ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Đưa sản phẩm của start-up Việt ra 'biển lớn'
Đăng ngày: 14-12-2022 05:07
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Hiện nay, nhiều sản phẩm của các start-up Việt nói chung và các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp của địa phương có nhiều tiềm năng, trong đó có các sản phẩm, dịch vụ về công nghệ, thực phẩm chế biến, nông sản, du lịch…

Gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp của Đồng Nai trong một chương trình kết nối giao thương tại TP.HCM năm 2022. Ảnh: H.Hà
Gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp của Đồng Nai trong một chương trình kết nối giao thương tại TP.HCM năm 2022.

Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm này còn gặp khó khăn trong phát triển thị trường; hoạt động marketing, quảng bá chưa như kỳ vọng.

* Xây “nền móng” thương hiệu

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, câu chuyện xây dựng thương hiệu càng được các DN trong nước, nhất là các start-up, DN trẻ quan tâm, chú ý nhiều hơn để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh và củng cố niềm tin của người tiêu dùng dành cho hàng Việt.

Là một trong những DN còn non trẻ, Công ty TNHH Mac Group (TP.Biên Hòa) đã đẩy mạnh xây dựng quy trình kỹ thuật làm ra sản phẩm tốt cho thương hiệu cà phê Laven Coffee. Song song với đó, vấn đề xây dựng thương hiệu cũng được công ty quan tâm theo đuổi để đi những bước đầu tiên vào thị trường.

Anh Đinh Thành Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Mac Group chia sẻ, hiện tại thị trường chính của công ty là ở khu vực Đồng Nai, trong đó tập trung nhiều ở các đô thị như: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh… Công ty luôn cố gắng xây dựng thương hiệu thông qua việc đảm bảo các tiêu chí chất lượng, từng bước phủ sóng tên tuổi, thương hiệu bằng cách tham gia những chương trình giao thương, kết nối hàng hóa trong và ngoài tỉnh, kết nối sản phẩm vào các chuỗi bán lẻ, sàn thương mại điện tử.

Tương tự, bà Đào Nguyên, đại diện thương hiệu Vị Vương Foods (H.Nhơn Trạch) chia sẻ: “Chúng tôi mới gia nhập thị trường được 5 tháng với sản phẩm nổi bật là bò khô Vị Vương. Bên cạnh việc nỗ lực đảm bảo chất lượng sản phẩm theo tiêu chí có nguồn gốc rõ ràng, không chất bảo quản, không đường hóa học, không chứa hương liệu…, công ty còn đang tìm kiếm thị trường, kết nối với các nhà bán lẻ thông qua hoạt động kết nối cung - cầu trong và ngoài tỉnh. Đây là dịp để công ty có thêm nhiều thông tin về thị trường, thị hiếu tiêu dùng, qua đó tích lũy, chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm giúp sản phẩm đáp ứng được những tiêu chuẩn, tiêu chí trước khi tham gia vào các kênh cung ứng, phân phối sản phẩm, các chuỗi bán lẻ”…

Ông Huỳnh Thanh Vạn, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, một tổ chức của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, bối cảnh hội nhập và cạnh tranh như hiện nay sẽ là cơ hội để các start-up, DN khởi nghiệp nắm bắt thời cơ, tìm ra hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường. Điều này đòi hỏi các DN, cơ sở sản xuất phải thay đổi tư duy, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm, chú trọng đến chất lượng dịch vụ, tạo dấu ấn thương hiệu riêng... cũng như thường xuyên cập nhật thị hiếu của người tiêu dùng để tồn tại và tạo ra những lợi thế cạnh tranh cho riêng mình.

Cần thêm các kênh kết nối

Trong giai đoạn hiện nay, làn sóng khởi nghiệp đang ngày một lớn mạnh. Đã có nhiều start-up thành công, đưa ra thị trường sản phẩm, thực phẩm an toàn, có chất lượng, bước đầu nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng và thâm nhập được vào hệ thống phân phối hiện đại.

Đại diện thương hiệu Vị Vương Foods (H.Nhơn Trạch) giới thiệu các sản phẩm khô bò của cơ sở tại hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vào cuối tháng 11-2022. Ảnh: H.Hà
Đại diện thương hiệu Vị Vương Foods (H.Nhơn Trạch) giới thiệu các sản phẩm khô bò của cơ sở tại hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vào cuối tháng 11-2022

Song thực tế, việc tham gia vào chuỗi phân phối bán lẻ hiện đại là việc không dễ dàng do nhiều DN khởi nghiệp, start-up có quy mô còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được những tiêu chí cơ bản như giấy tờ pháp lý, chứng nhận chất lượng, bao bì mẫu mã… Điều này cần các DN phải chủ động hoàn thiện hơn để đáp ứng tiêu chí từ các nhà bán lẻ lớn trong và ngoài nước, đồng thời cần có thêm sự quan tâm, kết nối từ các cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương.

Tại Đồng Nai hiện có 12 siêu thị, 6 trung tâm thương mại và hệ thống các cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Đây được xem là kênh phân phối quan trọng và hiện đại để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của địa phương. Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã và đang tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ nhằm đưa các sản phẩm này kết nối với hệ thống siêu thị, kênh bán lẻ, cũng như kết nối với các tỉnh, thành trên cả nước.

Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa Hoàng Thị Tố Uyên chia sẻ, siêu thị luôn tạo điều kiện để các sản phẩm chất lượng, gồm có sản phẩm của các DN khởi nghiệp nổi bật của địa phương có mặt trên hệ thống. Trong đó, yếu tố về chất lượng, nguồn gốc được đặt lên hàng đầu. Để đưa hàng hóa vào siêu thị, vấn đề mấu chốt là các DN phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của siêu thị trong suốt quá trình đàm phán.

Co.opmart Biên Hòa sẵn sàng kết nối, tạo điều kiện để đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp... lên kệ hàng của siêu thị. Vấn đề là DN cần kiên nhẫn theo đuổi đến cùng để đưa các sản phẩm đảm bảo chất lượng, số lượng, tiêu chuẩn cần thiết vào được siêu thị, qua đó nâng cao cơ hội quảng bá, phát triển sản phẩm một cách bài bản, dài hơi.

Nguồn Báo Đồng Nai​

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu