Hàng Việt chiếm tỷ lệ cao trên các gian hàng thực phẩm tại nhiều siêu thị ở Đồng Nai. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm mì ăn liền tại Co.opmart Biên Hòa
Dưới tác động của dịch bệnh, “giỏ hàng” của người tiêu dùng có nhiều thay đổi.
Xu thế tất yếu
Hiện nay, bán lẻ đa kênh là xu thế tất yếu của thị trường, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa trực tuyến (online) và trực tiếp (offline). Trong đó, sự xuất hiện của các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini… nằm trong xu thế ngày càng mở cửa của thị trường, nhất là sau những tác động từ đại dịch Covid-19.
Tại hội nghị trực tuyến Kết nối cung - cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do Bộ Công thương phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức vào đầu tháng 10 vừa qua, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) nhận định, trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19 và bắt đầu phục hồi kinh tế như hiện nay, việc kết hợp phương thức phân phối hiện đại - thương mại điện tử và phương thức phân phối truyền thống là giải pháp tất yếu căn cơ cho hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Với các bước triển khai mạnh mẽ và đồng bộ trên các kênh thương mại điện tử, kết hợp giữa thương mại điện tử và thương mại truyền thống, việc ứng dụng công nghệ đã phát huy được tối đa lợi thế của các bên, tăng tính hiệu quả và tối ưu hóa được các khâu trong lưu thông hàng hóa, kết nối cung cầu và với mục tiêu cao nhất là thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa và đảm bảo đời sống người dân, nhất là đối với những địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Cùng với xu thế phát triển bán lẻ đa kênh trong thời gian qua, các xu hướng lựa chọn mua các “giỏ hàng” của người tiêu dùng cũng có nhiều thay đổi. Theo đại diện Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen tại hội nghị Kết nối cung - cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, người tiêu dùng đã chuyển dần sang xu hướng bán hàng đa kênh, tiếp cận nhiều kênh phân phối, mua sắm. Theo khảo sát của công ty, số người dùng kết hợp cả hình thức mua hàng online lẫn offline chiếm khoảng 66% trong thời gian qua.
“Giỏ hàng” thương mại điện tử trong xu hướng mua sắm này có sự chuyển dịch khá rõ nét sang các mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng nhanh. Trong khi đó, các sản phẩm liên quan thời trang - thể thao, du lịch - giải trí… lại giảm.
Đại diện nhiều siêu thị tại Đồng Nai cho biết, trong thời gian gần đây, xu hướng tiêu dùng đã có nhiều sự chuyển biến cả ở các kênh bán hàng truyền thống lẫn đặt hàng trực tuyến. Theo đó, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, bên cạnh các mặt hàng thực phẩm tươi sống, lượng tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng như: mì gói, thực phẩm đóng hộp, sữa, các loại khẩu trang, nước sát khuẩn, sản phẩm vệ sinh… tăng cao. Đây là các mặt hàng mà nhiều doanh nghiệp trong nước có thế mạnh, các sản phẩm hàng Việt chiếm tỉ trọng cao trên các kệ hàng.
Lưu ý đến hình thức mua hàng combo
Theo nhiều chuyên gia về bán lẻ, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian qua nên người dân chủ yếu đi chợ theo từng tuần hoặc 2-3 ngày mới đi 1 lần. Tâm lý người tiêu dùng cũng hạn chế ra ngoài trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Điều này dẫn tới hành vi tiêu dùng của khách hàng, “giỏ hàng” thời dịch cũng trở lên “lớn hơn” cho một lần mua, tức là thay vì mua nhỏ lẻ thì thời gian gần đây, người tiêu dùng đã chú ý nhiều hơn đến việc mua hàng theo dạng combo, mua các mặt hàng có số lượng, dung tích lớn để dự trữ.
Do đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đơn vị cung ứng hàng Việt có thể nắm bắt, lưu ý xu hướng này để có thêm các hình thức đặt mua theo combo, phát triển các loại bao bì sản phẩm có dung tích lớn thay vì “chia nhỏ” ra như trước đây, nhất là đối với các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nông sản, thực phẩm… để đáp ứng những thị hiếu tiêu dùng mới.
Bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa chia sẻ, siêu thị áp dụng nhiều kênh đặt hàng trực tuyến với nhiều ưu đãi tích điểm thưởng cho khách hàng. Siêu thị còn triển khai bán hàng trên các nhóm mua chung trực tuyến trên Zalo. Với hình thức này, khách hàng có thể lựa chọn mua hàng theo hình thức combo hoặc mua lẻ tùy nhu cầu, nhóm mua chung, góp phần tăng tương tác cho khách hàng. Trong đó, các gói sản phẩm theo combo, nhất là các gói nông sản, thực phẩm theo combo được nhiều người lựa chọn, đặt mua.
Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc cho biết, trong thời gian tới, Sở tiếp tục linh động các hình thức xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu trực tuyến để hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp địa phương tìm kiếm các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số… Đồng thời, tiếp tục phát huy hiệu quả các hình thức, các kênh phân phối truyền thống và hiện đại trong tình hình mới.
Nguồn: Báo Đồng Nai