ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Đại hội lần thứ VI Hội Người cao tuổi Việt Nam
Đăng ngày: 14-01-2022 02:37
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Sáng ngày 14/01/2022, Đại hội lần thứ VI Hội Người Cao tuổi Việt Nam (nhiệm kỳ 2021 - 2026) khai mạc tại Hà Nội.

Tham dự Đại hội có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,  lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể và 333 đại biểu đại diện cho hơn 9,7 triệu hội viên người cao tuổi trên cả nước.

dsc_8857 2.jpg
Quang cảnh Đại hội

Trong bài Diễn văn khai mạc đại hội, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam khóa V Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, 05 năm qua, các cấp hội và hội viên người cao tuổi trên cả nước đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả thiết thực, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra tại Đại hội V, các chương trình công tác hội và nhiệm vụ được giao.

Vai trò của người cao tuổi tiếp tục được phát huy trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; gìn giữ, phát triển các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc; gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh; tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, giữ gìn an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực, tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi được đẩy mạnh.

Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện các kết quả, hạn chế và nguyên nhân, rút kinh nghiệm sâu sắc qua việc thực hiện nghị quyết Đại hội V; tập trung trí tuệ, dân chủ thảo luận để xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021-2026; thông qua Điều lệ Hội Người cao tuổi Việt Nam; bầu Ban chấp hành Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam khóa VI.

Theo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021 của Hội Người cao tuổi Việt Nam, đến năm 2020, cả nước có 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm gần 12% tổng dân số. Bình quân mỗi năm, các cấp hội kết nạp thêm 43.000 hội viên mới. Tổng số hội viên có 9,7 triệu người, tăng thêm 1,1 triệu hội viên so với đầu nhiệm kỳ Đại hội V, chiếm hơn 85% tổng số người cao tuổi trên cả nước. Các hội viên sinh hoạt ở 10.367 hội cơ sở, 88.412 chi hội, 171.982 tổ hội…

dsc_8872s.jpg
Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu chỉ đạo Đại hội

Tham dự và chỉ đạo Đại hội, đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương đội ngũ cán bộ hội các cấp đã tâm huyết, trách nhiệm, tích cực trong chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi và trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến người cao tuổi, được người cao tuổi cả nước đón nhận, hoan nghênh và đồng tình cao. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập cần phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, ban hành chủ trương, chính sách mới nhằm đáp ứng nhu cầu về đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ sức khỏe của người cao tuổi, khi Việt Nam sẽ được xếp là quốc gia có dân số già trong tương lai gần (theo dự báo đến năm 2030 Việt Nam sẽ có số người cao tuổi chiếm 17% dân số cả nước và đến năm 2050, tỷ lệ này là 25%).

Nhắc lại những quan điểm của Đảng ta nêu ra tại Văn kiện Đại hội XIII, đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị tiếp tục tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với Hội Người cao tuổi; tiếp tục quán triệt sâu rộng các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về người cao tuổi; đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách đối với người cao tuổi. 

Hội cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động nhằm phát triển số lượng đi đôi với chất lượng, tập hợp đông đảo hơn nữa hội viên tham gia phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”; phát huy những kinh nghiệm quý báu của người cao tuổi để tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, kinh tế, khoa học, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh trật tự…; thực hiện tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người cao tuổi; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người cao tuổi để phản ánh kịp thời với các cơ quan có thẩm quyền, góp phần thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi, nhất là người cao tuổi thuộc diện chính sách, người cao tuổi ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; cần đa dạng nội dung, hình thức chăm sóc người cao tuổi; đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực hoạt động, đặc biệt lĩnh vực người cao tuổi tự chăm sóc; tích cực phát triển nguồn lực của Hội; nhân rộng các loại hình Câu lạc bộ, các cơ sở dịch vụ chăm sóc người cao tuổi; tập trung sức xây dựng Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở cơ sở; mở rộng công tác đối ngoại nhân dân để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.

Người cao tuổi và tổ chức hội tiếp tục phát huy trí tuệ và kinh nghiệm, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, khuyến học, khuyến tài; động viên con cháu có ý chí vươn lên trong học tập, công tác, sản xuất, kinh doanh; chủ động tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện trong quá trình xây dựng, giám sát quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.


4.jpg
Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi Việt Nam khóa VI ra mắt Đại hội


Đại hội đã bầu 93 vị tham gia vào Ban Chấp hành công tác hội khóa VI, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ông Nguyễn Thanh Bình, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương được bầu là Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi khóa VI, nhiệm kỳ 2021 - 2026.​


Dương ​Hòa

 

 

 
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu