ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Cần khen thưởng kịp thời những bài báo có tác dụng xã hội tốt
Đăng ngày: 02-03-2017 09:54
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Ngày 1/3, khẳng định tại cuộc họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải cho rằng những bài báo có tác dụng xã hội tốt cần có khen thưởng kịp thời không cần chờ đến trao giải.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân,

Trưởng Ban Chỉ đạo giải phát biểu tại cuộc họp

Dự cuộc họp có ông Thuận Hữu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đồng Trưởng Ban Chỉ đạo; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Trưởng Ban Thường trực; ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Ban Thường trực giải.

Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBTW MTTQ Việt Nam phát động từ ngày 04/01/2017 tại Hội nghị UBTW MTTQ Việt Nam lần thứ VI tại TP. Cần Thơ.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Vũ Văn Tiến, Tổng Biên tập Tạp chí Mặt trận cho rằng, đây là lần đầu tiên Việt Nam có một giải báo chí phòng chống tham nhũng vì thế chúng ta phải xác định phòng chống tham nhũng nghĩa là viết một chữ đã “động chạm” đến rất nhiều vấn đề cho nên để giải đến được với bạn đọc, các Ban biên tập, Toà soạn cần xác định được mục tiêu cụ thể của chống tham nhũng và tạo điều kiện để phóng viên tác nghiệp, dũng cảm cho đăng các bài viết chống tham nhũng.

Theo ông Vũ Văn Tiến, các cơ quan chủ quản của các tờ báo cần phải xác định, đã tham gia giải thì phải có quyết tâm và nhiệt huyết với giải này, không để tình trạng, bài vừa đăng đã có điện thoại từ cơ quan chủ quản gọi xuống gỡ bài. “Trong đấu tranh tham nhũng mà chùn tay thì không còn hiệu quả. Không làm thì thôi đã làm phải quyết liệt.”, ông Vũ Văn Tiến nêu.

 

Ông Vũ Văn Tiến, Tổng Biên tập Tạp chí Mặt trận phát biểu tại cuộc họp

“Chúng ta phải xác định trên dưới một lòng cùng tham gia giải. Ngay trong tháng 3 này, trên các báo nên mở chuyên trang, chuyên mục hưởng ứng Giải báo chí với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí”, ông Vũ Văn Tiến nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với ông Vũ Văn Tiến, ông Hồ Quang Lợi khẳng định đây là giải được giới báo chí hết sức quan tâm. Ngay sau khi Hội Nhà báo gửi công văn, ngay lập tức đã nhận được sự phản hồi của các cấp hội.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Quang Lợi, hiện nay, bên cạnh thuận lợi có những khó khăn, chúng ta tổ chức giải trong bối cảnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đang diễn ra hết sức gay go phức tạp.

“Chúng ta dùng ngòi bút để đấu tranh với một quốc nạn là tham nhũng lãng phí thì chắc chắn nhiều phóng viên, nhiều toà soạn sẽ phải chịu những mũi dùi phản kích trở lại”, ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

Bởi vậy, Hội Nhà báo coi việc tổ chức giải này là một hoạt động có tính trọng tâm trọng điểm để thực hiện Nghị quyết trung ương 4, khoá XII trong việc đấu tranh với tham nhũng lãng phí .

Để người cầm bút yên tâm với tác phẩm của mình, ông Hồ Quang Lợi cho rằng các toà soạn, ban biên tập phải thực sự có quyết tâm.

Cùng với đó, các cấp hội phối hợp với Mặt trận các cấp, cùng với nhân dân và báo chí vào cuộc phòng chống tham nhũng và lãng phí.

 

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam, Phó Ban Thường trực giải phát biểu tại cuộc họp

Ở cấp trung ương, Ban Chỉ đạo giải cần phối hợp với Ban Nội chính trung ương, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương để phản ánh về hoạt động của giải, từ đó những tác phẩm báo chí đăng được quan tâm xử lý.

Ông Hồ Quang Lợi cũng đề nghị, các tờ báo lớn cần có trách nhiệm đi đầu trong giải này để mở các chuyên trang, chuyên mục, nhằm tạo được dư luận tốt trong cộng đồng.

Với tư cách là Uỷ viên của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn cho rằng, phòng chống tham nhũng lãng phí rất khó và phức tạp, đòi hỏi các cơ quan, người đứng đầu cần phải gương mẫu, nghiêm túc thực hiện.

