va chạm, nể nang
không thẳng thắn nêu chính kiến của mình khi giám sát, còn có tâm lý đối phó
của đơn vị được giám sát...
Từ thực tế trên, ông
Thương đề nghị Trung ương cần sớm có văn bản liên tịch giữa UBTVQH, Đoàn Chủ
tịch UBTW MTTQ Việt Nam và Chính phủ về giám sát phản biện xã hội để làm rõ chế
tài cho phù hợp để việc triển khai thực hiện giữa các địa phương được thống
nhất, có hiệu quả. Bên cạnh đó Trung ương cần tiếp tục tập huấn chuyên sâu cho
cán bộ Mặt trận và đoàn thể trong lĩnh vực này, nâng cao việc phối hợp trong
cung cấp thông tin giữa MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội với MTTQ tổ
quốc các địa phương.
Phó Chủ tịch UBMTTQ thành
phố Hà Nội Lê Thị Kim Oanh, cho rằng để thực hiện tốt nhiệm vụ phản biện xã hội
mang tính hiệu quả thiết thực, trong thời gian tới Trung ương xây dựng và sớm
ban hành cơ chế, các quy định cụ thể để MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội
thực hiện chức năng phản biện xã hội. Bên cạnh đó cần quan tâm, tạo điều kiện
về tổ chức, cán bộ đối với hệ thống MTTQ các cấp. MTTQ cần phải xây dựng lực
lượng cán bộ và các chuyên gia có phẩm chất chính trị vững vàng, giỏi chuyên
môn, hiểu biết pháp luật, có kinh nghiệm vận đồng quần chúng, đặc biệt có bản
lĩnh vững vàng trong giám sát và phản biện xã hội. Đặc biệt cần sớm ban hành
Nghị quyết liên tịch về các hình thức giám sát, phản biện xã hội quy định tại
Điều 27, 34 của Luật MTTQ Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam, Bí thư
Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ nhiềm vui mừng khi Ban
Dân vận Trung ương và UBTW MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực
hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị. Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân,
trong 3 năm qua việc triển khai thực hiện Quyết định 217, 218 khá tịch cực và
có nhiều kết quả ý nghĩa. Hiện nay, việc giám sát, phản biện đóng vai trò quan
trọng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân phải có quyền, trách
nhiệm tham gia đóng góp xây dựng Đảng và chính quyền. “Nếu chỉ dựa vào bộ máy
kiểm tra thanh tra chuyên trách của chính quyền các cấp thì việc kiểm tra giám
sát không thể được thực hiện đầy đủ đến các đối tượng liên quan đến cuộc sống
người dân và các hoạt động kinh tế xã hội, chính vì vậy việc giám sát có yêu
cầu bức bách cả về ý nghĩa quản lý và ý nghĩa chính trị.”, Chủ tịch Nguyễn
Thiện Nhân bày tỏ.
Chủ tịch Nguyễn
Thiện Nhân cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, số đối tượng được giám sát ngày
càng tăng lên nhưng bộ máy quản lý nhà nước không thể tăng tỷ lệ thuận với kinh
tế thị trường, nên lực lượng đông đảo để tham gia giám sát chính là nhân dân và
các tổ chức chính trị - xã hội. “Những vấn đề lớn của xã hội, bộ máy của Đảng,
Nhà nước chỉ giám sát được một số lượng không lớn, còn giám sát toàn diện chính
là phải thông qua người dân và tổ chức của mình”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân
khẳng định.
Theo Chủ tịch Nguyễn
Thiện Nhân, việc đảm bảo ý kiến người dân được lắng nghe chính là việc thông
qua giám sát, phản biện, đây chính là yêu cầu có tính chất chính trị của hệ
thống. Như vậy quy định của Bộ Chính trị đối với Quyết định 217, 218 vừa phản
ánh về khoa học quản lý vừa phản ánh yêu cầu thể chính trị của đất nước. Chính
vì vậy muốn làm được điều này, lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận, các tổ
chức thành viên các cấp phải thấy được quyền và trách nhiệm của mình đối với
đất nước.
“Tổ chức Mặt trận
và các tổ chức thành viên phải coi việc giám sát là vì thể chế chính trị của
mình và vị trí của mình đã được quy định trong Hiến pháp và giám sát, phản biện
chính là khẳng định thể chế, phương thức hoạt động của đất nước.”, Chủ tịch
Nguyễn Thiện Nhân nêu.
Chủ tịch Nguyễn Thiện
Nhân đánh giá, qua 3 năm, hoạt động giám sát đã thấm sâu vào hệ thống. Với kết
quả làm được trong 3 năm, 63 tỉnh thành, hầu hết cấp huyện, cấp xã, các tổ chức
chính trị - xã hội và nhiều tổ chức thành viên, các bộ ngành trung ương đã tham
gia hoạt động giám sát của Mặt trận.
“Nếu không có 3 năm với
quyết tâm chính trị của Đảng, của Mặt trận và các tổ chức thành viên thì không
có trên 56 nghìn cuộc giám sát, 56 nghìn lần Mặt trận và các tổ chức thành viên
thể hiện sự quan tâm tới lợi ích của dân và 56 nghìn bản kiến nghị gửi tới các
cơ quan liên quan và tổ chức được giám sát. Đồng thời có hơn 3 vạn ý kiến phản
biện của người dân gửi đến chính quyền các cấp, hơn 90 nghìn cuộc đối thoại
giữa nhân dân với chính quyền các cấp thông qua vai trò của Mặt trận và các tổ
chức thành viên. Với 178 ngàn lần tổ chức giám sát, phản biện, đối thoại trong
3 năm đã thể hiện tính xã hội và kết quả quan trọng đối với hoạt động của đất
nước.”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.
Theo Chủ tịch Nguyễn
Thiện Nhân, 3 năm qua đã hoàn thiện được cơ chế hoạt động giám sát, từ đó để
đưa giám sát của Mặt trận gắn chặt với chính phủ để vừa được sự đồng thuận về
nguyên tắc và vừa hỗ trợ để hoàn thiện chính sách, vừa tạo đồng thuận trong xã
hội. Hiện nay cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát đã dần hoàn thiện thông qua
quyết định 217,218, luật MTTQ Việt Nam có bổ sung 2 chương về giám sát, phản
biện; Thông tư của Bộ Tài Chính hướng dẫn về kinh phí và Ủy ban thường vụ Quốc
hội đã biểu quyết nhất trí thông qua Dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi
tiết Điều 27, Điều 34 của Luật về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của
MTTQ Việt Nam. Đây là văn bản pháp luật, có giá trị pháp lý quan trọng, góp
phần cụ thể về cơ chế đối với hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia
góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam.
Chủ tịch Nguyễn Thiện
Nhân khẳng định mặc dù cấp uỷ, chính quyền địa phương không trực tiếp tham gia
giám sát nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện trong việc
triển khai các chương trình giám sát. Chính vì vậy theo Chủ tịch Nguyễn Thiện
Nhân hàng năm khi Mặt trận và các tổ chức thành viên triển khai chương trình
giám sát, Ban Dân vận các tỉnh cũng phải biết và có thống nhất giữa cấp ủy,
chính quyền, MTTQ Việt Nam và để đảm bảo giám sát đúng chỗ và đề cao quyết tâm
chính trị.
Bên cạnh đó việc thực
hiện giám sát, phản biện phải làm từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để đủ
sức đeo bám đến cùng. Ở Trung ương sau khi thực hiện giám sát phản biện phải
rút kinh nghiệm và chuyển giao cách làm tới các tổ chức thành viên và các địa
phương. Mặt trận cũng phải sử dụng tối đa vai trò của các tổ chức thành viên
trong hoạt động giám sát, phản biện. Cùng với đó phải đeo bám đến cùng những
kiến nghị sau giám sát của Mặt trận.
Đối với công việc sắp
tới Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ban dân vận Trung ương xây dựng, phát hành
cuốn “ Sổ tay hướng dẫn công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam” nhằm giúp cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính
trị - xã hội và các tổ chức Đảng có tài liệu cơ bản, toàn diện và thực tế về
công tác giám sát và phản biện xã hội. Cùng với đó sắp tới cần tổ chức hội nghị
phản biện trực tuyến, có trao đổi kinh nghiệm từng vùng trong giám sát phản
biện xã hội.
Về việc thực hiện quyết
định 218 của Bộ chính trị về việc Mặt trận và các tổ chức nhân dân góp ý xây
dựng Đảng, chính quyền, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng trong thời gian tới
UBTW MTTQ Việt Nam và Ban Dân vận Trung ương nên có văn bản phối hợp hướng dẫn
việc Mặt trận và các tổ chức thành viên góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Từ
hướng dẫn này, các cấp sẽ triển khai thực hiện đồng bộ. Đồng thời Ban Dân vận
và MTTQ Việt Nam sẽ triển khai phối hợp giám sát các cá nhân, tổ chức Đảng,
đảng viên. Qua thực tiễn giám sát, Mặt trận sẽ lắng nghe ý kiến của người dân,
trao đổi với chính quyền cấp uỷ để chọn vấn đề giám sát để từ đó xác định được
các vấn đề trọng tâm, tạo được sự đồng thuận, đồng tình trong giám sát.
“Hằng năm, MTTQ Việt Nam
và Ban Dân vận Trung ương cần có sơ kết về công tác phối hợp trong thực hiện
các Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, để cuối năm 2018 tổ chức tổng kết năm
năm triển khai, báo cáo với Ban Bí thư và phục vụ tốt cho Đại hội đại biểu toàn
quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 9, tổ chức vào năm 2019.”, Chủ tịch
Nguyễn Thiện Nhân gợi mở
(Theo MTTW)