Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí, vai trò của
người cao tuổi đối với sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ
rất sớm, Người đã nhận thấy vị trí, vai trò, tiềm năng, sức mạnh cùng những giá
trị cả về vật chất và tinh thần của người cao tuổi đối với sự nghiệp cách mạng,
trong thời chiến cũng như trong thời bình. Năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu
tập và chủ trì Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng, diễn ra từ
ngày 10 đến ngày 19-5, tại Khuổi Nậm, Pắc Bó, Cao Bằng. Theo đề nghị của Người,
Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là
Việt Minh) để đoàn kết rộng rãi toàn dân tộc đấu tranh cho độc lập, tự do. Một
trong những lực lượng đầu tiên Người nghĩ tới là các phụ lão, trong vai trò đầu
tàu, dẫn dắt con cháu trong sự nghiệp cứu nước, xây dựng đất nước hưng thịnh.
Người luôn coi người cao tuổi là lực lượng quan trọng góp phần tăng cường sức
mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong “Lời
hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão” (tháng 6/1941), Người viết:
“Dẫu rằng tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân mỏi; nhưng một lời nói của phụ
lão có ảnh hưởng đến hưng bang, một hành động của phụ lão có ảnh hưởng đến việc
giết giặc... Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc
tôn trưởng. Đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao.
Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng. Phụ lão làm, nhân dân làm theo. Hô điều nên hô,
làm việc nên làm. Người có của xuất của, người có sức dốc sức, góp gió thành
bão, tụ hơi thành mây, đồng bào cả nước ta đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các
bậc phụ lão”…
Đ/c Nguyễn Hồng Lĩnh - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm, tặng quà cho cụ bà Trịnh Thị Khơng tại Tp. Long Khánh - Người cao tuổi nhất Việt Nam
Phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh,
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn coi trọng công tác chăm sóc, phát huy vai
trò của người cao tuổi, coi đây là một
chính sách quan trọng. Tại khoản
3, Điều 37 của Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: Người cao tuổi được Nhà
nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ cơ sở pháp lý cao nhất này, chính
sách đối với người cao tuổi đã được đề cập và cụ thể hóa trong nhiều văn bản
quy phạm pháp luật có liên quan, tạo ra khuôn khổ pháp lý đối với người cao
tuổi ở Việt Nam, góp phần hoàn thiện chế độ, chính sách đối với công tác
chăm sóc và ưu đãi người cao tuổi Việt Nam.
Hiện
nay, Hội Người cao tuổi các cấp là thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp.
Trong những năm quan, tổ chức Hội đã không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo,
tập hợp và phát triển hội viên; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền,
nhất là ở cơ sở; tích cực hưởng ứng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; tham
gia, đề xuất xây dựng và hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực,
phản biện xã hội. Việc triển khai phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương
sáng” đã động viên hàng vạn người cao tuổi ở cơ sở tham gia công tác đảng,
chính quyền, các đoàn thể xã hội, góp phần quan trọng xây dựng hệ thống chính
trị ở cơ sở vững mạnh. Trong đó, người cao tuổi luôn chủ động tham gia đóng góp
ý kiến tâm huyết, trung thực, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao trong xây
dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an
toàn xã hội tại cơ sở.
