ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Quan tâm kết nối dịch vụ cho nông nghiệp hữu cơ
Đăng ngày: 27-10-2024 04:42
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là một trong những nhiệm vụ đột phá được Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra. Theo đó, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tập trung triển khai các giải pháp phát triển NNHC trên địa bàn tỉnh.

 
Các sản phẩm vật tư nông nghiệp được giới thiệu tại Hội nghị Giới thiệu, kết nối cung ứng các dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ năm 2024

Đồng Nai có nhiều lợi thế thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp nói chung và sản xuất NNHC nói riêng. Tuy nhiên, vật tư đầu vào cho sản xuất hữu cơ hiện vẫn còn hạn chế. Theo đó, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa tổ chức hội nghị giới thiệu, kết nối cung ứng các dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao, NNHC năm 2024.

Thu hút doanh nghiệp đầu tư

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thời gian qua, dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển. Vật tư nông nghiệp cơ bản đáp ứng nhu cầu cung ứng cho người sản xuất. Hiện toàn tỉnh có gần 2,1 ngàn DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực.

Cụ thể, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi có 630 DN, cơ sở sản xuất (tăng 9,75% so với năm 2021) với sản lượng hàng năm cung ứng ra thị trường gần 10,6 ngàn tấn hạt giống, khoảng 5,6 triệu cây giống nông nghiệp, 230 triệu cây giống lâm nghiệp, 4,7 triệu con heo, 300 triệu con gà, 100 triệu con vịt giống, 72 triệu con giống cá, tôm các loại.

Trong đó, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thu hút khá đông DN đầu tư với gần 1,4 ngàn DN, cơ sở, tăng gần 24,8% so với năm 2021. Trong đó có 38 DN trong nước và DN vốn đầu tư nước ngoài sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ trong nước và xuất khẩu. Sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thủy sản có 97 DN, cơ sở sản xuất; cung ứng ra thị trường gần 4,2 triệu tấn sản phẩm/năm…

Dịch vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp phát triển mạnh. Toàn tỉnh có gần 257,5 ngàn máy móc, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông - lâm - thủy sản. Trong đó, các loại máy chủ yếu được sử dụng rộng rãi như: máy cày, máy kéo, máy gặt đập liên hợp, máy phun thuốc, máy xay lúa, hệ thống cho ăn tự động, bán tự động… Cơ giới hóa từ khâu làm đất cho đến khâu thu hoạch đáp ứng cho khoảng 90% diện tích. Trong những năm gần đây, dịch vụ sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, phân bón lá và quản lý đồng ruộng đang phát triển mạnh, chủ yếu tại các vùng sản xuất tập trung đối với lúa, bắp, sầu riêng.

Các nhiệm vụ, giải pháp về thúc đẩy phát triển sản xuất được ngành nông nghiệp tập trung triển khai thực hiện. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được một lớp tập huấn về các quy định trong lĩnh vực giống cây trồng; 7 lớp tập huấn về phát triển nông nghiệp đô thị. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (Thành phố Hồ Chí Minh) và các địa phương thực hiện mô hình lúa, bưởi theo hướng hữu cơ tại huyện Cẩm Mỹ; phối hợp tổ chức hội nghị về sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã trình UBND tỉnh xem xét ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030; phối hợp đơn vị tư vấn xây dựng Dự án Điều tra, đánh giá chất lượng đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để có biện pháp cải tạo, sử dụng bền vững, Đề án Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung trên địa bàn tỉnh Đồng Nai...

Theo Chủ tịch Hiệp hội Hữu c​ơ Việt Nam Hà Phúc Mịch, đầu tư vật tư đầu vào cho NNHC phải đi trước một bước mới có sản xuất NNHC. Muốn phát triển nhà máy sản xuất phân hữu cơ, thức ăn hữu cơ, thuốc sinh học đảm bảo tiêu chuẩn hữu cơ... để phục vụ cho sản xuất NNHC, cần thiết phải có một chính sách riêng ưu đãi cho sản xuất vật tư đầu vào, cũng như việc chứng nhận nó.

Kết nối cung cấp vật tư nông nghiệp cho nông dân

Hội nghị Giới thiệu, kết nối cung ứng các dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao, NNHC năm 2024 do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức đã thu hút hàng chục DN kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia. Hội nghị đã giới thiệu các dịch vụ nông nghiệp, nhất là các vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, NNHC đến nông dân và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Công ty TNHH Khoa học công nghệ môi trường Quốc Việt (Thành phố Hồ Chí Minh) Võ Văn Hùng cho biết, DN luôn quan tâm đầu tư nghiên cứu sản phẩm khoa học - công nghệ môi trường; sản xuất đất, phân bón hữu cơ…

Theo ông Hùng, nếu xây dựng được liên kết giữa nhà máy và nông dân thì giá phân bón hữu cơ giảm được ít nhất 50% so với mức giá hiện nay, vì giảm được nhiều chi phí bán hàng, kho bãi, vận chuyển… Vấn đề lớn hơn hiện nay là xử lý dư thừa hữu cơ trong môi trường đang tốn kém hàng tỷ USD. Trong khi đó, phân, đất hữu cơ để sản xuất sạch lại thiếu, giá bán cao. DN mong muốn tỉnh Đồng Nai quy hoạch vùng tái chế chất thải hữu cơ cấp tỉnh hoặc cấp huyện để vừa thu được tiền cho ngân sách, vừa tái chế được chất thải hữu cơ đúng quy trình công nghệ, vừa có nguồn phân bón hữu cơ cho sản xuất sạch. Nếu làm được điều này, sản phẩm hữu cơ cung cấp ra thị trường đủ khả năng cạnh tranh. 

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Lâm Sinh, phát triển NNHC, nông nghiệp công nghệ cao là mục tiêu đột phá của tỉnh. Đây cũng là quy luật phát triển của nền nông nghiệp trong thời gian tới. Hội nghị tập trung trao đổi những vướng mắc, khó khăn, thử thách của sản xuất NNHC, nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, cần chú trọng đến câu chuyện kết nối, liên kết, kiểm tra thực tế, qua đó cùng tháo gỡ những tồn tại, khó khăn của ngành nông nghiệp. Ở đây, DN có vai trò quan trọng trong đồng hành cùng hợp tác xã, nông dân để thực hiện mục tiêu của ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển công nghệ chế biến và thị trường.

Báo Đồng Nai

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu