ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
KHÚC XUÂN THAO THỨC
Đăng ngày: 11-02-2017 11:32
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
(Cảm nhận về đêm thơ Người cao tuổi tại Long Khánh Nguyên tiêu Đinh Dậu, 2017)

          Thơ là tiếng lòng và cảm xúc của trái tim được thể hiện bằng nghệ thuật ngôn từ. Thơ rất cần thiết cho đời sống của con người, như  một nhà thơ  đã diễn đạt:

​                           Cuộc sống tối sầm nếu không có thơ ca
                           Không thấy mặt trời - sẽ không còn khái niệm
                           Giống một vòm đêm - không ngôi sao nào hiển hiện
                           Giống tình yêu khô cằn - không có phút trao hôn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người yêu thơ, biết làm thơ, trân trọng giá trị của thơ ca, xem thơ là bạn, dùng thơ làm vũ khí tư tưởng (Nhật ký trong tù), lấy thơ làm sức mạnh tinh thần động viên cán bộ nhân dân (Thơ Xuân, Thơ khen). Trong đêm Rằm tháng Giêng - Tết Nguyên tiêu năm Mậu Tý 1948 ở chiến khu Việt Bắc, sau khi bàn quốc sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm hứng ứng tác bài thơ Nguyên tiêu:

                 Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên, 

                 Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên. 

                Yên ba thâm xứ đàm quân sự, 

                Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.​

 Bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem là bài thơ biểu tượng của ngày thơ Việt Nam.

Ngày Thơ Việt Nam là ngày hội tôn vinh thành tựu thơ ca Việt Nam, tổ chức vào ngày rằm tháng giêng âm lịch hàng năm theo quyết định của Hội nhà văn Việt Nam, được tổ chức lần đầu tiên vào năm Quý Mùi  2003. Đến nay, năm 2017 là lần thứ 15.

Tỉnh Đồng Nai có phong trào thơ ca quần chúng sâu rộng, nhất là ở người cao tuổi. Tỉnh Đồng Nai hưởng ứng ngày thơ Việt Nam mạnh mẽ, tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu từ năm 2002. Năm 2003 trở đi, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức hằng năm tại tỉnh và tại nhiều câu lạc bộ ở thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các huyện. Phong trào thơ ca quần chúng được khuyến khích, động viên nên ngày càng thêm nhiều sức sống, nhiều sáng tạo, nhiều tác phẩm, nhiều tập thơ ra đời, và càng thêm nhiều nhu cầu được giao lưu, trao đổi. Do dung lượng về thời gian và hạn định của chương trình, các đêm thơ do tỉnh tổ chức rất ít cơ hội cho người cao tuổi được giao lưu. Người cao tuổi là bộ phận công chúng quan trọng, có tỉ lệ ngày càng cao trong xã hội. Cho nên, có nhiều người kiến nghị nên có đêm thơ cho người cao tuổi. Ý tưởng này mới, hợp lý, khả thi, được Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai tiếp nhận, trao đổi với Trưởng ban đại diện Người cao tuổi tỉnh Đồng Nai, thống nhất phối hợp tổ chức mang tính thể nghiệm; lần thứ nhất tổ chức tại Trung tâm Văn miếu Trấn Biên đêm Nguyên tiêu Bính Thân 2016 với 94 bài của 51 tác giả thuộc thành phố Biên Hòa tham dự. Đêm thơ Nguyên tiêu Người cao tuổi lần thứ hai Đinh Dậu 2017 được tổ chức tại Long Khánh, với sự giúp đỡ, phối hợp của thị xã Long Khánh.

NSƯT Quế Anh ngâm thơ trong đêm thơ Người cao tuổi.JPG
NSƯT Quế Anh ngâm thơ trong đêm thơ Người cao tuổi (ảnh: H.Oanh)​

Do không phải là đơn vị chuyên nghiệp về văn học nghệ thuật nên Ban Tổ chức “chỉ dám” xây dựng kế hoạch vừa sức;  trên phạm vi hẹp “Thơ của người cao tuổi ở  khu vực Long Khánh, Xuân Lộc, Thống Nhất, Cẩm Mỹ” bằng nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước; diễn ra tại Trung tâm VHTT thị xã Long Khánh ngày 10/2/2017 (14 tháng Giêng Âm lịch) trong không khí đậm chất thơ chan hòa tình thơ, ý thơ.

Ông Huỳnh Văn Tới - UVB.TV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.JPG
Ông Huỳnh Văn Tới - UVB.TV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - 

Trưởng ban phát biểu tại đêm thơ (ảnh: H.Oanh)

Trong một thời gian ngắn phát động (từ Thông báo số: 127/CV-BĐD ngày 26/8/2016), Ban Tổ chức nhận được 123 bài thơ của 68 tác giả từ các câu lạc bộ thơ người cao tuổi ở thuộc thị xã Long Khánh và các huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, Cẩm Mỹ. Thi hữu cao tuổi nhất là Phi Hùng, sinh năm 1922, năm nay ngoài 95 tuổi. Con số ấy chưa phản ánh hết thực tế hiện có, nhưng đã chứng tỏ thực lực phong phú và tiềm lực sung mãn trong phong trào thơ ca quần chúng của người cao tuổi ở Đồng Nai.

Nếu đo bằng thước đo nghệ thuật ngôn từ thì cả 123 bài đều còn khoảng cách chưa đến đỉnh cao nghệ thuật thi ca. Điều này dễ hiểu và rất dễ được chia sẻ, vì đây là thơ ca quần chúng của tác giả không chuyên, được sáng tác không nhằm để thi thố. Đo bằng cảm xúc của tiếng lòng thì giá trị ghi nhận được lớn hơn mong đợi. Cảm xúc của các tác giả trong 123 bài thơ đều là cảm xúc chân thành, thiện ý, đẹp lòng về 4 chủ đề: Tổ quốc – Đảng – Bác Hồ; Xuân – Nguyên Tiêu; quê hương xứ sở - nơi mình sinh sống; tâm ý của người cao tuổi. Có thêm chủ đề nhân văn về liệt sĩ, về tình nghĩa đồng bào, nông thôn mới.  Điều đáng quí chung nhất là: Thơ của người cao tuổi nhưng tứ thơ, hồn thơ rất khỏe và trẻ, như đang ở độ xuân thì.

    Về chủ đề người cao tuổi, các tác giả Võ Thị Bình, Hoài Việt Thu,  Nguyễn Thị Hồng Vân, Đặng Kim Khoa, Đoàn Văn Thuần, Nguyễn Ngọc Vượng … cho thấy nỗi niềm của người cao tuổi: Tuổi già nhưng chí khí không già, lòng vẫn xuân, thơ vẫn trẻ. Thi hứng của thi nhân cao tuổi rất lãng mạn, thơ mộng:

                              … Nguyên tiêu gió cả trời cao

                              Già vui uống rượu đón chào tân Xuân.

                              Cùng nhau thơ họa đôi vần

                               Say sưa ôm cả trời xuân vào nhà …

                                (“Xuân tiêu uống rượu”, Lê Văn Đoại, Long Khánh)

Hoặc hình ảnh cuộc sống đậm triết lý cây cao bóng cả:

           Vang vọng âm thanh nhạc tuổi già

           Cất cao tiếng hát rộn lời ca …

           … Xã hội văn minh nhờ lớp trẻ

           Gia đình hạnh phúc cậy ông bà.

          Thi đua vun tưới vườn hoa trái

           Gương sáng soi chung đẹp mọi nhà.

              (“Đẹp mọi nhà”, Nguyễn Ngọc Vượng)

Về Tổ quốc, mảng chủ đề này sinh động, giàu chất thơ, nhiều màu sắc; gắn cảm xúc cụ thể về đất mẹ, bổn quán, nông thôn đổi mới với các giá trị thiêng liêng của đất nước. Rộn ràng nhất là những bài thơ của người Long Khánh viết về Long Khánh (“Rộn ràng xuân Long Khánh” của Lê Văn An; “Long Khánh trong tôi” của Nguyễn Hữu Hào; “Sắc Xuân Long Khánh” của Huỳnh Trang; “Đất lành Long Khánh” của Phạm Phí; “Long Khánh xuân về” của Nguyễn Ngũ Chinh”; “Mời về thăm Long Khánh quê tôi” của Võ Văn Khang; “Long Khánh chuyển mình” của Nguyễn Quang Tấn; “Gặp em gái Long Khánh” của Vương Viết Nghĩa…). Cảm xúc tự hào về xứ sở Long Khánh giàu đẹp có lúc bay bổng cùng mây trắng trời xanh, có lúc lắng đọng với những giá trị thiêng liêng của đất nước trong đó có máu xương của anh hùng liệt sĩ, như bài ”Viết về các anh”  của Nguyễn Khắc Anh:

