Nông dân xã Xuân Đông (H.Cẩm Mỹ) thu hoạch bắp cải. Ảnh: H.Lộc
Các vùng trồng rau ở Cẩm Mỹ đều hình thành nên tổ hợp tác, hợp tác xã rau, chuyển từ quy trình trồng và chăm sóc truyền thống sang sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch, đáp ứng yêu cầu của khách hàng lớn.
Chính quyền và nhân dân cùng làm
Theo thống kê, trên địa bàn H.Cẩm Mỹ hiện có khoảng 30 ngàn ha cây trồng lâu năm, 23 ngàn ha cây trồng hằng năm. Vài năm trở lại đây, nhờ sự đầu tư của tỉnh, của địa phương, phát triển nông nghiệp quy mô lớn trở thành lợi thế của H.Cẩm Mỹ.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ cho biết, trên địa bàn huyện đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn như: vùng trồng cây lúa tại 2 xã Sông Ray, Xuân Tây; vùng trồng cây bắp tại các xã: Sông Ray, Xuân Tây, Xuân Đông, Thừa Đức; rau, củ, quả 2 tại xã Xuân Đông, Xuân Tây; cây sầu riêng tại các xã Xuân Bảo, Nhân Nghĩa; cây tiêu tại các xã: Lâm San, Sông Ray, Xuân Tây, Bảo Bình..., có 4 sản phẩm nông nghiệp được trao chứng nhận VietGAP, GlobalGAP gồm: chôm chôm, mãng cầu xiêm, hồ tiêu và sầu riêng. Đây là lợi thế để chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục đầu tư cho các sản phẩm cây, con chủ lực khác, trong đó có rau xanh.
Ngoài chính sách hỗ trợ về vốn, thủ tục, kết nối đầu ra của tỉnh, thời gian qua, H.Cẩm Mỹ đẩy mạnh đầu tư điện sản xuất, đường giao thông và kênh mương dẫn nước đến từng vùng sản xuất; tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi phù với điều kiện thổ nhưỡng từng xã; chủ động xây dựng cơ chế riêng cho từng loại sản phẩm, ở từng địa phương, làm cơ sở thực hiện đề án Mỗi xã một sản phẩm và chọn các cây trồng chủ lực của huyện. Từ đó, vận động nông dân liên kết tạo các mô hình sản xuất lớn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi mời gọi doanh nghiệp đầu tư công nghệ, giống mới vào nông nghiệp, tạo chuỗi liên kết trồng - chế biến - tiêu thụ, đem lại những sản phẩm an toàn cho xã hội và góp phần cải thiện thu nhập cho người dân.
Tại xã Xuân Đông, mô hình liên kết sản xuất lớn để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vài năm trở lại đây được quan tâm thực hiện. Ông Nguyễn Đình Hải, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Tây cho biết, địa phương có gần 200ha rau. Vừa qua, thông qua kết nối của chính quyền xã, một hợp tác xã tại TP.Long Khánh đã ký hợp đồng trồng và bao tiêu quả cà pháo cho người dân trên địa bàn xã với diện tích thử nghiệm 8ha và giá thu mua là 9 ngàn đồng/kg. “Đây là cơ sở để người dân an tâm đầu tư cho sản xuất sạch. Từ mô hình liên kết này cũng có thể nhân rộng ra đối với các loại rau, củ, quả thế mạnh của địa phương” - ông Hải cho hay.
Cũng theo ông Hải, hiện tại trên địa bàn xã đã thành lập được 4 hợp tác xã, mỗi ấp đều có tổ hợp tác rau. Năng suất rau của các hộ trong hợp tác xã, tổ hợp tác tốt hơn, đồng thời đầu ra cũng ổn định hơn do đảm bảo về chủng loại, số lượng và chất lượng đáp ứng được những đơn hàng lớn. Hầu hết các tổ hợp tác rau triển khai quy trình sản xuất theo hướng GAP đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường.
* Gia tăng lợi nhuận
Trước đây, trên các cánh đồng rau, người dân chỉ trồng được 1-2 lứa/năm, còn lại phải trồng các loại cây khác ít sử dụng nước tưới hơn như bắp, đậu phộng, mè. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, rau được trồng quanh năm mà không gặp trở ngại về nguồn nước. Hiệu quả sản xuất cũng vì thế được nâng cao.
Bà Đặng Thị Giảng (ấp 5, xã Xuân Tây) cho biết, trước đây bà thường luân phiên 2 vụ rau và 2 vụ bắp trên diện tích hơn 1,1ha, trung bình mỗi năm thu lợi được khoảng hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang chuyên canh các loại rau, nhờ hệ thống nước tưới đầy đủ, làm lưới che chắn sâu bệnh nên thu nhập tăng lên nhiều, năm 2019, lợi nhuận từ rau ước khoảng 350-400 triệu đồng.
Tương tự, anh Ngô Văn Long (ấp 5, xã Xuân Tây) cho biết, trước đây, đa số cây rau đều được trồng ở ngoài trời, không có hệ thống lưới che, nhà kính nên vào mùa mưa nhiều loại sâu bệnh tấn công làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cây rau. Từ khi sử dụng lưới chắn, kết hợp với bẫy côn trùng, tình trạng sâu bệnh giảm đến 50% mà không cần dùng đến thuốc trừ sâu, an toàn hơn hẳn. Với 5 sào đất trồng luân phiên bắp cải, rau cải muối dưa, trung bình mỗi năm anh Long thu lợi 100 triệu đồng.
Ông Đặng Văn Hoằng, thành viên Tổ hợp tác rau ấp 5, xã Xuân Tây cho biết, tuy chưa đạt chứng nhận VietGAP, nhưng, quy trình trồng và chăm sóc các loại rau ăn lá, củ quả tại tổ hợp tác khá tiệm cận với các tiêu chuẩn của GAP. Đó là sử dụng thân cây bắp, rơm rạ để ủ đất, vừa tơi xốp vừa tiết kiệm phân bón; quá trình chăm sóc có sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, tuy nhiên đã giảm rất nhiều và thực hiện cách ly theo khuyến cáo; nông dân địa phương tuyệt đối không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng. Do đó, các hợp tác xã, doanh nghiệp vẫn thu mua rau của nông dân Xuân Tây đưa vào siêu thị, bếp ăn tập thể và chế biến gia vị.
Toàn H.Cẩm Mỹ có hơn 2 ngàn ha cây rau, tập trung nhiều tại các xã Xuân Đông, Sông Ray, Xuân Tây. Những năm gần đây, do nắm vững quy trình phát triển của từng loại rau và áp dụng sản xuất rau an toàn, thường xuyên thay đổi cây trồng nên năng suất, lợi nhuận từ rau ngày càng tăng. Các ngành chức năng huyện đang khuyến cáo bà con nông dân cần chủ động theo dõi tình hình thời tiết để có biện pháp phòng ngừa sâu bệnh phù hợp. Đồng thời, có các phương án chủ động điều tiết nước để tránh tình trạng hạn hán xảy ra cho cây trồng khi bước vào cao điểm của mùa nắng nóng.
Nguồn: Báo Đồng Nai