Một chủ thể OCOP ở huyện Tân Phú tham gia live stream quảng bá sản phẩm, bán hàng trên nền tảng trực tuyến tại chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 |
Trước xu thế đó, thời gian qua, các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện Tân Phú đã đẩy mạnh các kênh thương mại điện tử, hoạt động live stream bán hàng. Qua đó, góp phần tăng doanh thu, mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP của địa phương.
Triển khai live stream bán hàng trực tuyến
Nhiều doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, nhất là các chủ thể OCOP, trên địa bàn huyện Tân Phú ngày càng quan tâm tới các kênh quảng bá sản phẩm trực tuyến, trong đó có các kênh mạng xã hội như: Facebook, Zalo…; cũng như phát triển các website giới thiệu sản phẩm, tham gia các sàn thương mại điện tử, trong đó có Sàn thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai (ecdn.vn).
Anh Trần Thành Tâm, chủ Cơ sở Mật ong Lá Ủ (xã Phú Lâm), cho biết các sản phẩm chính của cơ sở hiện nay gồm: mật ong hoa cà phê, mật ong hoa nhãn, nước màu mật ong… Riêng sản phẩm mật ong hoa cà phê đã đạt chuẩn OCOP 3 sao. Bên cạnh việc chú trọng đầu tư, quản lý hệ thống trại ong của cơ sở để đảm bảo chất lượng sản phẩm, cơ sở còn quan tâm đến phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại, trong đó có các kênh quảng bá sản phẩm trên nền tảng trực tuyến.
“Thị trường chính của cơ sở tập trung ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và một số địa phương lân cận. Bên cạnh các kênh phân phối trực tiếp, cơ sở còn đẩy mạnh hình thức bán hàng live stream, lập website để giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như: Lazada, Shopee…” - anh Trần Thành Tâm chia sẻ thêm.
Tương tự, đại diện Cơ sở Sản xuất cà phê, ca cao Yes Win - Win (xã Phú Thanh) Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ, thời gian qua, cơ sở chú trọng phát triển thị trường thông qua các kênh xúc tiến thương mại, xây dựng website quảng bá, giới thiệu sản phẩm… Đặc biệt, trong khoảng một năm trở lại đây, cơ sở đã trau dồi, học hỏi kinh nghiệm để triển khai hình thức bán hàng live stream trên nền tảng TikTok Shop. Qua đó, giúp cho sản phẩm của cơ sở vươn xa, đến gần hơn với người tiêu dùng trên cả nước.
Tăng doanh thu bán hàng
Thông qua việc triển khai kinh doanh trên các nền tảng số đã góp phần giúp cho nhiều doanh nghiệp, chủ thể OCOP tiết giảm chi phí vận hành, tối ưu hóa các đơn hàng, tăng doanh thu. Đồng thời, xây dựng được quy trình sản xuất, kinh doanh, tiếp thị ngày càng chuyên nghiệp, ứng dụng các nền tảng số…
Ông Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ thêm, từ khi triển khai hình thức live stream bán hàng, doanh thu của cơ sở tăng gấp đôi so với trước đây. Nhiều chi phí được tiết kiệm hơn trước, nhất là các chi phí để chào hàng trực tiếp. Số lượng đơn hàng sẽ phụ thuộc vào những chương trình, đợt khuyến mãi trên nền tảng triển khai. Do đó, để tối ưu hóa số lượng đơn hàng, cơ sở sẽ phải có những chiến lược kinh doanh, tiếp thị, khuyến mãi phù hợp theo từng thời điểm trong năm…
Đầu tháng 11 này, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Ban Chỉ đạo 264) tỉnh do Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 264 tỉnh Vũ Đình Trung làm trưởng đoàn đã khảo sát việc thực hiện Chương trình OCOP tại huyện Tân Phú. Sau khi đi khảo sát thực tế tại các chủ thể OCOP cũng như làm việc với Ban Vận động 246 của địa phương, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung đề nghị Ban Vận động 264 huyện cần phối hợp với các phòng, ban trong huyện và các đơn vị liên quan đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương.
Bên cạnh đó, địa phương cần chú trọng công tác duy trì, phát triển các sản phẩm OCOP bền vững; tiếp tục mở rộng thêm các sản phẩm lợi thế của địa phương để xây dựng, nâng hạng cho các sản phầm OCOP. Đặc biệt, huyện cần phối hợp với các sở, ngành liên quan trong tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, phát triển thị trường cho các sản phẩm OCOP thông qua các kênh phân phối, bán lẻ, thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử...
Nguồn Báo Đồng Nai