ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Chú trọng các kênh đưa hàng Việt về vùng xa
Đăng ngày: 21-02-2024 09:24
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Trong thời gian qua, các địa phương, sở, ngành liên quan đã tổ chức nhiều chương trình đưa hàng Việt về vùng xa như: triển khai các chuyến hàng bình ổn giá phục vụ Tết về các xã vùng xa, xây dựng các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam…

Một chuyến hàng bình ổn giá phục vụ bà con ở vùng xa trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 do HTX Thương mại - dịch vụ Phương Lâm triển khai trên địa bàn H.Tân Phú. Ảnh: Danh Thịnh 
Một chuyến hàng bình ổn giá phục vụ bà con ở vùng xa trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 do HTX Thương mại - dịch vụ Phương Lâm triển khai trên địa bàn H.Tân Phú. Ảnh: Danh Thịnh

Các kênh này góp phần giúp người dân ở những vùng nông thôn, những địa phương vùng xa mua sắm các sản phẩm thiết yếu với giá bình ổn, nhất là vào dịp cao điểm trước Tết Nguyên đán, cũng như mở rộng các kênh bán hàng, quảng bá hàng Việt.

Triển khai các điểm bán hàng, chuyến hàng bình ổn giá

Theo Sở Công thương, trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán vừa qua, các địa phương gồm TP.Long Khánh và các huyện: Tân Phú, Định Quán, Trảng Bom, Xuân Lộc đã duyệt cho 6 đơn vị vay vốn (gồm 4 HTX và 2 hộ kinh doanh) để triển khai 12 điểm bán hàng thiết yếu bình ổn giá với tổng số tiền cho vay là 3,65 tỷ đồng.

Ngoài ra, UBND các huyện: Tân Phú, Định Quán, Trảng Bom, Cẩm Mỹ đã duyệt cho 4 đơn vị tham gia triển khai 96 chuyến hàng bình ổn giá phục vụ người dân ở các khu vực vùng xa trên địa bàn vào dịp trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tổng số tiền hỗ trợ chi phí vận chuyển, nhân công và bao bì đạt hơn 242 triệu đồng.

Các HTX được hỗ trợ triển khai các chuyến hàng bình ổn giá gồm: HTX Thương mại dịch vụ Hòa Phát (H.Trảng Bom), HTX Thương mại dịch vụ Phương Lâm (H.Tân Phú), HTX Thương mại dịch vụ Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ) và HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Sơn (H.Định Quán).

Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ Phương Lâm (H.Tân Phú) Nguyễn Danh Thịnh cho biết, HTX đã triển khai 1 điểm bán hàng bình ổn giá và 30 chuyến hàng thiết yếu với giá bình ổn về 6 xã vùng xa trong H.Tân Phú vào dịp cao điểm trước Tết Nguyên đán vừa qua. Trong đó, doanh thu bán hàng lưu động đạt 119 triệu đồng, doanh thu bán hàng tại điểm bán hàng bình ổn giá tại chợ Phương Lâm đạt hơn 195 triệu đồng. Năm nay, phương thức triển khai các chuyến hàng thiết yếu bình ổn giá được bố trí, điều chỉnh lịch theo hướng tăng số lượt bán hàng đến các xã so với các năm trước.

Tương tự, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ Suối Cát (H.Xuân Lộc) Bùi Văn Thìn cho hay, năm nay, HTX duy trì 3 điểm bán hàng bình ổn giá tại chợ Suối Cát để phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Các điểm bán hàng bình ổn giá này tập trung cung ứng các sản phẩm hàng Việt với giá cả bình ổn và nhận được nhiều phản hồi, đánh giá tích cực của người dân.

Phát triển thêm các điểm bán hàng Việt

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), tính đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 34 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam. các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam do Sở Công thương phối hợp với các địa phương triển khai gắn liền với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn, góp phần đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban Chỉ đạo 264 tỉnh Vũ Đình Trung nhấn mạnh, trong thời gian tới, các thành viên của Ban Chỉ đạo 264 tỉnh, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của ban vận động cấp cơ sở, mở rộng thêm các điểm bán hàng Việt, các chuyến hàng Việt về nông thôn… để phục vụ nhu cầu của người dân, cũng như tăng cường các kênh quảng bá hàng Việt, sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của địa phương.

Đồng thời, góp phần phát triển hệ thống phân phối, xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng nhằm nâng cao sức mua, bình ổn thị trường và cải thiện đời sống của nhân dân tại các địa phương trong tỉnh.

Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai Nguyễn Văn Lĩnh cho biết, thời gian qua, các điểm bán hàng Việt Nam ngày càng có sự chuẩn bị, đầu tư về nguồn hàng hóa phong phú, đa dạng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ. Theo báo cáo từ các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam trên toàn tỉnh, hầu hết các điểm bán hàng này đều có doanh thu tăng từ 10-20% mỗi năm. Hàng năm, trên cơ sở các cửa hàng mà các địa phương đề xuất, giới thiệu, đơn vị sẽ đánh giá, lựa chọn để phát triển tối thiểu thêm 3 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam, trong đó ưu tiên phát triển ở những địa phương vùng xa trong tỉnh.

Bên cạnh đó, theo Ban Chỉ đạo cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (Ban Chỉ đạo 264) tỉnh, trong năm 2023, Sở Công thương đã tổ chức 4 phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại các huyện: Nhơn Trạch, Tân Phú, Xuân Lộc và Trảng Bom.

Chương trình này có sự tham gia của 82 doanh nghiệp với 124 gian hàng, thu hút khoảng 16,8 ngàn lượt khách đến tham quan và mua sắm, doanh thu đạt 1,36 tỷ đồng. Ngoài ra, ban vận động 264 cấp huyện ở các địa phương đã tổ chức đưa 97 chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn...

Các phiên chợ hàng Việt về nông thôn là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại chuyên đề hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thuộc chương trình Xúc tiến thương mại năm 2023 của tỉnh.

Báo Đồ​ng Nai

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu