ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954- 7/5/2019): Thiên sử vàng thế kỷ XX và bài học vô giá hôm nay
Đăng ngày: 07-05-2019 12:14
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Cách đây 65 năm, ngày 7-5-1954, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã buộcThực dân Pháp đầu hàng vô điều kiện, ký Hiệp định Giơnevơ rút quân về nước, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng đi lên chủ nghĩa xã hội, tạo nền tảng hậu phương vững chắc để 21 năm sau, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một dải.
Những chàng trai mười tám, đôi mươi ngày ấy giờ đã trở thành các cụ già, những cựu chiến binh (CCB) chân yếu, mắt mờ nhưng khi nhớ về trận Điện Biên Phủ năm xưa, họ vẫn nhớ rõ kỷ niệm những ngày gian khó “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, góp nhiều công sức làm nên Thiên sử vàng của thế kỷ XX cũng như bài học vô giá hôm nay.

Ký ức không quên

Câu chuyện giữa chúng tôi với CCB Chu Ngọc Tân, 89 tuổi (KP1, Thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) liên tục bị ngắt quãng bởi sự xúc động khi nhớ về những đồng đội hy sinh trong chiến dịch giải phóng Điện Biên của những ngày tháng 5 lịch sử 65 năm về trước. Ông Tân kể lại, vào thời điểm những năm 50 (Thế kỷ XX), thực dân Pháp tăng cường các biện pháp càn quét, lấn chiếm vùng hậu phương liên khu 3, 4 nhằm  dựng nên các “vành đai trắng” ngăn sự tiếp xúc cách mạng với hậu phương. Lúc đó có rất nhiều đoàn bộ đội ghé qua làng, nhìn các anh oai phong hùng dũng, tôi rất muốn được vào bộ đội, góp phần công sức cho cuộc đánh xâm lược.

IMG_5431.JPG 
 
CCB Lê Thiếu Lang giới thiệu tấm hình KN Điện Biên Phủ 65 năm về trước

Ước mơ của ông Tân trở thành hiện thực khi được nhập ngũ vào Trung đoàn 330 thuộc Đại đoàn 312, trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Tân nói: “Lúc đó, tôi chưa biết cầm súng như thế nào, cũng không biết vào đơn vị mình sẽ làm gì, nhưng được các đồng chí chỉ huy hướng dẫn và được bổ sung làm nhiều công việc khác nhau từ cấp dưỡng, hậu cần đến trực tiếp cầm súng đánh quân thù rồi cũng quen và hòa nhịp cùng đồng đội”.

Ông Tân nói: “Chiến thắng Điện Biên Phủ bắt đầu ngày 13-3 đến 7-5-1954 là thời khắc mà chúng tôi phải sẻ chia với nhau từng củ mì, từng miếng cháo loãng nhưng trên hết là tinh thần quyết tâm để giải phóng Điện Biên. Nhìn nhiều đồng đội của tôi vừa trò chuyện nhưng đã hy sinh ngay trên chiến hào, không kịp chứng kiến giờ phút thiêng liêng 17 giờ ngày 7-5-1954, khi ta bắt sống Tướng Đờ cát Xtơri…Sau thắng lợi này, chúng tôi vinh dự được gặp Bác Hồ, bác cùng ngồi ăn củ mì với chúng tôi và tôi còn vinh dự hai lần được Bác Hồ trực tiếp gắn Huy hiệu Chiến thắng Điện Biên và Kỷ niệm kháng chiến chống Pháp”. CCB Chu Ngọc Tân khoe chiếc Huy hiệu, chia sẻ: “65 năm qua dù tôi ở đâu thì 2 kỷ vật này vẫn gắn bó và theo tôi đến đó. Đơn vị nhiều người nhưng không phải ai cũng được Bác Hồ trực tiếp gắn Huy hiệu”.

Tại Ấp 2, xã Sông Trầu (Trảng Bom), chàng trai hào hoa Hà Thành Lê Văn Mậu 65 năm về trước trực tiếp tham gia trận Điện Biên Phủ giờ đã là một CCB với 86 tuổi đời 66 năm tuổi Đảng, Trưởng ban liên lạc CCB Điện Biên Phủ huyện Trảng Bom. Chia sẻ câu chuyện kháng chiến, ông Mậu kể, gian khổ, ác liệt, hy sinh là vậy nhưng tinh thần quyết tâm phải chiến thắng giặc cao hơn hết thảy. “Khi nghe phương châm chỉ đạo của Tổng tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp về đánh Điện Biên Phủ, anh em chúng tôi mừng vui vì đây là trận cuối cùng quyết định số phận quân Pháp nên tinh thần quyết tâm phải thắng giặc lúc đó cao lắm”, ông Mậu nói.

Sau giải phóng Điện Biên, ông Mậu được biên chế về Đại đội 46, Tiểu đoàn 36, Đoàn Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ trong giai đoạn 1960-1964. Mỗi năm nhắc nhớ về Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông luôn nhớ về đồng chí, đồng đội, đặc biệt là những CCB Điện Biên Phủ còn sống hôm nay.

IMG_5468.JPG 
 
CCB Chu Ngọc Tân giới thiệu huy hiệu được Bác Hồ trao tặng

Tại căn nhà nằm gọn trong con hẻm của phường Long Bình Tân, CCB Lê Thiếu Lang, Trưởng ban liên lạc CCB Điện Biên Phủ tỉnh Đồng Nai, nguyên Chính trị viên Trung đoàn Sơn pháo 675 thuộc Đại đoàn Công pháo 351 trực tiếp tiêu diệt các trận địa pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ nhớ lại: “Lúc đó, tôi còn là một chiến sĩ trẻ, được trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là một may mắn lớn vì đã 9 năm chống thực dân Pháp rồi. Lúc này, chiến sĩ ai cũng mong vào trận quyết chiến cuối cùng để đuổi thực dân đế quốc ra khỏi đất nước”.

Lần mở những kỷ niệm của một thời trận mạc cùng bức ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, CCB Lê Thiếu Lang cho biết: “Vào đúng 17 giờ ngày 13-3-1954, Đại đoàn Công pháo 351 của Quân đội ta phát hỏa tấn công cứ điểm Him Lam- cánh cửa mở vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cũng là đợt mở đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ. 56 ngày sau cũng vào 17 giờ ngày 7-5-1954, Tướng Đờ cát Xtơri và toàn bộ Bộ tham mưu của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống; lá cờ Quyết chiến, quyết thắng của chúng tôi tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy địch, báo hiệu kết thúc thắng lợi cho những người lính xuất thân nông dân cày ruộng chúng tôi”…

Bài học vô giá

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ diễn ra từ ngày 13-3-1954 và kết thúc vào chiều 7-5-1954, trải qua 3 đợt tiến công lớn vào các vị trí của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thực dân Pháp đã xây dựng nơi đây thành tập đoàn mạnh “con hùm xám Tây Bắc” với 16.200 tên, 1 thiếu tướng, 49 sĩ quan cao cấp cùng nhiều chỉ huy, chuyên gia quân sự… nhằm biến Điện Biên Phủ thành “máy nghiền nát bộ đội Việt Minh”. Nhưng với tinh thần yêu nước, ý chí quả cảm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và sự chỉ huy trực tiếp của Tổng tư lệnh mặt trận Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân dân ta đã dành thắng lợi, đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống Tướng Đờ cát Xtơri, buộc thực dân pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, rút quân về nước.

Nhớ lại những kỷ niệm Điện Biên năm xưa, CCB Trần Ngọc Dậu, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 312 chia sẻ, ngày đó ai cũng trẻ và hừng hực ý chí đánh thắng quân thù. Dù biết rằng để chuyển được quân, lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn pháo rất gian nan trong khi trang bị của bộ đội ngày đó chỉ có sức người, không máy móc hiện đại, nhưng mọi người đều hăng hái lên đường nên đã làm nên Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Sau thắng lợi của Điện Biên, các CCB Lê Thiếu Lang, Trần Ngọc Dậu, Lê Văn Mậu, Nguyễn Quốc Thi, Chu Ngọc Tân cùng nhiều CCB có thành tích đã vinh dự được gặp mặt Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp; nhiều CCB còn vinh dự được gặp Bác Hồ, được Bác gắn huy hiệu như CCB Chu Ngọc Tân…

IMG_5475.JPG 
 
CCB Lê Văn Mậu kể kỷ niệm bảo vệ Bác Hồ

Đại tá Trần Văn Khương, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh nhìn nhận, 65 năm đã đi qua nhưng dấu son Điện Biên Phủ vẫn mãi mãi là “vành hoa đỏ, thiên sử vàng” trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, là bài học vô giá trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Đại tá Khương nhấn mạnh: “Thực tế lịch sử đã chứng minh, tiếp nối Chiến thắng Điện Biên Phủ, dân tộc ta đã viết tiếp bản anh hùng ca thời đại Hồ Chí Minh, lập công hiển hách Điện Biên Phủ trên không 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và tiếp tục thành công trong hơn 30 năm đổi mới đất nước. Qua đó cho thấy, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã gìn giữ, kế thừa và phát huy xứng đáng truyền thống Điện Biên Phủ hào hùng 65 năm về trước”.

IMG_5506.jpg 
 
CCB Trần Ngọc Dậu (giữa) kể về kỷ niệm thời ĐBP

Theo Đại tá Trần Văn Khương, kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta cùng nhắc nhớ những câu chuyện lịch sử, những bài học vô giá của tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” Điện Biên Phủ năm xưa, chúng ta càng tự hào về Đảng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về dân tộc anh hùng với quân đội nhân dân Việt Nam “bách chiến, bách thắng” đã biết dựa vào dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng để làm nên những chiến công vang dội cả thời chiến và thời bình. Đồng thời thể hiện rõ sự tri ân đối với những người con đã anh dũng hy sinh, những người đã góp sức cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng đất nước hôm nay.

9 năm kháng chiến chống Thực dân Pháp (1946-1954) kết thúc bằng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt; máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn” để làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”- tạo đà cho 21 năm sau, cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui chiến thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc hơn 10 ngàn ngày gian khổ./.

Vĩnh Hà

 
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu