Hội nghị có sự tham dự của ông Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, thành viên Ban Chỉ đạo; ông Nguyễn Lam, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực, Phùng Khánh Tài; các thành viên Ban Chỉ đạo; các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Hội đồng tư vấn của UBTƯ MTTQ Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam một số tỉnh, thành, tổ tự quản ở cơ sở.
|
Quang cảnh Hội thảo |
Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tham gia quản lý xã hội
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, hoạt động tự quản của Nhân dân luôn là vấn đề được quan tâm tổ chức thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tổ chức hoạt động tự quản chính là hình thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tham gia quản lý xã hội. Từ đó phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó Nhân dân trong cộng đồng dân cư, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống;….
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cũng cho rằng, ở nước ta hiện nay chưa có nghiên cứu toàn diện dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn về vấn đề hoạt động tự quản, chưa có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc về tổ chức xây dựng và phát huy vai trò của các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố. Nhiều mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư được thành lập từ các phong trào, cuộc vận động do MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và tổ chức khác trong hệ thống chính trị triển khai, đang có sự trùng lắp về nội dung hoạt động; trên cùng một địa bàn nhiều mô hình, nhiều chủ thể tham gia hoặc một chủ thể tham gia nhiều mô hình do đó hiệu quả, chất lượng chưa cao, hoạt động còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ ngân sách.
|
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo |
Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII “về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 07- KH/TW Ngày 27/11/2017, thực hiện về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong đó giao nhiệm vụ cho Đảng đoàn MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo xây dựng “Đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố trên phạm vi cả nước”; các tỉnh, thành ủy sơ kết và tiếp tục thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố.
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã phối hợp với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam triển khai nghiên cứu xây dựng đề án. Nội dung của Đề án được kết cấu làm 4 phần: phần I nhắc tới sự cần thiết, phạm vi, nội dung và căn cứ xây dựng Đề án; phần II thực trạng về tổ chức và hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố; phần III quan điểm, nguyên tắc tổ chức hoạt động, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố.
|
Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì Hội thảo |
Trên cơ sở dự thảo nội dung của đề án, đại biểu tham dự đã cùng thảo luận, trao đổi để nhằm bổ sung thêm những căn cứ lý luận và thực tiễn để xây dựng các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố; đánh giá làm rõ những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân trong tổ chức thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư giai đoạn hiện nay; xây dựng nguyên tắc tổ chức và hoạt động của mô hình tự quản; mối quan hệ mô hình tự quản với các chủ thể ở thôn, tổ dân phố. Từ đó đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp để tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình tự quản góp phần giúp cấp ủy đảng, chính quyền ở cơ sở nâng cao chất lượng quản lý xã hội.
Khẳng định cơ sở pháp lý của mô hình tự quản
|
Ông Đỗ Duy Thường Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
Góp ý vào đề án, ông Đỗ Duy Thường Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng có ba nguyên tắc quan trọng để thực hiện các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố. Các mô hình tự quản cần đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tự nguyện, tự chịu trách nhiệm; đảm bảo dân chủ, công khai minh bạch và đoàn kết và hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, hương ước, quy ước.
“Việc xây dựng các mô hình tự quản phải góp phần nâng cao ý thức công dân ở khu dân cư, đoàn kết giúp đỡ nhau, chấp hành pháp luật, xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa, văn minh, an toàn vì lợi ích của công dân và cộng đồng.”, ông Đỗ Duy Thường góp ý.
Từ việc xây dựng đề án, ông Đỗ Duy Thường kiến nghị trong thời gian tới cần xây dựng thành một cơ chế chính sách pháp luật cho hình thức tự quản ở cộng đồng dân cư, xây dựng luật tự quản của cộng đồng dân cư, xây dựng quy ước của các mô hình tự quản.
“Cần xác định mối quan hệ giữa mô hình tự quản với trưởng thôn, tổ dân phố với Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, với các tổ chức chính trị - xã hội. Cùng với đó là quyền trách nhiệm của tổ chức tự quản, của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đối với tổ chức và hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư.” Ông Đỗ Duy Thường đề xuất.
|
Bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
Nêu quan điểm về đề án, bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, việc xây dựng mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố là một nội dung thiết thực gắn với hoạt động của Mặt trận nhằm phát huy dân chủ ở cộng đồng dân cư để lấy sức dân chăm để chăm lo cuộc sống cho nhân dân.
“Hàng chục năm qua, hàng ngàn mô hình tự quản do Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua từ cộng đồng, quy tụ tập hợp, sự tham gia của hàng triệu người dân, đoàn viên, hội viên của các tổ chức” bà Liên khẳng định.
Tuy nhiên theo bà Liên về cơ sở pháp lý, chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền quy định về tổ chức và hoạt động đối với mô hình tự quản ở thôn tổ dân phố để thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Chính bởi vậy việc xây dựng và hoàn thiện mô hình tự quản cùng với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình đã có, đổi mới và nâng cao chất lượng các mô hình là việc làm rất thiết thực hiện nay.
|
Ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
Ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, các hoạt động tự quản tự chính là mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đặt ra.
“Mô hình tự quản là hoạt động của dân, cần nhấn mạnh vai trò của nhân dân, tinh thần là phải khuyến khích tạo điều kiện cho nhân dân làm những việc mà pháp luật không cấm” ông Lê Truyền đặt vấn đề.
Khẳng định, hoạt động tự quản chính là phát huy và khuyến khích nhân dân phát huy tất cả những ý nguyện của nhân dân, theo Lê Truyền thông qua hoạt động này sẽ gắn bó Đảng, Nhà nước với nhân dân, phát huy vai trò của người dân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước ngay từ cơ sở. Việc mở rộng thực hành dân chủ trong xã hội bắt đầu từ khu dân cư sẽ góp phần làm cho xã hội lành mạnh.
“Việc thực hiện đề án mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố phải gắn với yêu cầu Mặt trận chủ trì bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.” ông Lê Truyền nói.
Bàn về kinh phí hoạt động của các mô hình tự quản, ông Truyền cho rằng đây là hoạt động xã hội của cộng đồng không nên đặt nặng vấn đề kinh phí, tạo gánh nặng cho chi tiêu của Nhà nước.
“Đã gọi là hoạt động cộng đồng gắn với nhân dân phải là hoạt động tự giác, tự nguyện bằng sức sức sống của nhân dân để nuôi dưỡng cho những hoạt động tự quản”, ông Lê Truyền kiến nghị.
Các mô hình tự quản phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân
|
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên Lê Quang Toản phát biểu tại Hội thảo |
Từ thực tiễn công tác cơ sở tại tỉnh Hưng Yên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Quang Toản cho rằng, hiện nay có nhiều mô hình tự quản nhưng chưa có đánh giá cụ thể tác dụng của mô hình, chưa phân định rõ mô hình nào là tự quản, mô hình nào là của phong trào.
Góp ý vào nội dung đề án, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hưng Yên đề xuất, đối với hoạt động của các mô hình tự quản phải có sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và trực tiếp là sự lãnh đạo của UBND cấp xã. Việc hình thành các mô hình tự quản phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và mang lại lợi ích cho nhân dân để người nhân đồng thuận hưởng ứng. Trong hoạt động của các mô hình cần có sự triển khai bài bản, cụ thể, xác định đoàn thể nào phụ trách, chủ trì thực hiện để tránh sự chồng chéo.
|
Ông Bùi Văn Tạo tổ trưởng tổ dân cư 13, thôn Hòa Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình phát biểu tại Hội thảo |
Đại diện cho một tổ tự ở cơ sở tham dự Hội thảo, ông Bùi Văn Tạo tổ trưởng tổ dân cư 13, thôn Hòa Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình cũng có nhiều kiến nghị đối với đề án.
Theo ông Tạo, việc xây dựng mô hình tự quản phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng thiết thực của nhân dân. Hoạt động của mô hình tự quản cần hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
“Hiện nay tại thôn Hòa Bình có 15 tổ dân cư, mỗi tổ có 27 hộ gia đình, 1/3 trong số đó thường làm ăn xa, nhưng hàng năm, mỗi hộ gia đình trong khu dân cư chỉ đóng 20.000 nghìn đồng/năm để duy trì việc thăm hỏi ốm đau. Mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới đều phát huy tinh thần tự nguyện, tự giác.” Ông Tạo cho biết.
Ông Tạo kiến nghị, trong trong việc xây dựng đề án cần quan tâm đến việc đổi mới hoạt động tự quản ở khu dân cư phù hợp với thực tiễn ở cơ sở. Việc đổi mới tập trung vào khẳng định cơ sở pháp lý của mô hình, trong đó, cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo bằng văn bản, Nghị quyết chuyên đề, chính quyền phải quản lý, điều hành, ra quyết định thành lập, thông qua Quy chế hoạt động của mô hình và tổ chức ra mắt tổ tự quản.
Cùng với đó cần làm rõ được nội dung hoạt động của tổ dân cư tự quản theo hướng phân công trách nhiệm cụ thể. Trong đó MTTQ là cơ quan chủ trì hướng dẫn nội dung triển khai, kiểm tra, giám sát, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn sẽ phối hợp thực hiện nhằm phát huy tối đa nội lực của nhân dân.
“Nếu trong quá trình triển khai, có sự đúc rút kinh nghiệm, chọn lọc nội dung hoạt động phù hợp với thực tiễn từng nơi thì mô hình tự quản sẽ phát huy hiệu quả”, ông Bùi Văn Tạo kiến nghị.
|
Ông Nguyễn Viết Chức, Hội đồng tư vấn về Văn hóa, UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Nêu quan điểm, ông Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, việc xây dựng đề án phải gắn liền với thực tiễn để từ đó phát huy vai trò tự quản của người dân. Mục tiêu của đề án phải phát huy cao nhất sức mạnh đoàn kết, tính sáng tạo và tinh thần tự nguyện của cộng đồng dân cư và mỗi cá nhân trong cộng đồng phải tự quản để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
“Phải làm rõ vai trò của Mặt trận trong đề án. Mặt trận phải là “bà đỡ” cho các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư để phát huy sức mạnh của nhân dân và phát huy vai trò tự quản của người dân”, ông Nguyễn Viết Chức đề xuất.
