ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Vĩnh biệt Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh: Vị tướng giản dị nghĩa tình trong lòng đồng đội
Đăng ngày: 03-05-2019 06:59
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Những ngày này, cả dân tộc hòa chung niềm tiếc thương vô hạn khi hay tin nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh về với thế giới người hiền. Niềm tiếc thương đó đối với các vị tướng, tá quân đội- những người đã một thời cùng làm việc với đại tướng cũng như vinh dự được đón tiếp, nghe lời chỉ dạy của Đại tướng càng xúc động bàng hoàng, trống trải khi mất đi một vị tướng tài ba nhưng vô cùng giản dị, nghĩa tình với đồng chí, đồng đội.
Vị tướng với những quyết định chính xác

Ở cái tuổi “Thất thập cổ lai hy” nhưng khi nghe tin dữ về Đại tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Lê Nam Phong bàng hoàng xúc động. Trung tướng Lê Nam Phong kể, sau chiến thắng Phước Long, Quân đoàn 4 phải xử lý nhiều nhiệm vụ phức tạp đặt ra, vừa tham gia chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng, tạo thế trận tiến công Sài Gòn- Gia Định. Ngày 4-3-1975, quân ta bắt đầu chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu cuộc tổng tiến công mùa Xuân 1975. Bấy giờ Sư đoàn 7 do Trung tướng Lê Nam Phong chỉ huy phối hợp với Quân khu 7, Quân khu 6 chuẩn bị đánh chiếm Chi khu Định Quán sau đó chuyển sang hướng đông, chuẩn bị tiến công “cánh cửa thép” Xuân Lộc.

Ngày 5-3-1975, đồng chí Lê Đức Anh, Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam trực tiếp giao nhiệm vụ cho Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 7 tại căn cứ Đồng Xoài. Đại tướng yêu cầu Sư đoàn khẩn chương mở mặt trận mới ở đông bắc Sài Gòn nhằm đánh chiếm Định Quán, giải phóng đường 20 và tỉnh Lâm Đồng. Trung tướng Lê Nam Phong cho biết: “Trước khi chính thức giao nhiệm vụ, anh gặp tôi và hỏi: “Tình hình, khả năng cơ động, chiến đấu của Sư đoàn thế nào? Nếu thay đổi mục tiêu có chắc thắng không?”. Tôi quả quyết: “Anh yên tâm, nhất định chúng tôi sẽ chiến thắng, nhưng đề nghị anh bổ sung phương tiện, cơ giới cho chúng tôi mới kịp thời gian hành quân tác chiến”. Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam gật đầu: “Được, tôi tin tưởng ở anh”. Ngay lập tức trong hội nghị quân chính triển khai nhiệm vụ, đồng chí Lê Đức Anh đã quyết định ngay cho Sư đoàn 7 nhận thêm 35 xe ô tô để cơ động lực lượng.

acc8d8c76fc98a97d3d8.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai (thứ 2 từ trái qua) và Trung tướng Lê Nam Phong (thứ 2 từ phải qua) 

chụp hình với nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh về thăm Đại học Nguyễn Huệ

Trung tướng Lê Nam Phong nhớ lại, một lần khác vào khoảng cuối năm 1983, khi tôi nhận lệnh của Bộ Quốc phòng về Mặt trận 719 (Tiền phương Bộ Quốc phòng) ở Campuchia- nơi trước đây tướng Phong đã từng tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam. Tới Bộ chỉ huy Quân tình nguyện, tôi được gặp đồng chí Lê Đức Anh lúc đó là Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam. “Vừa thấy tôi, Tư lệnh Lê Đức Anh đứng dậy tươi cười: “Cậu trở lại đây thì khác gì về nhà”. Ngồi xuống ghế trò chuyện, Tư lệnh nhắc tôi: “Bây giờ không như thời chống Mỹ, mình làm nhiệm vụ quốc tế cao cả nên phải xử lý rất khéo trong mọi mối quan hệ; xây dựng láng giềng đoàn kết bền vững. Tôi tin ở kinh nghiệm và sự năng động của đồng chí. Nhất định chúng ta sẽ lập công nhiều hơn nữa!”. Lời nhắc nhở và niềm tin của anh không những cổ vũ tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn theo suốt đời quân ngũ của mình” Tướng Phong kể.

Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai, nguyên Chính ủy Trường Đại học Nguyễn Huệ cho hay, cuộc đời binh nghiệp của ông có may mắn được làm việc, gặp gỡ nhiều lần với Đại tướng Lê Đức Anh, kể từ khi xây dựng quân đội khó khăn mà Đại tướng Lê Đức Anh làm bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho đến khi ông giữ cương vị Chủ tịch nước. Tướng Khai nhấn mạnh: “Nhờ những nỗ lực cá nhân và tài ngoại giao khéo léo, Đại tướng, chủ tịch nước Lê Đức Anh đã giúp thế giới nhìn nhận rõ bản chất của thảm họa diệt chủng mà tập đoàn Pôn Pốt gây ra và hiểu rõ hơn, trong lúc cả dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, gian khổ nhưng với nghĩa tình anh em, Việt Nam đã giúp đỡ để nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng mà dân tộc Campuchia vẫn gọi bộ đội Việt Nam là đội quân nhà Phật”...