Vì hiện nay chỉ chống mà chưa có biện pháp mạnh để phòng và vấn đề chống lãng phí rất lớn vì hiện tượng lãng phí ngày công, giờ công đang phổ biến, chỉ riêng việc khắc phục được điều này thì hiệu quả hoạt động sẽ cao hơn rất nhiều.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn nêu nhiều ví dụ điển hình trong việc báo chí với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng như vụ việc tồn tại ở Sở Tài nguyên – Môi trường Bạc Liêu đã xảy ra từ nhiều năm nay thì mới đây có báo Phụ nữ TP.Hồ Chí Minh, báo Đại Đoàn Kết phản ánh nhưng hiện cũng mới chỉ có hai báo này lên tiếng nếu có nhiều tờ báo tham gia chắc chắn hiệu quả xử lý sẽ tăng thêm.

 

Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, 

Phó Trưởng Ban thường trực giải phát biểu tại cuộc họp

“Trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, các cơ báo chí cần nói lên thực trạng tham nhũng trên tinh thần khách quan nhất nhưng cũng cần tránh việc đấu tranh mà viết những bài không đảm bảo khách quan”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Trân trọng việc Mặt trận và Hội Nhà báo cùng phát động giải, ông Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho rằng, để giải quyết những vụ việc không rơi vào tình trạng “đá ném ao bèo”, các toà soạn cần có những chuyên trang chuyên mục quy hoạch rõ vấn đề cần triển khai. Có thể linh hoạt với mỗi giai đoạn, ví dụ giai đoạn này là tham nhũng, giai đoạn sau là lãng phí.

Theo ông Phùng Công Sưởng, không phải cả cơ quan báo chí đấu tranh chống tham nhũng mà nên đào tạo 5,7 người, hoặc đội phản ứng nhanh để họ thực sự giỏi, vì chống tham nhũng mà bản lĩnh kém, không có sự am hiểu thì chúng ta sẽ thất bại.

Về cơ chế, báo chí cần được cung cấp nguồn tin, thông tin. Về thông tin chính thống hay không chính thống thì chúng ta phải rà lại các quy định của các cơ quan để đề nghị các cơ quan cung cấp thông tin.

Phó Tổng Biên tập báo Tiền phong cũng cho rằng, cần phải có quy chế khen thưởng, không cần chờ đợi đến cuối năm tổng kết mà ngay lập tức Chủ tịch Mặt trận MTTQ Việt Nam hay Chủ tịch Hội Nhà báo nên đến thăm toà soạn.

“Người làm báo chống tiêu cực rất cô đơn vì nhiều khi lãnh đạo không hiểu, anh em không hiểu, nhiều nhà báo phải trả giá bằng chính mạng sống cho sự dấn thân của mình. Cho nên đôi khi chúng tôi chỉ cần một bó hoa, một lời nói cũng là nguồn động viên to lớn để tiếp tục dấn thân”, ông Phùng Công Sưởng nhấn mạnh.

 

Ông Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong phát biểu tại cuộc họp

Nhà báo Phùng Công Sưởng cũng cho rằng, Mặt trận và Hội Nhà báo cần có cơ chế yêu cầu các cơ quan chức năng phản ứng ngay với các bài viết về tiêu cực.

“Hiện nay, trong các trường báo chí, chỉ có đến 5% sinh viên quan tâm đến lĩnh vực báo chí điều tra. Điều này là một thực tế bởi báo chí điều tra đòi hỏi không chỉ sự am hiểu của người viết mà còn là bản lĩnh dấn thân. Cho nến nếu người chủ quản không bản lĩnh thì báo chí điều tra không thể phát huy được tác dụng.”, ông Phùng Công Sưởng thông tin.

 

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

phát biểu tại cuộc họp

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, hiện nay đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để báo chí tham gia viết bài về phòng chống tham nhũng. Dẫn lời Bác Hồ khi về thăm địa phương “Bác nghe nói thói quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, mất dân chủ vẫn còn nhiều, việc này Bác hỏi đồng bào sẽ trả lời nhưng hỏi cán bộ thì cán bộ khó trả lời”, chính vì vậy theo ông Nguyễn Tuấn Anh khi viết bài về chủ đề chống tiêu cực, chống tham nhũng, người cầm bút sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, khi Mặt trận phát động giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng về các địa phương sẽ nhận được nhiều phản hồi về tình trạng tham nhũng, lãng phí từ cơ sở đi lên. Với quyết tâm của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, quyết tâm của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp chính là “cú hích” để truyền lửa cho những người làm báo tích cực tham gia giải báo chí toàn quốc này.
“Mong MTTQ Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam là chỗ dựa vững chắc cho người làm báo chắc tay bút tham gia phản ánh tham ô, tham nhũng, lãng phí.”, ông Nguyễn Tuấn Anh mong muốn.