Góp ý vào đề án ông Nguyễn Lân Dũng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường cho rằng, mô hình tự quản là hoạt động cộng đồng, là hành động tự nguyện tự giác của cộng đồng nhân dân, bởi vậy không nên yêu cầu kinh phí của Nhà nước. Để xây dựng các mô hình này không biết bao nhiêu tiền cho đủ được, nhưng khi người dân đã tự nguyện đóng góp để dân với nước, dân với Đảng là một thì sẽ có hiệu quả rất cao.
Ông Nguyễn Lân Dũng cũng đề nghị, trong xây dựng mô hình tự quản, chủ trì phối hợp hoạt động phải là Mặt trận cơ sở để thực hiện chủ trương của chính quyền địa phương khi đứng ra vận động quần chúng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Cùng với đó, mọi hoạt động tự quản không thể tách rời khỏi sự lãnh đạo của đảng, nâng cao ý thức chính trị, xây dựng quần chúng để chống lại mọi luận điệu xuyên tạc gây chia rẽ của các thế lực phản động.
|
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội thảo |
Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc từ cơ sở
Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến trân trọng tiếp thu và khẳng định, đây là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có cơ sở lý luận sâu sắc và gắn với thực tiễn để Ban Chỉ đạo đề án và Tổ biên tập hoàn thiện trình Ban Bí thư vào tháng 12/2021.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, xuất phát từ thực tiễn, Ban Bí thư đã giao cho Đảng đoàn MTTQ Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng Đề án; đồng thời Ban Bí thư sẽ căn cứ vào kết luận của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương và các cơ quan chức năng để ban hành kết luận theo đúng tinh thần mô hình tự quản do nhân dân, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đáp ứng những nhu cầu chính đáng và phục vụ nhân dân là chính.
“Với tinh thần đó, ngày 7/7/2020, Ban Bí thư đã nghe báo cáo một lần và cho ý kiến để hoàn thiện. Ban Bí thư đã có văn bản ghi rất rõ các nội dung từ bố cục, cơ sở lý luận, thực tiễn, nguyên tắc tổ chức hoạt động theo hướng, tự quản là công việc của dân, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, được nhân dân đồng tình ủng hộ và các cơ quan Nhà nước không tham gia quản lý sâu mà chỉ có tính chất hướng dẫn với phương châm “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân””, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thông tin.
|
Đại biểu tham dự Hội thảo |
Nhắc đến nội dung đổi mới trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khi đề cập đến vai trò của Mặt trận, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ, Văn kiện đã đề cập tới chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng; Xác định rõ hơn vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội là nòng cốt để nhân dân làm chủ. Bởi vậy, việc thực hiện mô hình tự quản là một bước để phát huy dân chủ trực tiếp. Đặc biệt, nếu như trước đây chúng ta đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị -xã hội nhưng lần này Văn kiện Đại hội nói rõ là đổi mới bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội hướng mạnh về cơ sở.
“Làm chủ bằng cách nào, làm chủ thông qua dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Trước đây chúng ta vẫn nói với nhau xây dựng thế trận toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc nhưng giờ đây cần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Để xây dựng thế trận lòng dân vững chắc thì phải bắt nguồn từ cơ sở”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến gợi mở.
Nhấn mạnh Ban Bí thư đánh giá rất cao đề án của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam và sự phối hợp của các cơ quan ban ngành, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị Đảng đoàn MTTQ Việt Nam cần kết hợp các ý kiến đã góp ý cùng với quá trình xây dựng các văn kiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để đề xuất, làm sâu sắc hơn quan điểm, nguyên tắc tổ chức hoạt động, phương thức quản lý của mô hình tự quản theo hướng xuất phát từ mong muốn của nhân dân, phục vụ trực tiếp cho đời sống người dân.
Cùng với đó, các giải pháp thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy dân chủ đi đôi với kỷ cương; các nguyên tắc tự nguyện, tự quản cần phát huy tối đa cao nhất dân chủ của người dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân trong triển khai các mô hình tự quản nhưng phải đảm bảo có sự quản lý của Nhà nước.
Khẳng định vai trò sứ mệnh lịch sử và chức năng nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam được thể hiện trong điều lệ, nghị quyết, chỉ thị kết luận của Đảng và được hiến định trong hiến pháp, thể hiện bằng các Luật, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, việc trình Ban Bí thư về Đề án sẽ là khâu đột phá của MTTQ Việt Nam trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động.
Xuân Tuấn
(Theo MTTW)