ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY THÀNH LẬP MTTQ TỈNH ĐỒNG NAI (24-3-1976 – 24-3-2016): 40 năm ấy, biết bao nhiêu tình
Đăng ngày: 24-06-2016 08:51
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Cách đây 40 năm, ngày 24-3-1976, Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Đồng Nai (năm 1977 đổi tên thành Ủy ban MTTQ tỉnh) ra đời nhằm tập hợp các đoàn thể cách mạng, nhân sĩ trí thức, tư sản dân tộc, chức sắc tôn giáo, đại diện các giai cấp, dân tộc và tầng lớp nhân dân trong tỉnh cùng chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

images1489585_6A.jpg
Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo ủy ban MTTQ tỉnh qua các thời kỳ nhân chuyến thăm Đồng Nai, ngày 17-12-2015. 

Tùy vào tình hình thực tế của đất nước và địa phương trong từng thời kỳ mà cơ quan MTTQ có những nhiệm vụ trọng tâm. Giai đoạn 1976-1984, nhiệm vụ của MTTQ các cấp là vận động quần chúng ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất, văn hóa, giáo dục, y tế; bảo vệ chính quyền. Giai đoạn 1989-1994 chú trọng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân. Các giai đoạn sau, MTTQ tập trung vào nhiệm vụ thực hiện các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân.

* Hết lòng với dân

Ông Nguyễn Văn Thông, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh khóa II, III, kể: năm 1984 ông nhận nhiệm vụ, trong số các địa phương được phân công phụ trách có Vĩnh Cửu là huyện nghèo của tỉnh, đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc Chơro ở làng Lý Lịch rất khó khăn do hậu quả chiến tranh.
Hồi đó, cơ quan MTTQ rất nghèo, có chiếc xe cọc cạch mà anh em thường gọi “xe Hungary vừa đi vừa đẩy” nhưng phải “gom” nhiều người cùng đi công tác thì mới được điều xe. Không chờ được, ông “nhảy” xe đò đi Vĩnh Cửu. Xe đò cũng không “ngon” như bây giờ, chạy bằng than nên nóng hừng hực, lên dốc thì bò khặc khừ như ông già hết hơi. Đường Vĩnh Cửu đầy những ổ gà, ổ voi, xốc nảy cả nửa ngày trời mới tới được thị trấn Vĩnh An. Lại kiếm phương tiện quá giang vào làng Lý Lịch. Làng nằm sâu trong rừng Chiến khu Đ, vô làng chỉ có cách đi xe “lô ca chân” (đi bộ). Người Chơro làng Lý Lịch trong kháng chiến một lòng theo cách mạng, nuôi và bảo vệ cán bộ, nhưng hòa bình 9 năm rồi mà vẫn còn đói ăn, thiếu mặc, trẻ em thất học khiến ai cũng xót lòng. Hơn một tháng trời ở nhà già làng Năm Nổi để tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đồng bào, được già làng “nuôi” bằng hạt lúa nương nghĩa tình, củ khoai chắt mót trên rẫy, củ chụp vất vả trên rừng, ông càng quyết tâm cùng lãnh đạo địa phương tìm cách giúp người dân Chơro thoát nghèo.

Bàn bạc cùng tỉnh, huyện, ông Thông quay lại làng Lý Lịch với bao gạo trên vai. Thời bao cấp, tiêu chuẩn gạo của ông chỉ có 13kg/tháng, ông vác hết lên giao cho già làng, kiên quyết “trụ” cho đến khi nào thuyết phục được đồng bào Chơro chịu định canh định cư, chuyển đổi tập quán sản xuất. Đồng bào “ưng cái bụng” rồi, trách nhiệm của người làm công tác Mặt trận còn phải phối hợp với chính quyền giải quyết những khó khăn, hỗ trợ bà con trong việc ăn ở, canh tác để “cách mạng không thất hứa” với bà con. Những kinh nghiệm ổn định đời sống đồng bào Chơro ở Lý Lịch sau đó được áp dụng ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác trong tỉnh. “Mới đây tôi xem tivi, thấy bà con dân tộc Chơro ở Lý Lịch, Phước Bình (huyện Long Thành) là những nơi tôi phụ trách trước đây giờ đời sống sung túc, phát triển mọi mặt, không còn cảnh đói nghèo như ngày xưa, tôi vui lắm.  Công tác Mặt trận là vậy đó” - ông Thông vui vẻ nói.