Theo ông Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Cho đến nay hầu hết các Hội nhà báo tỉnh, thành phố, các Liên chi hội trong cả nước đã triển khai thực hiện, có công văn thông báo tới các chi hội, các cơ quan báo chí và các hội viên, về việc Hướng dẫn tham dự Giải, kèm Thể lệ; phát động, động viên hội viên - nhà báo tham dự Giải theo đúng kế hoạch của Ban Tổ chức Giải.

Ông Thuận Hữu cũng cho biết, Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, đơn vị Thường trực của Giải thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên giáo - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để lập kế hoạch cụ thể đôn đốc các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, các Liên chi hội, chi hội trực thuộc trong cả nước, Ban Thường trực MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thu hút sự quan tâm của các cấp hội nhà báo và MTTQ các cấp tham gia hưởng ứng giải. Để Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” được lan tỏa, ông Thuận Hữu cho biết, Ban Tổ chức sẽ tổ chức Hội thảo: “Báo chí với đấu tranh phòng, chống tham nhũng” vào quý II/2017 do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì. Đặc biệt, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các cơ quan: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Truyền hình Nhân dân phát trailer quảng cáo vào khung giờ đẹp để giới thiệu nội dung của Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.

 

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng những ý kiến hôm nay tại cuộc họp đã hiến kế và truyền lửa cho quyết tâm đưa giải báo chí sẽ thành công tốt đẹp.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, Mặt trận đã hai lần báo cáo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII trong đó có việc tổ chức giải báo chí đấu tranh phòng chống tham nhũng và Tổng Bí thư đều khẳng định, chống tham nhũng nếu chỉ có chính quyền mà Mặt trận và báo chí không vào cuộc thì Nghị quyết trung ương 4 không thể thành công.

Bởi vậy, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng các cơ quan báo chí cần có bàn bạc đề xuất báo tham gia giải này như thế nào từ đó có cơ chế hỗ trợ phóng viên.

Một số báo lớn cần đi đầu như Nhà báo và Công luận, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, báo Đại Đoàn kết, Cổng Thông tin MTTQ Việt Nam cần xây dựng chuyên trang chuyên mục.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, không để báo chí kiến nghị một mình, Mặt trận, các Tổ chức thành viên sẽ chọn những bài báo phản ánh có ý nghĩa để lên tiếng. Đồng thời, nếu người dân có gửi đơn, những phát hiện và không đề tên, Mặt trận và các Tổ chức thành viên sẽ thu thập dữ liệu và chuyển sang Ủy Ban kiểm tra Trung ương. “Không thể để trôi các vụ việc vì Mặt trận là cánh tay nối dài của nhân dân, những việc mà người dân phản ánh thì Mặt trận cùng các Tổ chức thành viên, Hội Nhà báo sẽ quan tâm theo dõi.”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Đồng thời với những bài báo phản ánh về tham nhũng, lãng phí khi được công bố và Ban Tổ chức nhận thấy đây là những đột phá trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Mặt trận và báo chí sẽ cùng vào cuộc để những điều báo chí nêu sẽ thực sự có kết quả.

Đối với một số vụ phức tạp, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nếu 1-2 phóng viên không đủ sức tham gia điều tra từ đầu đến cuối thì khuyến khích liên báo vào cuộc để điều tra rộng hơn, “Không phải khen 1 báo vào cuộc mà khen nhiều báo tham gia”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nêu.

“Những bài báo có tác dụng xã hội tốt cần có khen thưởng kịp thời không cần chờ đến trao giải.”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.

Đặc biệt, mỗi tuần Mặt trận và Hội Nhà báo cần có trao đổi thường xuyên những bài báo nào cần được hỗ trợ và động viên.

Trách nhiệm của người đứng đầu cần được nêu gương, nhấn mạnh về vấn đề này, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, khi phát hiện sai phạm của người đứng đầu từ những bài báo nêu, không phải đợi đến khi ra toà án mới có phán quyết mà ngay lập tức cần có sự xử lý sai phạm.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định, bên cạnh các nguồn tin khác, Mặt trận chính là một kênh để giới thiệu thông tin cho các cơ quan báo chí thông qua việc tiếp nhận và chọn lựa những vụ việc nào mà nhân dân bức xúc nhất qua việc báo cáo kiến nghị hàng tháng. 

(Mặt Trận Trung ương)

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu