Báo cáo của Sở Lao động- thương binh và xã hội (LĐ-TBXH) cho thấy, toàn
tỉnh hiện có hơn 70 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nhận và tạo điều kiện cho
người khuyết tật (NKT) vào làm việc, có thu nhập ổn định cuộc sống. Trong đó,
Công ty Changshin Việt Nam là doanh nghiệp đi đầu trong việc nhận, tạo điều
kiện để lao động khuyết tật có việc làm, vươn lên hòa nhập cuộc sống.
NKT- tàn không phế
Phạm Tống Trọng, công nhân bộ
phận Nos, Công ty Changshin, bị liệt cả
hai chân với tỷ lệ 65% nhưng nhiều năm nay, Trọng vẫn là một lao động cần mẫn,
chăm chỉ và luôn hoàn thành tốt công việc được giao. Chia sẻ với chúng tôi,
Trọng cho hay: “Tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều NKT khác vì tôi có công việc ổn
định, có thu nhập trung bình từ 7- 8 triệu đồng/tháng và quan trọng hơn tôi
không bao giờ cảm thấy mình là gánh nặng cho gia đình và xã hội”. Không chỉ là
một lao động chăm chỉ, luôn hoàn thành nhiệm vụ, Trọng còn là một vận động viên
NKT của tỉnh, từng tham gia và đoạt giải cao trong các kỳ Paragame trong tỉnh,
trong nước và khu vực. “Những kỳ thi đấu, tôi thường phải nghỉ dài hạn, công ty
vẫn tạo điều kiện để tôi tham gia giải đấu và nhận lại sau khi tôi hoàn thành
nhiệm vụ”, Trọng nói.
Không muốn trở thành gánh nặng
cho gia đình, Hồ Thị Phương Trang, bộ phận chuẩn bị, Công ty Changshin luôn là
một lao động chăm chỉ, cần mẫn, được đồng nghiệp đánh giá cao. Là con thứ tư
trong gia đình có 7 anh chị em. Phương Trang bị tật từ nhỏ, lưng gù cong vẹo
nhưng em vẫn nỗ lực vươn lên để học và thi vào trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai.
Trong lúc chờ kết quả, Trang đã xin vào làm tại công ty và được bố trí công
việc phù hợp ở bộ phận chuẩn bị. Trang nói: “Vào công ty làm việc, có thu nhập
ổn định, em quyết định dừng việc học để đỡ đần cho cha mẹ hỗ trợ 3 đứa em đang
học và không cảm thấy mình là gánh nặng cho gia đình”. Với mức thu nhập trung
bình từ 8,4 đến 9 triệu đồng/tháng, Trang không chỉ lo cho bản thân mà còn phụ
cha mẹ nuôi 3 đứa em vẫn đang đi học.
Cũng là công nhân công ty
Changshin, năm 2 tuổi, Ngô Trung Hiếu bị vôi bắn vào làm hỏng một bên mắt với
tỷ lệ thương tật 45%. Được sự động viên của gia đình, Hiếu đã nỗ lực học hoàn
chỉnh hệ trung cấp nghề tại Trường Cao đẳng nghề Đồng Nai. Sau đó qua báo chí
Hiếu biết tin công ty Changshin tuyển lao động là NKT. Hiếu nộp đơn xin vào và
may mắn được nhận, được bố trí công việc phù hợp đã tạo điều kiện cho Hiếu từng
bước ổn định cuộc sống với mức thu nhập hiện tại khoảng 9 triệu đồng. Hiếu còn may
mắn được một nữ đồng nghiệp cảm mến trước nỗ lực vươn lên đã yêu thương và giờ
họ trở thành vợ chồng, xây dựng được nhà riêng, có một con trai ngoan ngoãn, có
gia đình ổn định, hạnh phúc. Hiếu trở thành nhóm trưởng nhóm công nhân khuyết
tật tại Công ty Changshin, tích cực tham gia các hoạt động do công ty tổ chức.
Tạo điều kiện cho NKT tật vươn lên
Chị Nguyễn Thị Cẩm Hường,
Trưởng phòng Nhân sự, Công ty Changshin cho hay, với chiến lược kinh doanh luôn
coi trọng con người của Changshin thì NKT đang làm việc tại Công ty đều được
đối xử bình đẳng với những người lao động khác. Hiện Luật NKT mới sửa đổi bổ sung có quy định NKT
cũng làm việc 8 giờ/ngày như những lao động bình thường đã mở ra cơ hội để lao
động là NKT thuận lợi trong quá trình tìm việc. “356 lao động khuyết tật đang làm việc tại Công ty đều có
mức thu nhập bình quân từ 6
đến 7,5
triệu đồng/người/tháng. NKT họ không bao giờ có ý định bỏ việc hay nghỉ việc khi thấy có công việc
tốt hơn. Thái độ và ý thức làm việc của họ rất nghiêm túc nên khi tuyển dụng được lao động là NKT về làm
việc, chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm tạo điều kiện để họ vươn lên, xóa
đi tự ti, mặc cảm, hòa nhập tốt với cuộc sống”, chị Hường nói.

Lao động khuyết tật làm việc ổn định tại công ty Changshin Việt Nam
Chị Hường cho biết thêm, nhân ngày
NKT Việt Nam 18-4 năm nay, Chúng tôi sẽ tổ chức gặp mặt, tặng quà cho toàn thể
356 NKT, tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, rút thăm trúng thưởng và tiệc
liên hoan có sự tham gia của Ban Tổng giám đốc, động viên NKT tiếp tục vươn lên
trong cuộc sống.
Phó giám đốc sở LĐ-TBXH Nguyễn
Thị Kiều Oanh cho rằng, hiện trên địa bàn tỉnh ngoài Changshin Việt Nam thì các
doanh nghiệp như Taekwang Vina, Hyundai Wedding, Kim Cương Sao Sáng, Tổng công
ty Cao su Đồng Nai... đang có nhiều lao động khuyết tật làm việc. Các doanh
nghiệp này tạo mọi điều kiện thuận lợi, quan tâm chăm lo cho lao động khuyết
tật có việc làm, thu nhập, ổn định cuộc sống.
Box: Trong báo cáo tổng kết 10
năm công tác bảo trợ xã hội và phát động hưởng ứng ngày “Công tác xã hội” lần
đầu được tổ chức 25-3 vừa qua, Sở LĐ-TBXH cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.023 NKT
có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp; 269 NKT được tổ chức Hỗ trợ NKT vươn
lên đã tài trợ vốn để tự phát triển kinh tế tại nhà; 1.016 hội viên người mù
được trợ giúp làm kinh tế trong tổng số gần 20.000 NKT trong độ tuổi lao động
trong toàn tỉnh. Phó giám đốc sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Kiều Oanh kêu gọi: Toàn xã
hội, cộng đồng doanh nghiệp hãy chung tay trong công tác dạy nghề, tạo việc làm
giúp NKT ổn định cuộc sống. Đây vừa là trách nhiệm vừa mang ý nghĩa nhân văn
sâu sắc, giúp NKT vươn lên hòa nhập cuộc sống và nâng hình ảnh của doanh nghiệp
trong thời kỳ hội nhập./.
Hà Anh