Theo thống kêhiện nay nước ta có gần 17 triệu
người cao tuổi, chiếm gần 17% dân số cả nước, trong đó có 2.612.260
người hơn 80 tuổi. Riêng tỉnh Đồng Nai có 170 tổ chức Hội cơ sở, 999 Chi Hội, 6.171
Tổ Hội, toàn tỉnh có 199.693 hội viên. Trong bối cảnh dân số nước ta đang già hóa nhanh, tỷ lệ người cao tuổi sẽ
còn tiếp tục tăng nhanh về số lượng và tỷ trọng. Theo Ủy ban Quốc gia về
người cao tuổi Việt Nam: Đến năm 2030, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi sẽ tăng lên
20% và đến năm 2050 là trên 30%. Tỷ lệ người cao tuổi trên 80 tuổi cũng sẽ tăng
và đến năm 2050 chiếm trên 6% dân số. Điều này đặt ra thách thức lớn về an sinh
xã hội, chăm sóc, bảo vệ và phát huy vai trò của người cao tuổi. Bên cạnh kết
quả đạt được, công tác người cao tuổi ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương,
cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của người cao tuổi, trách nhiệm
trong thực hiện quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với
người cao tuổi. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, giải pháp thực hiện
những nội dung của Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn
dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” ở một số
đơn vị còn hạn chế. Nhận thức của người cao tuổi về phát huy sức mạnh đại đoàn
kết toàn dân tộc còn chưa đồng đều, có lúc, có nơi chưa nhất quán. Có trường hợp
người cao tuổi chưa thực sự nêu gương, một số cán bộ Hội Người cao tuổi chưa sâu
sát quần chúng Nhân dân, chưa phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; vì vậy,
chưa xây dựng được niềm tin, uy tín trong nhân dân. Một số chính sách, chế độ đối
với người cao tuổi còn dàn trải, cào bằng, chưa theo kịp thực tiễn; đời sống một
bộ phận người cao tuổi còn khó khăn cả về vật chất và tinh thần, thậm chí có
trường hợp người cao tuổi còn bị bạo hành, ngược đãi. Chưa phát huy đầy đủ tiềm
năng, nguồn lực người cao tuổi theo phương châm “Dân
biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Bên cạnh đó, khó khăn, thách thức đối với
hoạt động của các cấp hội, như mô hình tổ chức còn chưa đồng bộ; chính sách
chăm sóc người cao tuổi còn dàn trải, còn nhiều người cao tuổi có hoàn cảnh rất
khó khăn, không có thu nhập; nhận thức về vai trò của người cao tuổi trong một
bộ phận gia đình, cộng đồng và một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự đầy đủ;
việc ban hành, triển khai một số chính sách đối với người cao tuổi còn hạn chế,
chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, nhất là chưa đón đầu xu hướng già hóa dân số đang
diễn ra nhanh chóng trong thời gian tới. Trong định hướng phát triển kinh tế -
xã hội của đất nước không thể không chú trọng đến người cao tuổi và việc thích
ứng với xã hội dân số già. Những điều chỉnh về chính sách, luật pháp, điều kiện
vật chất, kỹ thuật, mà trước tiên là nâng cao nhận thức, nhìn nhận đúng vai trò
và đóng góp của người cao tuổi - chủ thể tham gia tích cực vào sự phát
triển xã hội, bảo vệ và xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay là cần thiết
và quan trọng.
Ngày 24/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương
Đảng đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII,
“Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây
dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “Phát huy uy tín, kinh nghiệm của người cao tuổi trong
xã hội, cộng đồng và gia đình. Kính trọng, bảo vệ, chăm sóc, có cơ chế, chính
sách huy động các nguồn lực để chăm lo và phát huy vai trò của người cao tuổi;
khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội. Xây dựng
môi trường thân thiện với người cao tuổi; có chính sách bảo trợ, giúp đỡ người
cao tuổi gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa”.
Lãnh đạo thành phố Biên Hòa trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho cụ Thái Đình Tơng và cụ bà Trần Thị Loát tại phường Long Bình, thành phố Biên Hòa
Thời gian tới, để phát huy tối đa vai trò của
người cao tuổi trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực tinh
thần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói
riêng, các cấp cấp ngành tỉnh Đồng Nai cần quan
tâm, cần nâng
cao nhận thức, nhìn nhận đúng vai trò và đóng góp của người cao tuổi,
thực hiện tốt chính sách đối với người cao tuổi, phát huy vai trò của người cao
tuổi trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc chính là góp phần hiện thực
hóa mục tiêu xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hà Phương