… Giờ các anh

Đã về cùng đồng đội

Giữa lòng nghĩa trang ấm áp tình người

Cho tôi xin một lần

Được gọi các anh ơi …

Cái mới của công cuộc xây dựng nông thôn mới được đưa vào thơ nhẹ nhàng, chơn chất như ở bài “Xuân Mỹ nông thôn ngày mới” của Hoài Việt Thu; hoặc niềm tự hào về Xuân Lộc đổi mới:

 … Quê hương mình ngày tháng đều Xuân

Vùng quê mới hình thành rất trẻ

Bố mùa có Lộc – đẹp nghĩa nhân

Như câu hát ân tình của Mẹ …

(“Xuân Lộc quê mình”, Đặng Kim Khoa”).

Ở vùng nông thôn mới, có những giá trị truyền thống muôn đời vẫn đẹp:

Thôn quê thắm đậm tình người

Như dòng suối mát muôn đời vẫn trong …

(“Tình làng nghĩa xóm”, Sông Hồ)

Có khám phá thú vị của tác giả Trần Hòe về tên gọi quê mình, rất nhiều bàu qua bài “Bàu ở Đồng Nai”:

… Khởi từ Bàu Cá, Bàu Nùng

Rẽ qua Bàu Cạn, Bàu Lùng, Bàu Lươn …

(Bàu Xéo, Bàu Trâm, Bàu Sen, Bàu Cối, Bàu Hàm)

 Về Xuân và Nguyên tiêu, có nhiều bài thể hiện chủ đề này bằng tình thơ của 40 tác giả. Mỗi bài một vẻ, một góc nhìn và cảm xúc riêng. Có những góc nhìn về Xuân Việt Nam rất Việt Nam bằng tầm nhìn trãi nghiệm của người cao tuổi:

… Mùa xuân đất trời dân tộc nào cũng có

Cứ mỗi năm đây đó lại đón chào

Đất nước Việt Nam quá đỗi tự hào

Bởi đã có những mùa xuân

Không xứ sở nào có được …

(“Có những mùa xuân”, Lê Công Sang)

Rất vui khi bắt gặp những câu thơ thi vị ở người cao tuổi:

… Rằm xuân trăng dệt mộng mơ

Nhân gian yên một cõi bờ yêu thương …

(“Nguyên tiêu nhớ Bác”, Sen Vàng)

… Nghe trong cát bụi thầm thì

Câu thơ ngâm ngợi cũng vì đợi nhau.

(Như Huỳnh)

Rất cảm kích khi đọc những câu thơ đọng lại “thi hứng” đầy trách nhiệm của thi nhân:

…Trăng có lúc khi mờ khi tỏ

Khách văn chương nặng nợ dâu tằm

Có tầm cũng phải có tâm

Bài ca đất nước thâm trầm xiết bao.

(“Chào mừng ngày thơ Việt Nam”, Thanh Vĩnh)

Có những cách diễn đạt thơ rất ngộ, rất “Long Khánh”. Ở 12 cặp lục bát bài thơ “Đất nước vào Xuân” của Xuân Sơn, ghép chữ cái ở mỗi câu đầu sẽ là “Long Khánh ngày nay tươi sáng”. Ở bài “Khúc xuân” của Hoàng Mai cũng vậy, các chữ cái đầu mỗi câu thơ hợp thành “Vườn xuân hoa nắng nay đà tròn trăng”. Câu này gợi nhớ, câu lạc bộ thơ với chủ đề “Vườn xuân hoa nắng”, một đặc thù của thi đàn Long Khánh nay thêm tuổi xuân. Cách chơi thơ này không lạ, nhưng tạo được cảm xúc tươi mới.

   Lại có bài thơ như vẽ tranh (thi trung hữu họa); với 8 câu thất ngôn bát cú, đã “họa xuân” Long Khánh với bảy màu “chín giòn” trên nền hoa sắc màu rực rỡ:

Xôn xao cành biếc mấy chồi non

Phố thị ngàn hoa quả chín giòn

Trăng bạc mơn man đôi má thắm

Nắng hồng ve vuốt ngón tay thon

Bốn hai xuân đẹp thêm màu ngọc

Mười mấy tết vui dệt nét son

Rực rỡ mai vàng miền đất đỏ

Tình quê tha thiết dạ không mòn.

(“Sắc xuân Long Khánh”, Huỳnh Trang).

