ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Đưa hàng hóa từ nông thôn lên thành thị
Đăng ngày: 09-01-2021 08:56
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến đề xuất triển khai “đưa hàng nông thôn lên thành thị”. Điều này vừa giải quyết nhu cầu tiêu dùng cho người dân thành phố, đồng thời tạo điều kiện để giải quyết việc làm và tăng sản lượng, thúc đẩy tăng trưởng ở vùng nông thôn.

Biểu đồ thể hiện xu hướng lựa chọn các kênh mua sắm của người tiêu dùng đối với các mặt hàng: thực phẩm, đồ uống, nước chấm, gia vị theo kết quả cuộc khảo sát Hành vi người tiêu dùng dưới tác động của đại dịch Covid-19 của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện vào cuối tháng 5-2020. Nguồn: Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (Đồ họa: Hải Quân)
Biểu đồ thể hiện xu hướng lựa chọn các kênh mua sắm của người tiêu dùng đối với các mặt hàng: thực phẩm, đồ uống, nước chấm, gia vị theo kết quả cuộc khảo sát Hành vi người tiêu dùng dưới tác động của đại dịch Covid-19 của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện vào cuối tháng 5-2020. 

Đặc biệt, khi tình hình dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, việc kết nối cung - cầu, tìm đầu ra cho nông sản Việt, đưa hàng hóa nông thôn lên thành thị càng trở nên cần thiết.

* Nông dân mong muốn tìm kênh phân phối mới

Trên thực tế, nhiều loại sản phẩm từ nông thôn, các loại nông sản của Đồng Nai như: sầu riêng, chôm chôm, bưởi… có nhiều tiềm năng để cung ứng. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm của bà con nông dân được đưa đến các thành phố, đô thị lớn thường thông qua các kênh bán hàng tự phát, nông dân tự kết nối hoặc thông qua các thương nhân trung gian.

Đồng Nai có thuận lợi ở chỗ dân số đông, thị trường lớn, đa dạng kênh phân phối, nhất là hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối phát triển. Nhiều HTX, nhà vườn trong tỉnh mong muốn tiếp cận thêm các kênh tiêu thụ ổn định vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi… tại các thành phố, đô thị trong và ngoài tỉnh.

Ông Trần Xuân Trường, Giám đốc điều hành HTX Thương mại - dịch vụ nông nghiệp Tà Lài - HTX có sản phẩm bưởi da xanh đạt chuẩn OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của H.Tân Phú cho hay, HTX đã mở rộng diện tích trồng bưởi theo hướng VietGAP được khoảng 2 năm nay. Hiện nay, HTX chủ yếu bán hàng thông qua các thương lái, mối quen. Trong thời gian tới, HTX mong muốn được kết nối, hỗ trợ mở rộng các kênh phân phối, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp sạch, sản phẩm OCOP…

Tương tự, ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp, thương mại - dịch vụ Vĩnh Tâm (H.Vĩnh Cửu) cho hay, do mới thành lập nên HTX mong muốn tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho các loại nông sản sạch, nhất là các kênh tiêu thụ mới, hiện đại để mở rộng kênh kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Người tiêu dùng chọn mua nông sản tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Quân
Người tiêu dùng chọn mua nông sản tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Quân

Không chỉ có các nhà vườn, nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng… ở các địa phương trong tỉnh, nhất là ở khu vực nông thôn cũng mong muốn có thêm các hoạt động kết nối cung - cầu, mở rộng các kênh bán hàng mới, hiện đại để đưa hàng hóa tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng ở các thành phố lớn.

Bà Liu Thị Yến, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán) chia sẻ, bên cạnh tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh, công ty còn hướng tới kết nối với các kênh bán hàng trực tuyến, các sàn thương mại điện tử lớn và uy tín để phát triển kênh tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Từ đó, giúp cho người tiêu dùng biết đến sản phẩm của công ty nhiều hơn...

* Cần thêm trợ lực

Theo nhiều nhà vườn, HTX, DN địa phương, việc kết nối giữa nhà vườn với các kênh bán lẻ, phân phối hiện đại ở các đô thị vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các điều khoản về hợp đồng, số lượng đơn hàng, các chi phí liên quan đến đóng gói, vận chuyển và bảo quản sản phẩm...

Đại diện một HTX chuyên cung cấp các loại sầu riêng, chôm chôm sạch theo hướng VietGAP ở H.Long Thành cho hay, một trong những ràng buộc khi muốn đưa hàng vào các siêu thị lớn là chi phí đóng gói, vận chuyển cao nhằm đảm bảo các yêu cầu về chất lượng hàng hóa của các siêu thị, chi phí phát sinh trong việc hạn chế tỷ lệ sản phẩm hư hỏng, không đẹp mắt… Do đó, để gỡ “nút thắt” này cần có thêm sự kết nối, lắng nghe từ cả hai phía nông dân và đơn vị bán lẻ.

Theo đại diện nhiều siêu thị trên địa bàn tỉnh, thực tế các sản phẩm nông sản, đặc sản của Đồng Nai có chất lượng tốt, được nhiều người tiêu dùng ưu chuộng. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm chủ yếu thu hoạch theo mùa, chất lượng chưa đồng đều, đặc biệt còn không ít sản phẩm chưa có các chứng nhận cần thiết về chất lượng, nhất là đối với các loại trái cây, rau, củ, quả… Một số cơ sở còn sản xuất, chế biến theo phương pháp cũ, thiếu chuyên nghiệp, lượng hàng sản xuất thiếu ổn định, nhỏ lẻ khiến cho lượng hàng hóa, nông sản ở địa phương bán trong hệ thống siêu thị chưa được như kỳ vọng.

Để có thêm nhiều sản phẩm địa phương được cung ứng vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi… cần có thêm nhiều buổi gặp gỡ giữa đại diện thu mua của các hệ thống bán lẻ với nông dân, DN, HTX sản xuất, chế biến nông sản để các bên nắm bắt thông tin, tìm hiểu nhu cầu của nhau.

Bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa cho hay, siêu thị luôn hướng tới phát triển thêm nhiều gian hàng nông sản, đặc sản của địa phương vừa đảm bảo chất lượng, an toàn, vừa đáp ứng các tiêu chuẩn của siêu thị. Thông qua các hội nghị kết nối cung - cầu, siêu thị và các nhà vườn, đơn vị sản xuất trong tỉnh sẽ có thêm dịp để trao đổi, chia sẻ thông tin, cũng như tìm hướng đưa các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương bày bán tại các kệ hàng của siêu thị.

* Chú trọng quảng bá, giới thiệu sản phẩm

Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm địa phương, nhất là các loại đặc sản vùng miền, nông sản sạch. Bà Hồng Nhung (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Bên cạnh các sản phẩm đã có thương hiệu, tôi cũng hay tìm mua các đặc sản, đồ khô ở các địa phương trên cả nước, các loại trái cây sạch thông qua một số siêu thị hoặc cửa hàng nông sản sạch. Những “sản vật quê” này thường có hương vị riêng, khá được ưa chuộng tuy nhiên để tìm mua được thì không dễ”.

Ông Bùi Mạnh Hùng, đại diện Phòng Pháp chế - Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM chia sẻ, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, các DN nhỏ và vừa trong nước đứng trước sự cạnh tranh gay gắt với các DN nước ngoài ngay trên “sân nhà”, đặc biệt các sản phẩm nông sản, chăn nuôi là những đối tượng dễ bị “tổn thương” nếu không có sự chuẩn bị “dài hơi” trong quá trình hội nhập.

Hàng Việt nói chung và hàng hóa địa phương nói riêng cần đổi mới để cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đi đôi với việc xây dựng thương hiệu, chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất, đưa hàng hóa lưu thông ra thị trường, đến tay người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Hoàng Trung, phụ trách mảng dự án hỗ trợ DN chuyển đổi số của sàn thương mại điện tử Tiki cho biết, Đồng Nai là một thị trường tiềm năng, có vị trị gần với TP.HCM nên có nhiều điều kiện để phát triển thương mại điện tử. Trong đó, các mặt hàng có nhiều thế mạnh như các loại nông sản, trái cây sấy có tiềm năng đưa lên sàn thương mại điện tử.

Do đó, các DN, cơ sở sản xuất tại địa phương, nhất là các DN, cơ sở sản xuất nhỏ cần xây dựng kế hoạch phù hợp để từng bước có các kênh bán hàng online, phát triển các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử. Điều này sẽ giúp tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng trên cả nước, nhất là các đô thị lớn.

Nguồn: Báo Đồng Nai

In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu