Tại
buổi giám sát, ông Quản Minh Cường, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai
đề nghị huyện Xuân Lộc và Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc cần tăng cường
công tác quản lý, sử dụng đất rừng, không để phát sinh điểm nóng dân sự; tuyên
truyền để người dân hiểu chủ trương, chính sách của Nhà nước về đất đai; giải
quyết các tồn tại, vướng mắc về sử dụng đất trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa các
bên, đúng pháp luật.
Ông
Quản Minh Cường cho rằng, Công ty cao su Đồng Nai là doanh nghiệp sử dụng nhiều
diện tích đất nhất trên địa bàn Đồng Nai. Về cơ bản, công ty sử dụng đất hiệu
quả, bàn giao đất cho tỉnh thực hiện các dự án đúng quy trình, quy định. Thời
gian tới, Công ty cao su Đồng Nai phải xác định đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu
trong quản lý, sử dụng đất; sử dụng đất hiệu quả và quan tâm giải quyết việc làm
cho người lao động trong điều kiện diện tích đất giảm; chủ động chuẩn bị các
phương án và thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động, chuyển đổi mục đích sử dụng
đất đúng quy định.
Ông
Quản Minh Cường đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các đơn vị liên
quan xem xét, giải quyết các vướng mắc của đơn vị sử dụng đất.
Theo
Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, hiện đơn vị đang quản lý gần 10.000 ha đất.
Thời gian qua, Ban đã làm tốt công tác quy hoạch, quản lý đất đai; bảo vệ và
phòng cháy, chữa cháy rừng; phát triển rừng sản xuất và trồng xen cây dược liệu
dưới tán rừng.
Tuy
nhiên, từ năm 2019 đến nay, tại rừng phòng hộ Xuân Lộc xảy ra nhiều vụ vi phạm
về quản lý bảo vệ rừng, chưa hoàn thành thiết lập hợp đồng khoán, còn tình trạng
chuyển nhượng trái phép hợp đồng khoán. Nhiều diện tích rừng giao khoán có cơ cấu
sử dụng đất chưa hợp lý, mật độ cây trồng chính thấp hơn so với quy định. Việc
tỉa thưa cây trồng chính, khai thác cây trồng xen trên đất rừng phòng hộ giao
khoán cho hộ dân gặp nhiều khó khăn.
Công
ty cao su Đồng Nai đang quản lý và sử dụng gần 34.000 ha đất. Đến nay, công ty
đã cắm mốc ranh giới và được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai xác nhận
để làm cơ sở ngăn chặn các trường hợp lấn chiếm đất. Doanh nghiệp đảm bảo các
chế độ, chính sách cho người lao động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Việc
quản lý, sử dụng đất tại Công ty cao su Đồng Nai vẫn còn bất cập, có lúc chưa kịp
thời phát hiện các trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép. Hiện có hơn 900 ha
đất Công ty cao su Đồng Nai đã bàn giao về địa phương nhưng chưa hoàn tất thủ tục.
Tại
buổi giám sát, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc
hội tỉnh Đồng Nai kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định về sở hữu rừng;
quy định, hướng dẫn về xử lý nguồn vốn người dân đã tham gia đầu tư trồng rừng
phòng hộ. Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung quy định về khoán rừng ban hành
năm 2016 cho phù hợp với quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật Dân sự, đặc biệt là
Luật Đất đai năm 2024.
Công
ty cao su Đồng Nai kiến nghị ngành chức năng giữ nguyên quy hoạch sử dụng đất đối
với 3 nhà máy chế biến; tạo điều kiện để doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án hạ tầng
khu công nghiệp, cụm công nghiệp và thương mại dịch vụ khi tỉnh chuyển đổi quy
hoạch trên đất cao su; duy trì, ổn định diện tích đất cao su nhằm góp phần thực
hiện mục tiêu Net Zero mà tỉnh Đồng Nai đã đặt ra.
(Xuân Tuấn)