ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
'Cuộc chơi' của sản phẩm chăn nuôi Việt
Đăng ngày: 15-02-2020 11:57
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Hiện nay, tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đã bày bán các loại thịt nhập khẩu từ các quốc gia như: Mỹ, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc... với giá bán rất cạnh tranh so với các sản phẩm chăn nuôi trong nước.

Các loại thịt trong nước sẽ ngày càng phải cạnh tranh với các loại thịt đông lạnh nhập khẩu trong bối cảnh hội nhập. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm thịt an toàn tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Phương
Các loại thịt trong nước sẽ ngày càng phải cạnh tranh với các loại thịt đông lạnh nhập khẩu trong bối cảnh hội nhập. Trong ảnh: Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm thịt an toàn tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Phương

* Thịt nhập khẩu ngày càng cạnh tranh

Theo Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại TP.Hồ Chí Minh, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đặc biệt với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các mặt hàng nông nghiệp trong nước có nhiều cơ hội phát triển. Tuy nhiên, tùy từng ngành, cơ hội này là khác nhau. Trong đó, với những sản phẩm chăn nuôi như thực phẩm: thịt bò, thịt gà... thì sản phẩm trong nước sẽ dễ bị cạnh tranh gay gắt ngay trên “sân nhà”.

Theo Phó giám đốc Sở Công thương LÊ VĂN LỘC, hiện nay, tổng đàn heo trong tỉnh đang có nhiều dấu hiệu hồi phục nên trên địa bàn tỉnh vẫn chưa cần tới phương án nhập khẩu thịt heo dự phòng khi thiếu hụt thịt heo trên thị trường.

Khi các FTA có hiệu lực, giá các loại thịt nhập khẩu dự kiến sẽ ngày càng giảm. Điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh gắt gao với các loại sản phẩm chăn nuôi trong nước. Do đó, các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước cần chủ động đảm bảo các cam kết về chất lượng, nhãn mác, xuất xứ... để cạnh tranh, phát triển thị trường.

 

Riêng đối với mặt hàng thịt heo, theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong 11 tháng của năm 2019, Việt Nam nhập khẩu hơn 111 ngàn tấn thịt heo, tăng 108% về lượng so với cùng kỳ năm 2018. Dự kiến, trong quý I-2020, Việt Nam sẽ cần nhập khẩu khoảng 100 ngàn tấn thịt heo để bù vào lượng thịt thiếu hụt.

Cơ cấu chủng loại thịt heo nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là thịt cốt-lết, thịt cắt miếng, chân giò, móng giò, xương... từ các nước có ngành chăn nuôi phát triển như: Ba Lan, Đức, Pháp, Mỹ, Hà Lan...

Năm 2019, có 600 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm. Trong đó, 150 doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo và sản phẩm thịt heo, tăng 50 doanh nghiệp so với năm 2018. Thịt heo nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam hiện đang chịu thuế nhập khẩu (MFN) với thịt đông lạnh là 10%, thịt tươi và ướp lạnh là 25%. Đối với các nước đã có ký kết FTA với Việt Nam như: Úc, New Zealand, Nhật Bản, Nga, Mexico..., mức thuế nhập khẩu vào khoảng từ 3-21%.

Theo khảo sát tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP.Biên Hòa như Lotte Mart Đồng Nai, MM Mega Market Biên Hòa, Co.opmart Biên Hòa... đang bán nhiều loại thịt gà, thịt bò, heo đông lạnh với giá rẻ hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại ở trong nước... Đơn cử, sườn non đông lạnh nhập khẩu có giá khoảng 129-179 ngàn đồng/kg, nạc vai bò Úc khoảng 270-370 ngàn đồng/kg, đùi tỏi gà đông lạnh từ Mỹ có giá từ 37,5-69 ngàn đồng/kg...

Ông Nguyễn Lê Cao Tuấn, Giám đốc Lotte Mart Đồng Nai cho biết, siêu thị đã triển khai việc nhập khẩu một số loại thịt đông lạnh từ Mỹ, Úc với giá cả ổn định, nhiều loại còn rẻ hơn thịt tươi trong nước từ khá lâu. Nguồn hàng từ các nhà cung cấp khá ổn định.

Tương tự, theo đại diện MM Mega Market Biên Hòa, siêu thị cũng bày bán song song các loại thịt đông lạnh từ các nước như Mỹ, Úc cùng với các loại thịt tươi trong nước. Ông Trang Phúc, Tổ trưởng Tổ Marketing Co.opmart Biên Hòa cho hay, khoảng 2 năm trở lại đây, siêu thị cũng bắt đầu kinh doanh các loại thịt bò đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ với giá “mềm” hơn giá thịt bò tươi trong nước.

* Doanh nghiệp trong nước cần chủ động

Theo nhiều chuyên gia, với hàng loạt FTA đã và đang sắp có hiệu lực, dự đoán “cuộc chiến” cạnh tranh về giá trong lĩnh vực chăn nuôi những năm tới sẽ còn rất khốc liệt và nếu không nhanh chóng thay đổi để rút ngắn khoảng cách về giá, doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh trên thị trường.

Do đó, các sản phẩm chăn nuôi trong nước cần ngày càng chú trọng nhãn mác, thương hiệu, đảm bảo những cam kết về chất lượng, giá cả để có thể phát triển nhiều kênh phân phối, cạnh tranh sòng phẳng với các loại thịt nhập khẩu chính ngạch từ Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Hà Lan...

Ông Đào Văn Cường, đại diện Công ty TNHH chế biến thực phẩm Anh Hoàng Thy (TP.Biên Hòa) cho biết, để cạnh tranh với các sản phẩm thịt nhập khẩu “đổ bộ” thị trường trong nước khi các FTA có hiệu lực, công ty sẽ xây dựng kế hoạch phát triển dựa trên việc đảm bảo nguồn nguyên liệu, công nghệ chăn nuôi, giết mổ đáp ứng các tiêu chuẩn theo hướng hội nhập. Từ đó, công ty sẽ chủ động phát triển các kênh phân phối sản phẩm, có phương án kết nối, ký hợp đồng ổn định với các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi...

Theo đại diện các siêu thị, trung tâm thương mại, hiện các sản phẩm thịt tươi trong nước vẫn có nhiều lợi thế hơn và được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn do tâm lý, thói quen thích sử dụng các loại thịt tươi. Ngoài ra, các mặt hàng thịt đông lạnh chưa đa dạng về các dòng sản phẩm; thịt đông lạnh sau khi rã đông thường được mua về chế biến sử dụng ngay nên các nhà phân phối thường khuyến cáo người tiêu dùng không nên tái cấp đông sau khi thịt đã được rã đông...          

Nguồn: Báo Đồng Nai

In nội dung
Món ngon Phú Hội (05/12/2019)
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu