Lực
lượng quản lý thị trường kiểm tra một số cơ sở kinh doanh thực phẩm Tết tại
TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Phương
* Cẩn trọng khi mua thực phẩm Tết trên mạng
Khảo sát tại nhiều sạp, cửa hàng kinh doanh các loại hàng
hóa, thực phẩm, bánh kẹo, mứt tết ở TP.Biên Hòa, vẫn còn các sạp, cửa hàng bày
bán sản phẩm chưa rõ nhãn mác, thông tin nguồn gốc sản phẩm...
Tại Cửa hàng Tạp hóa Y.N gần khu vực chợ Biên Hòa bày bán
nhiều sản phẩm đồ khô, giò, chả, nem thính hay chà bông… Bên cạnh nhiều sản phẩm
có đầy đủ nhãn mác, nguồn gốc sản phẩm thì khi lực lượng quản lý thị trường
(QLTT) đến kiểm tra cửa hàng tạp hóa còn bán thêm một số sản phẩm không có nhãn
hiệu như: nem thính, bò viên, chả lụa...
Anh P.V.D, chủ cửa hàng nói trên trần tình: “Các sản phẩm
này lấy từ một mối bỏ sỉ. Anh đó bỏ mối ở nhiều khu vực xung quanh chợ. Do ăn cảm
thấy ngon nên tôi mua của anh ấy một ít đem bán cho bà con mua về ăn thôi, chứ
không dám bán nhiều. Thời gian tới, tôi sẽ chú trọng nhập hàng từ các công ty,
cơ sở sản xuất có thương hiệu và tuân thủ các quy định về kinh doanh thực phẩm
đảm bảo nguồn gốc, hạn sử dụng…”.
Trong bối cảnh hiện nay, khi hoạt động mua bán hàng online
ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhất là sau giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng
phát, khách hàng mua hàng trên mạng sẽ có nguy cơ mua phải những sản phẩm được
quảng cáo, giới thiệu là đồ “nhà làm” không nhãn hiệu, không địa chỉ nên chất
lượng không lấy gì đảm bảo…
Chị Ngọc Dung (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho hay, giò
chả, thực phẩm khô như: khô gà, khô bò, khô heo... là những món khoái khẩu, dễ
nhâm nhi trong mỗi gia đình, nhất là dịp lễ, Tết. Tết năm rồi, vì nghe lời quảng
cáo, “truyền tai” từ bạn bè, chị có đặt mua giò chả và nem chua đặc sản của một
cơ sở bán trên mạng xã hội với đủ mức giá, nào là loại 1, loại 2, loại 3 với mức
giá dao động từ 150-350 ngàn đồng, phù hợp với tài chính của từng khách hàng
khác nhau.
“Nghĩ rằng mua tại “gốc”, ngay cơ sở nên giá mềm vì không
qua khâu trung gian phân phối, vận chuyển, nào ngờ khi mở ra dùng thử thì loại
giò chả mua trên mạng khá bở, có vị hơi đắng nhẹ, khi ăn cảm nhận chứa rất nhiều
phụ gia thực phẩm, khác hẳn loại tôi hay mua trong siêu thị. Đặc điểm chung của
các loại thực phẩm bán trên mạng là không có bao bì, không ghi rõ thành phần...
Do vậy, để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng nên mua các loại thực phẩm, mứt Tết
ở những cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối uy tín, bởi nếu ham rẻ mua phải
hàng trôi nổi về lâu dài sẽ có hại cho sức khỏe” - chị Dung chia sẻ.
* Tăng cường công tác QLTT dịp cao điểm
Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người
tiêu dùng Đồng Nai khuyến cáo, bên cạnh các tiện ích, người tiêu dùng có thể gặp
phải rủi ro về hàng giả, hàng kém chất lượng khi mua sắm trực tuyến, nhất là
vào dịp cao điểm mua sắm cận Tết. Trong đó, các loại thực phẩm, hàng gia dụng…
là những mặt hàng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng
không rõ nguồn gốc.
“Người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm, nhất là các loại
hàng hóa Tết thông qua các kênh bán hàng, đơn vị phân phối uy tín, có thương hiệu,
tránh mua ở các địa chỉ trôi nổi và nên kiểm tra kỹ sản phẩm khi nhận hàng rồi
mới thanh toán…” - ông Hải chia sẻ thêm.
Theo Cục QLTT Đồng Nai, trong đợt cao điểm chống buôn lậu,
gian lận thương mại dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, lực
lượng QLTT trong tỉnh sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các
vi phạm hành chính đối với các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào
dịp cuối năm, cận Tết như: bánh mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, đường, sữa,
giò chả, động vật và các sản phẩm động vật, các loại gia vị, chất phụ gia, thực
phẩm chế biến, các mặt hàng thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh
Covid-19…
Bà Phùng Thị Ngọc Thảo, Đội phó Đội QLTT số 2 (khu vực
TP.Biên Hòa - H.Vĩnh Cửu - Cục QLTT Đồng Nai) cho biết, từ đầu tháng 12-2021 đến
sau Tết, Đội QLTT số 2 tăng cường kiểm tra tình hình thực phẩm, hàng hóa phục vụ
Tết trên địa bàn phụ trách. Trong đó, vấn đề các loại sản phẩm hàng hóa “3
không” (không nguồn gốc, không nhãn mác, không hạn sử dụng) là mối quan tâm
hàng đầu của đội trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm…
Theo Cục QLTT Đồng Nai, trong tháng 12-2021, lực lượng
QLTT trong tỉnh đã tiến hành kiểm tra 40 trường hợp kinh doanh hàng hóa gồm:
25 trường hợp kiểm tra đột xuất, 15 trường hợp kiểm tra theo chuyên đề. Qua
kiểm tra, phát hiện 28 vụ vi phạm, trong đó có 9 vụ vi phạm về hàng hóa không
rõ nguồn gốc xuất xứ, 11 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa, 3 vụ vi phạm về điều kiện
an toàn thực phẩm, 2 vụ liên quan đến hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ…
|
Nguồn: Báo Đồng Nai