Quảng cảnh buổi tập huấn
Thực hiện Kế hoạch số 269/KH-MTTQ-BTT,
ngày 18/8/2023 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về mở lớp tập huấn,
tuyên truyền phổ biến các luật, văn bản pháp luật mới ban hành đến đội ngũ báo
cáo viên pháp luật, thành viên “Nhóm nòng cốt”, cán bộ Mặt trận cơ sở tại các
huyện năm 2023.
Ngày 15/9/2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Định Quán tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền pháp
luật cho 150 cán bộ Mặt trận cơ sở và thành viên nhóm nòng cốt. tại buổi tập huấn
các học viên được báo cáo viên tuyên truyền, phổ biến Luật thực hiện dân chủ ở
cơ sở.
Ngày 10/11/2022, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa
XV biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, kết quả có 455 đại biểu
tham gia biểu quyết (bằng 91.37% tổng số ĐBQH), trong đó có 443 đại biểu tán
thành (bằng 88.96% tổng số ĐBQH); có 07 đại biểu không tán thành (bằng 1.41%
tổng số ĐBQH); có 05 đại biểu không biểu quyết (bằng 1.00% tổng số ĐBQH). Luật
có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có 6 Chương, 91
Điều, đây là luật mới, lần đầu được xem xét thông qua, là dấu ấn của nhiệm kỳ
Quốc hội khóa XV trong việc kịp thời thể chế hóa đường lối Đại hội Đảng lần thứ
XIII và định hướng chương trình xây dựng pháp luật cả nhiệm kỳ khóa XV.
Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của
Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 về việc thực hiện dân chủ ở xã,
phường, thị trấn; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về
thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị
sự nghiệp công lập và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính
phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động
năm 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động (trong đó quy định về thực
hiện dân chủ tại nơi làm việc), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 có những
nội dung, chính sách mới cơ bản sau:
Luật Thực hiện dân chủ
ở cơ sở năm 2022 bao gồm 91 điều quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân
chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và
trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực
hiện dân chủ ở cơ sở
Điểm mới của mục này, gồm: Quy định cụ thể quyền
và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong
thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu
nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về
thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền thụ hưởng của công dân về thành quả phát triển
kinh tế – xã hội của đất nước và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo
cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân
chủ ở cơ sở; Quy định phạm vi thực hiện
dân chủ đối với từng loại hình cơ sở; Quy định hình thức chế tài xử lý vi phạm
đối với từng nhóm chủ thể và hành vi vi phạm.
Luật Thực hiện dân chủ
ở cơ sở năm 2022 cụ thể hóa đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân
kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” gồm những nội dung công
khai để Nhân dân biết; những nội dung Nhân dân bàn và quyết định; những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến;
những nội dung Nhân dân kiểm tra, giám
sát; những nội dung người dân thụ hưởng.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 đã quy
định chức năng, nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của
cộng đồng trong Luật, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức và
hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, nhằm
khắc phục hạn chế của các Ban này trước đây và phát huy tốt vị trí, vai trò của
các Ban này trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở.
(Xuân Tuấn)