Đáng trân trọng, trong không khí Xuân của xứ sở miền Đông ấm áp, lại có tình thơ lắng lòng về quê mẹ bão lũ miền Trung:

Nơi con ở miền Đông đất đỏ

Nghe miền Trung bão lũ lụt dồn

Mà cứ ngỡ mẹ ta ngoài đó

Chút quà thôi, Mẹ biết, chớ hờn!.

Mùa Đông lạnh mùa ta để nhớ

Người mẹ gầy tần tảo nuôi con

Ta là kẻ suốt đời mang nợ

Không trả Mẹ già – Trả bà con.

(“Mùa bão lũ miền Trung”, Trần Dzạ Huy)

Chủ đề về Đảng - Bác Hồ gắn liền với Xuân – Nguyên tiêu và đất nước quen thuộc, thường niên nên khó thể hiện và khó tìm cái mới. Nhưng ở đêm thơ Người cao tuổi Long Khánh này, có thể tìm được nhiều nét mới kết đọng trong thơ. Nghĩ về Đảng, vẫn là nhận thức “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng” theo nhạc phẩm của Phạm Tuyên, nhưng cách diễn đạt của thi hữu cao tuổi mộc mạc, chơn tình, cụ thể, theo kiểu của mỗi người “có sao nói vậy người ơi”:

… Dáng xuân tha thiết mỹ miều

Đảng và Xuân tạo mọi điều tốt tươi…

(Đảng và mùa Xuân”, Lê Thị Bông)

… Đảng là tiếng mẹ ru hời

Cánh cò bay bổng đầy trời tiếng thơ

Đảng là hoài bão ước mơ

Niềm tin tất thắng màu cờ đỏ tươi.

(“Nghĩ về Đảng”, Đặng Tích)

Nghĩ về Đảng, về Bác Hồ, thi phẩm đêm thơ Long Khánh còn nghĩ về học trò xuất sắc của Bác Hồ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

… Người về yên nghỉ nơi đây

Vũng Chùa, Hòn Yến hương bay ngút trời

Một trăm năm, một con người

Danh thơm để lại muôn đời danh thơm.

(“Kính hương hồn Đại tướng”, Nguyễn Văn Sửu)

Một nét mới đáng chú ý là, cuộc vận động học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào trang thơ nhẹ nhàng, khắc cốt ghi tâm:

Tên Người tỏa sáng trong ta

Một tư tưởng lớn chan hòa – ân sâu

Đời đời thế hệ nhắc nhau

Đi theo đường Bác để mau trưởng thành.

(“Tư tưởng Bác là chân lý”, Đặng Kim Khoa)

Ở mỗi bài thơ, mỗi tác giả thơ vẫn còn thiêu thiếu gì đó như là món ngon chưa đủ gia vị. Nhưng, tất cả đều là lòng thực, tình thực của thi hữu Người cao tuổi. Chính tiếng lòng là giá trị đóng góp cao nhất, đáng quí nhất cho đêm thơ này. Có bài dành trọn tấm lòng về Đảng và Bác Hồ, có bài gắn niềm thương, nỗi nhớ, lòng kính yêu vô hạn với xuân, với nguyên tiêu, với quê hương đất nước. Cũng có bài khéo léo dẫn dắt người đọc theo dòng cảm tác đến với các chủ đề đêm thơ, để rồi trào dâng cảm xúc yêu thương, tự hào và thao thức cùng đất nước:

Đẹp thay non nước thanh bình.

Con đường “Đổi mới” trọn tình nghĩa dân.

Ngắm vầng trăng tỏ ngàn xuân.

Vần thơ thao thức lòng bâng khuâng lòng”.

(“Vần thơ thao thức”, Nguyễn Văn)

Các đồng chí lãnh đạo chụp hình cùng các tác giả của 19 tác phẩm đạt giải Đêm thơ.JPG 
Các đồng chí lãnh đạo chụp hình cùng các tác giả của 19 tác phẩm đạt giải Đêm thơ (ảnh: H.Oanh)

Đêm thơ đã được phối hợp tổ chức tốt, đáp ứng mục đích yêu cầu đặt ra, thắng lợi thuộc về tất các tác giả, các bài thơ gởi đến chứ không chỉ của các tác giả đạt giải. Kinh nghiệm được được rút ra từ đêm thơ lần này là: Cần có thời gian nhiều hơn để người cao tuổi trao chuốt nghệ thuật ngôn từ tốt hơn cho tình thơ giàu chất thơ hơn.​

​​HUỲNH VĂN TỚI

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu