Tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai, đồng chí Cao Văn Quang, Ủy
viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì hội nghị; cùng dự
có các đồng chí lãnh đạo, Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện
lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; đại diện Hội đồng tư vấn của Ủy
ban MTTQ tỉnh; đại diện Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành
phố và Chủ tịch, phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam 30 phường, xã trên địa bàn
thành phố Biên Hoà.
Các đồng chí lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì tại điểm cầu Đồng Nai
Sau khi nghe đọc Tờ trình tóm tắt về dự án Luật Thực hiện
dân chủ ở cơ sở của Chính phủ báo cáo Quốc hội, Hội nghị đã có 15 ý kiến của đại biểu góp ý, phản biện vào một số
nhóm vấn đề chính, gồm: Tính thống nhất, đồng bộ, liên thông của dự thảo Luật
so với quy định của Hiến pháp năm 2013 và pháp luật hiện hành; phạm vi, đối
tượng điều chỉnh của dự thảo Luật; tính đầy đủ của các nguyên tắc thực hiện dân
chủ ở cơ sở được thể hiện trong dự thảo Luật; việc thể chế hóa quan điểm của
Đảng về thực hiện dân chủ ở cơ sở thể hiện trong dự thảo Luật, quy định để “Dân
biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”…
Đa số các
đại biểu đều cho rằng việc thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ có bước
đột phá trong xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam. Đây sẽ là công cụ hữu hiệu để
nhân dân tham gia cùng Nhà nước xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, để
hoàn thiện dự thảo, một số ý kiến cho rằng: Cần bổ sung các quy định xác định
rõ vai trò trách nhiệm của Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã
hội trong tổ chức, bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; bổ sung các quy định về
chế tài, về các hình thức xử lý vi phạm khi thực hiện các quy định về thực hiện
dân chủ ở cơ sở như đã nêu; nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm
tra đối với những phản ánh của nhân dân về những vụ việc có dấu hiệu tiêu cực,
tham nhũng; cần đặc biệt chú trọng vào người dân ở xã (địa bàn nông thôn, chiếm
tỉ lệ lớn trong cộng đồng dân cư). Cùng với dân chủ ở xã thì cũng không xem nhẹ
dân chủ ở đô thị khi mà hiện nay một số nơi không còn tổ chức mô hình HĐND
phường, HĐND quận…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch,
Tổng Thư ký Lê Tiến Châu khẳng định, việc xây dựng, ban hành Luật Thực hiện dân
chủ ở cơ sở là việc làm cần thiết để thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng,
trực tiếp và gần nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về “... phát huy dân
chủ xã hội chủ nghĩa”; “Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế
“Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết,
dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Mặt khác, đây
cũng là là yêu cầu khách quan để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về
xây dựng “Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân
dân”.
Xuân Tuấn