Sau này, nhiều lần về thăm, làm việc với Trường Đại học Nguyễn Huệ, Đại tướng Lê Đức Anh luôn quan tâm việc giáo dục đào tạo, nâng chất lượng đội ngũ cán bộ sĩ quan, nhất là phương pháp quản lý, giáo dục bộ đội. Đại tướng Lê Đức Anh đã để lại nhiều tình cảm tốt đẹp, nhiều lời dạy chí tình cho cán bộ giảng viên và học viên Trường SQLQ 2 (Đại học Nguyễn Huệ hôm nay).

IMG_4688.JPG
Đại tướng Lê Đức Anh với lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Quân khu 7

Trung tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7 vẫn nhớ như in những lần được làm việc cùng đại tướng hoặc gần nhất là đến chúc thọ đại tướng. “Dù tuổi cao, sức yếu nhưng Đại tướng vẫn căn dặn phải quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ sĩ quan chuẩn mực về đạo đức, phong cách, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ trên trận địa mới”, Trung tướng Võ Minh Lương nói.

Vị tướng giản dị, nghĩa tình

Là người may mắn được làm trợ lý khá lâu cho Đại tướng, Đại tá Khuất Biên Hòa vẫn nhớ rõ phong cách giản dị, nghĩa tình, không vị tình riêng của bác Sáu Nam (Đại tướng Lê Đức Anh). Nhớ về những năm tháng làm việc cùng Đại tướng, ông Hòa xúc động kể: “Phong cách của Đại tướng rất giản dị. Ông hay mặc bộ quần áo Tô Châu màu rêu đã sờn cũ, mùa đông thì thêm chiếc áo len bên trong, khoác chiếc áo bông của quân đội phát. Khi có ngày lễ quan trọng hoặc có đồng chí cán bộ của Trung ương sang làm việc hay thăm hỏi, trước đó 15 phút, ông nói công vụ lấy bộ comple để ông mặc. Sau đó, ông ngồi đón khách trước giờ hẹn 5 phút”.

IMG_4678.jpg
Đại tá Khuất Biên Hòa với nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh (Ảnh nhân vật cung cấp)

Đại tá Hòa chia sẻ, là nguyên thủ quốc gia, lại có đời sống giản dị, đời thường, quan tâm chia sẻ với nhiều người khó khăn, Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh dành nhiều thời gian đi cơ sở, ông đã phát hiện ra một tình trạng khá phổ biến, đó là nhiều bà mẹ có con đi chiến đấu hy sinh, bản thân mẹ nghèo đói. Ông hỏi cán bộ địa phương thì nhận câu trả lời vì trên không có chủ trương nên địa phương không biết làm cách nào. Đại tướng đến tận phường, xã hỏi có bao nhiêu người vợ, người mẹ liệt sĩ thiếu đói và nhiều người vợ, người mẹ có chồng, con, hy sinh cho Tổ quốc nhưng lâu nay không được ai chăm sóc.

Từ những cuộc gặp gỡ, thăm hỏi ấy đã cho ông cảm nhận: Đời sống vật chất tuy thiếu thốn những các mẹ, các vợ liệt sĩ vẫn chịu được, nhưng nỗi khổ về tinh thần, sự cô đơn giữa cộng đồng không ai chịu nổi. Trở về Hà Nội, họp Bộ Chính trị, ông đã đề xuất việc phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Ông cho rằng, đối với sự chịu đựng và hy sinh cho Tổ quốc mà các mẹ phải chịu thì việc làm này là quá muộn, nhiều mẹ đã không còn nữa nhưng muộn còn hơn không.

Được Bộ Chính trị đồng ý, ngày 10-9-1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Lệnh (số 36L/CTN)- công bố Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng. Ngày 1-12-1994, Đảng và Nhà nước tổ chức trọng thể lễ phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đợt 1 tại Hà Nội.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp đón và cùng các mẹ duyệt hàng quân danh dự trong khuôn viên Phủ Chủ tịch. Trong khung cảnh đó, nhiều mẹ đã xúc động nghẹn ngào. Đi bên các mẹ, Chủ tịch nước Lê Đức Anh không giấu nổi tình cảm của mình, nước mắt ông chảy dài trên má. Sau các đợt phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cả nước dấy lên phong trào nuôi dưỡng suốt đời các mẹ còn sống. Từ đó, phong trào phát triển lên, nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp, cơ quan xây tặng nhà tình nghĩa, giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình chính sách, thương, bệnh binh, người có công cách mạng...Đại tá Khuất Biên Hòa tự hào khẳng định: “Đại tướng Lê Đức Anh là người thiết kế, xây dựng nên một không khí, nếp sống nhân văn của xã hội, của cộng đồng Việt Nam. Điều đó cũng xuất phát tự đức tính giản dị, giàu lòng nhân ái và vô cùng trong sáng của con người Đại tướng”./.

Vĩnh Hà

 
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu