Chủ trì Hội nghị có các vị trong Đoàn đại biểu Quốc hội
tỉnh và bà Lưu Thị Hà / Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; tham dự hội nghị
có sự góp mặt của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, đại diện Ban
Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam 11/11 huyện, thành phố và đại diện Ban Thường
trực Ủy ban MTTQ Việt Nam 30 phường, xã của thành phố Biên Hoà.
Quang cảnh hội nghị
Tại hội nghị, ông Bùi Xuân Thống - Phó Trưởng đoàn
chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã thông tin một số thông tin
một số nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và đề nghị các
đại biểu tập trung góp ý vào một số nội dung cơ bản của Dự thảo luật.
Theo đó Dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 7
chương, 74 điều, quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở
cơ sở; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân và trách nhiệm
của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở
cơ sở.
Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở bổ sung nhiều điểm
mới như: Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức,
viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó, bổ sung
quy định về ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền khiếu nại, khởi kiện, tố
cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền thụ hưởng
thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nghĩa vụ kịp thời phản
ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm
pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định phạm vi thực hiện dân chủ đối
với từng loại hình cơ sở; quy định hình thức chế tài xử lý vi phạm đối với từng
nhóm chủ thể và hành vi vi phạm.
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần
thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo các đại biểu, tại những hội
nghị lấy ý kiến ở cơ sở, đại đa số nhân dân, cử tri đều đồng thuận, đánh giá
cao Dự thảo Luật.
Các đại biểu đã góp ý một số vấn đề trong Dự thảo Luật
như: Cần phải quy định rõ hơn về chủ thể trong chịu trách nhiệm thực hiện Luật,
trong đó có vai trò của Mặt trận; vai trò trách nhiệm của Ban Thanh tra Nhân
dân. Trình tự thủ tục thành lập Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát cộng đồng
hết sức rườm rà, cần rút gọn để làm sao dễ thực hiện; tiêu chí hoạt động của
Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát cộng đồng; Một số hình thức công khai các
thông tin, dự án chưa được phù hợp thực tế, cần bổ sung và đa dạng hóa hình thức
công khai thông tin; rà soát lại quy định về việc ban hành nghị quyết của cộng
đồng dân cư; cơ chế đảm bảo quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở; Dự thảo Luật
chưa phân rõ đối tượng, phạm vi điều chỉnh riêng; nói rõ lợi ích cộng đồng dân
cư là gì?…
(Xuân Tuấn)