* “Kết đoàn, chúng ta là sức mạnh”

Ông Lê Văn Triết, Ủy viên Thường trực Mặt trận từ năm 1976-1994, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh khóa IV (1995-2000), không quên được những ngày thực hiện nhiệm vụ đại đoàn kết dân tộc. Đất nước mới hòa bình, nhưng các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá, nhất là tìm cách gây chia rẽ trong đồng bào Công giáo, người dân tộc Hoa, trong khi đó chính quyền cách mạng còn quá mới mẻ, người dân đôi khi còn chưa hiểu hết, thậm chí có người còn cho rằng “cách mạng” khác với “cộng sản”. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ các cấp là tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước với chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo. Ông thường xuyên thăm hỏi, tạo mối quan hệ chân tình, cởi mở với các vị chức sắc tôn giáo, từ đó tiến tới vận động các tôn giáo đồng hành với tỉnh xây dựng quê hương. Năm 1985, Đồng Nai đã tổ chức Đại hội thống nhất Phật giáo, thành lập Ủy ban đoàn kết Công giáo yêu nước, hướng dẫn đại hội nhân sanh đạo Cao đài, tăng cường mối đại đoàn kết dân tộc.

Nối tiếp truyền thống đoàn kết trong thời kỳ kháng chiến, 40 năm qua MTTQ tỉnh tiếp tục là tổ chức nòng cốt tập hợp rộng rãi các tầng lớp quần chúng, tuyên truyền và phát động phong trào ở các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội... tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh, trí tuệ của toàn xã hội nhằm mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.  Đặc biệt, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, MTTQ các cấp bước đầu thực hiện vai trò giám sát, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng cũng như đời sống tinh thần người dân.

Năm 1989, Đồng Nai xảy ra “sự cố” đồng bào Công giáo ở huyện Thống Nhất ngăn đường quốc lộ 20, không chỉ khiến giao thông khu vực bị tắc nghẽn mà còn là dịp các thế lực thù địch tung tin xuyên tạc. Ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh khóa IV, sau nhiều lần đến tận nơi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người dân đã nhận ra được vấn đề mấu chốt, đó là người dân bức xúc do mất đất sản xuất khi xây dựng thủy điện Trị An. Ông đề xuất chính quyền có các giải pháp hỗ trợ đất sản xuất, hướng dẫn tổ chức sản xuất đồng thời quan tâm giúp đỡ người dân ổn định đời sống, sớm an cư lạc nghiệp. Ông cũng là người thực hiện đề tài giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở vùng có đông đồng bào đạo Công giáo là xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất), góp phần đưa tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 4%/năm xuống còn 1,7%/năm.

Có một thời gian, thanh niên người Hoa ở TP.Biên Hòa không chịu thực hiện nghĩa vụ quân sự. Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.Biên Hòa Tố Nguyên sau nhiều ngày đến nhà thăm hỏi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng một số đồng bào người Hoa mới biết rằng trong cộng đồng người Hoa nảy sinh tâm lý mặc cảm từ cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Ông Tố Nguyên đã “rù rì” giải thích với bà con rằng người Hoa là cộng đồng trong 54 dân tộc của Việt Nam, tất cả đều có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, không có sự phân biệt. “Mưa dầm thấm đất”, đồng bào người Hoa trên địa bàn đã thực hiện tốt việc đăng ký, khám tuyển nghĩa vụ quân sự và lên đường nhập ngũ...

Thanh Thúy

Nguồn: Báo Đồng Nai

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu