Vốn xuất thân là một cán bộ từng công tác tại xã Suối Trầu, huyện Long Thành. Từ khi xã Suối Trầu được bàn giao để thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Qua thời gian được bố trí công tác tại địa phương khác và do hoàn cảnh gia đình, chị Nguyễn Thị Liên quyết định chuyển về ấp Thanh Bình, xã Lộc An thành lập cơ sở sản xuất meo giống Nấm rơm Nông nghiệp xanh, vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa tạo được việc làm cho bà con vùng dự án sân bay.
Cơ sở sản xuất meo giống Nấm rơm Nông nghiệp xanh của Chị Nguyễn Thị Liên
Thời điểm bà con vùng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành khi bàn giao đất cho dự án và chuyển về nơi ở mới còn nhiều khó khăn, nhất là việc chuyển đổi ngành nghề mới cho phù hợp. Hiểu và chia sẽ những tâm tư nguyện vọng, cũng như những khó khăn của bà con, chị Liên đã không ngừng nỗ lực từng ngày để nghiên cứu, học hỏi, phát triển cơ sở sản xuất và luôn ưu tiên tuyển dụng, tạo việc làm cho người dân vùng dự án. Đến nay, cơ sở chị đã có gần 50 nhân công có việc làm và thu nhập ổn định. Vào các dịp Lễ, Tết chị đều có những phần thưởng động viên tinh thần, khích lệ cho công nhân tại cơ sở.
Ngoài ra, với vai trò là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Lộc An, huyện Long Thành, chị luôn tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào do Mặt trận xã phát động. Trong cơn bão Yagi vừa qua, chị cũng là người tiên phong đi đầu hưởng ứng hỗ trợ bà con miền Bắc khắc phục hậu quả thiên tai, ngoài số tiền ủng hộ Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, chị còn đóng góp về cho các đoàn, nhóm thiện nguyện với số tiền hơn 10 triệu đồng. Có thể nói Phụ nữ ngày nay luôn khẳng định bản lĩnh, trí tuệ với những đóng góp tích cực trên các lĩnh vực, góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế, xã hội. Với chị, điều hạnh phúc nhất không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn là làm được nhiều việc có ý nghĩa. Và chị Nguyễn Thị Liên thực sự là tấm gương tiêu biểu xứng đáng được biểu dương
Kiều Lan - MTTQ Long Thành