Nhiều sản phẩm nông sản chưa đạt được độ đồng đều chất lượng nên khó bước chân vào hệ thống phân phối ngoại.
Ảnh: TL.
Nhiều trắc trở
Không phủ nhận, thời gian qua, nhà quản lý cũng như các DN đã nỗ lực trong việc xúc tiến đưa hàng hóa nội vào các hệ thống phân phối ngoại, trong đó phải kể đến hàng loạt các chương trình kết nối giữa hai khu vực DN trong nước và DN FDI được Bộ Công thương tổ chức. Chính bởi sự nỗ lực này, các nhà phân phối ngoại đã có những cam kết về việc thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa của DN Việt, đưa các sản phẩm hàng hóa Việt lên các kênh siêu thị của hệ thống phân phối ngoại.
Đơn cử, Central Group, MM Mega Market,… có cam kết mỗi năm xuất khẩu hàng chục triệu USD hàng hóa Việt. Hệ thống siêu thị AEON ký kết với các DN Việt tiêu thụ với tổng trị giá hàng hóa đạt 250 triệu USD/năm. Theo cam kết của AEON, đến năm 2020, giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam qua hệ thống phân phối này sẽ tăng lên 500 triệu USD và năm 2025 là 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, so với năng suất và sản lượng cũng như nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của chúng ta qua các kênh phân phối ngoại, những con số trên mới chỉ là con số nhỏ. Tiềm năng xuất khẩu hàng hóa tại chỗ của các DN Việt vẫn còn rất lớn. Vậy tại sao việc xuất khẩu tại chỗ của các DN Việt thông qua các kênh phân phối FDI lại gặp nhiều trắc trở như vậy? Trả lời câu hỏi này, các chuyên gia trong ngành cho rằng, nhiều sản phẩm của DN Việt hiện chưa đạt chất lượng cũng như các tiêu chuẩn khắt khe của những thị trường phát triển. Đặc biệt, các mặt hàng nông sản là thế mạnh của DN Việt Nam, song nhiều sản phẩm nông sản chưa đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng các nước so với những sản phẩm nông sản của các nước khác.
Đơn cử, xoài là một trái cây ngon của chúng ta và đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới, nhưng theo nhận định của người tiêu dùng Thái Lan, nếu so với trái xoài của Philippines và xoài của chính người Thái thì vị ngọt vẫn kém xa và độ ngon đồng đều là chưa đạt được. Không chỉ sản phẩm xoài, nhiều mặt hàng nông sản khác cũng chưa chinh phục được hoàn toàn người tiêu dùng Thái vì sự không đồng đều ở chất lượng…
Bên cạnh đó, mẫu mã bao bì của hàng hóa Việt cũng là một điểm yếu. Theo ông Nich Reitmeier, đại diện Central Group Thái Lan, hiện tại, người tiêu dùng Thái Lan khá quan tâm đến các loại sản phẩm hàng hóa đến từ Việt Nam, họ đánh giá khá cao về chất lượng hàng Việt (ở mức 8/10 điểm cho nhiều sản phẩm), nhưng cái mà người Thái không cảm thấy hài lòng là mẫu mã, bao bì quá đơn giản khiến họ có tâm lý kém tin tưởng vào chất lượng sản phẩm bên trong.
Sản xuất sạch và am hiểu thị trường
Nhiều chuyên gia lĩnh vực bán lẻ cũng thừa nhận, nông sản Việt khó cạnh tranh trên thị trường thế giới là do mẫu mã, bao bì sản phẩm còn đơn điệu, thiếu sáng tạo, hoặc chưa có tính thẩm mỹ. Khảo sát tại hệ thống các siêu thị, dễ dàng nhận thấy kiểu dáng, bao bì của hàng Việt thua hàng Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc rất nhiều.
Ở khía cạnh khác, đại diện hệ thống siêu thị AEON của Nhật Bản, ông Yasuo Nishitoghe - Tổng giám đốc AEON Việt Nam cũng cho rằng, xuất khẩu hàng hóa qua kênh bán lẻ hiện đại không đơn giản. Muốn thâm nhập hay chinh phục thị trường tiêu dùng nước ngoài, DN Việt Nam phải tuân thủ quy định ở tất cả các giai đoạn từ nuôi trồng, sản xuất, phân phối theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn chuyên ngành, tiêu chuẩn các hệ thống phân phối.
Nêu quan điểm của mình về vấn đề này, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN cho rằng, điểm yếu lớn nhất của các DN Việt chính là sự am hiểu nhu cầu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng về sản phẩm. Theo bà Hạnh, các DN chưa tìm hiểu kỹ những thị hiếu của thị trường mình đeo đuổi. Bên cạnh đó, hầu hết các DN Việt chưa có chiến lược cụ thể và chưa hiểu rõ về nhu cầu thị trường đang hướng tới.
Giới chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, để có thể chinh phục được các hệ thống phân phối ngoại cũng như chinh phục người tiêu dùng quốc tế, vấn đề gốc rễ là phải hướng tới nền sản xuất sạch. Do đó, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh việc xây dựng và tạo lập một nền nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm là hàng hóa xuất khẩu đủ tiêu chuẩn quốc tế. Kèm theo đó là các chính sách tư vấn cho người nông dân, nhà sản xuất những kỹ thuật, các quy định, yêu cầu về quy chuẩn quốc tế để nhà sản xuất có thể đảm bảo được yêu cầu về chất lượng hàng hóa, độ an toàn vệ sinh thực phẩm ngay từ khâu đầu tiên.
(Theo Báo Đại Đoàn kết)