Buổi tọa đàm đã ôn lại kỷ
niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (1943 - 2023) và kỷ niệm 15
năm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4/2008 – 19/4/2023). Văn kiện này đã
đặt nền móng cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng ở Việt Nam, là ngọn cờ
tập hợp, cổ vũ giới trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà hăng hái tham gia sự nghiệp
cách mạng do Đảng ta lãnh đạo.
Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Nguyễn Thị Hồng Trang phát biểu tại buổi Tọa đàm
Phát huy những giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc của tỉnh đạt được nhiều thành tựu. Tại buổi tọa đàm các đại biểu đã trình bày tham luận làm rõ giá trị lịch sử và hiện thực của bản đề cương đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn học - nghệ thuật; Thực trạng, giải pháp, góp phần phát huy hiệu quả giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tập trung các giá trị văn hóa Việt Nam và xác định hệ giá trị văn hóa Đồng Nai; văn học dân gian Đồng Nai trong bối cảnh Văn học dân gian Nam bộ từ năm 1945 đến nay; vai trò của Đề cương Văn hóa và sự phát triển văn học Đồng Nai, đối với sự hình thành, phát triển của các loại hình văn học, nghệ thuật trong các giai đoạn lịch sử, đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm phát huy sức mạnh mềm của văn hóa, xây dựng chiến lược xứng tầm, kiến tạo sự đa dạng và độc đáo trong văn hóa các dân tộc.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó
trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Hồng Trang
khẳng định, trong chiều dài lịch sử 325 năm hình thành và phát triển
vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, văn hóa trở thành sợi dây kết nối,
“chất xúc tác” để cộng đồng dân cư luôn đoàn kết, chiến đấu, chiến
thắng với thiên tai, địch họa, ngoại xâm từ bên ngoài. Để tiếp tục
xây dựng và phát triển văn hóa Đồng Nai, thời gian tới cần tiếp tục
khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh
thần đoàn kết; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa.
Có thể nói, buổi tọa đàm Đề cương văn hóa Việt Nam và sự phát triển
của văn học nghệ thuật sẽ
là dịp để các cấp các ngành, địa phương cùng toàn thể Nhân dân, trong đó có
những người thực hành văn hóa thấm nhuần sâu sắc hơn những giá trị to lớn, sự
trường tồn và tầm ảnh hưởng sâu rộng của văn hóa, đồng thời chú trọng phát
triển văn hóa quần chúng, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân
tộc trong công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Minh Luân