Vẫn còn nhiều khó khăn
Trong điều kiện phát triển mạnh của
các loại thị trường kinh doanh từ truyền thống đến hiện đại, người tiêu dùng có
nhiều sự lựa chọn như mua sắm trực tiếp, trực tuyến hoặc nhắc điện thoại alo có
người giao hàng nhanh. Thuận lợi thấy rõ nhưng không phải tất cả các dịch vụ cũng
như hàng hóa mà người tiêu dùng mua sắm đều đảm bảo chất lượng; đã có không ít
trường hợp “dở khóc, dở cười” khi mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng mà không
thể hoặc rất khó đổi trả, nhất là với những trường hợp mua sắm online, trực tuyến.
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung trao đổi về
Cuộc vận động 264
Chị Nguyễn Thị Thu Hà, phường
Quang Vinh cho hay, có lần chị đã đặt mua hai bộ đồ công sở thông qua shop
Luxury. Trước khi quảng bá, shop bán hàng đều cam kết sẽ đổi trả ngay cho khách
hàng trong vòng 10 ngày. “Khi tôi nhận hàng về không đúng với mẫu mã và màu sắc
đã đặt, tôi liên hệ theo số điện thoại lần đầu được hứa sẽ có nhân viên gọi và
trao đổi. Tôi cũng đã gửi lại hàng để được đổi mẫu đúng như đã đặt ban đầu. Kết
quả shop mang thương hiệu thời trang Luxury im và cắt liên lạc luôn”.
Đây cũng là tâm sự của nhiều khách
khi mua phải hàng không với quy cách đã định, lúc hỏi đổi trả thật sự khó khăn
hoặc giống trường hợp trên vừa mất hàng vừa không được hồi âm. Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo
vệ người tiêu dùng Đồng Nai Phạm Gia Hải cho hay, trong năm 2018 có khoảng 30%
lượt khiếu nại, thắc mắc của người tiêu dùng gửi đến Hội liên quan đến những vấn
đề về mua hàng trực tuyến. Trong đó, tập trung vào các vấn đề như: chất lượng,
mẫu mã không đúng như quảng cáo; sản phẩm không rõ nguồn gốc; giao hàng thiếu
hóa đơn; giao hàng chậm, mập mờ về giá cả…
Cũng theo ông Hải, thực tế hoạt động kinh
doanh trực tuyến trên mạng mang lại nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng, cũng
như đa dạng các kênh phân phối, quảng bá sản phẩm cho người sản xuất. Tuy
nhiên, cũng vì thế mà việc xác minh, truy xuất nguồn gốc hàng hóa gặp nhiều khó
khăn…
Tuyên truyền nâng ý thức “tự hào hàng Việt”
Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,
một trong những giải pháp thiết thực phải tuyên truyền, nâng nhận thức “tự hào
hàng Việt” cho người dân, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền Cuộc vận động “Người
Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trật Tổ quốc
(MTTQ) Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung cho hay, kết quả khảo sát việc sử dụng hàng
Việt gần đây cho thấy, phần lớn người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đều quan tâm đến
chất lượng sản phẩm, giá cả hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, độ an toàn sản phẩm đối
với sức khỏe…
Lãnh đạo Vụ Thị trường (Bộ Công thương) và thành viên Ban chỉ đạo 264 tỉnh kiểm tra
tình hình kinh doanh tại chợ Long Thành
Thực tế thời gian qua, Đồng Nai đã
tổ chức cho 384 lượt doanh nghiệp đưa 30 chuyến hàng Việt về các khu công nghiệp
(KCN), khu nhà trọ- nơi có đông người lao động sinh sống, thu hút trên 100,7 ngàn
lượt khách đến tham quan, mua sắm, doanh thu bán hàng đạt 4,6 tỷ đồng; phối hợp
tổ chức 57 hội chợ triển lãm, thu hút trên 500 ngàn lượt người đến tham quan,
mua sắm, doanh thu khoảng 49,5 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 6 điểm bán hàng Việt với
tên gọi “Tự hào hàng Việt”…
Tỉnh còn chú trọng đưa các chuyến
hàng Việt về nông thôn đã góp phần tuyên truyền, tạo điều kiện cho người dân tiếp
cận với chất lượng, nguồn gốc, mẫu mã sản phẩm cũng như khảo sát giá cả để tham
quan, mua sắm; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước nắm bắt nhu cầu, thị hiếu
của người tiêu dùng khu vực nông thôn, qua đó, kết nối với các nhà phân phối tại
địa phương để hợp tác phân phối sản phẩm, từng bước hình thành mạng lưới phân
phối hàng Việt trên địa bàn. Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên
dùng hàng Việt Nam” (Ban chỉ đạo 264) tỉnh phối hợp tổ chức gian hàng tại Hội chợ
hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018, khen thưởng biểu dương 10 doanh nghiệp có
sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng…
Phó chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ
Đình Trung nhìn nhận, trong năm 2018, Ban chỉ đạo 264 của tỉnh đã phối hợp tuyên
truyền đến hơn 5 triệu lượt người; các cơ quan báo chí trong tỉnh đã đăng tải
trên 740 tin, bài tuyên truyền về CVĐ trên các chuyên trang, chuyên mục, góp phần
nâng nhận thức và tác động to lớn vào kết quả. Ông Trung nhấn mạnh: “Chỉ riêng
nhiệm vụ xây dựng thêm 6 điểm bán hàng Việt tại các huyện: Tân Phú, Định Quán,
Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” theo Đề án Phát triển
thị trường trong nước gắn với CVĐ giai đoạn 2014-2020 đã đạt 300% so kế hoạch”.
Cũng theo Phó chủ tịch MTTQ Việt
Nam tỉnh Vũ Đình Trung, ngoài những kết quả đạt được, việc triển khai CVĐ trên địa
bàn còn có những điểm chưa đồng bộ giữa các ngành, địa phương, cơ sở. Một số nơi
triển khai thực hiện CVĐ còn mang tính riêng lẻ, độc lập, thiếu sự gắn kết nên chưa
phát huy được thế mạnh của các địa phương trong toàn tỉnh. Mặt khác, đa số các
doanh nghiệp Việt đều là loại hình sản xuất vừa, nhỏ nên còn hạn chế trong xây
dựng chiến lược phát triển lâu dài, tính cạnh tranh chưa cao, nhất là trong xu
thế hội nhập hiện nay…
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung cho biết, năm
2019 Ban chỉ đạo 264 tỉnh sẽ tập trung tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động;
rút ra những bài học kinh nghiệm, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nội dung cuộc
vận động đến với người tiêu dùng; phối hợp với các ngành chức năng rà soát lại
các quy định pháp luật, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng luôn tự hào hàng
Việt và doanh nghiệp khi sản xuất kinh doanh phải chú trọng nâng chất sản phẩm,
có kế hoạch PR sản phẩm để đưa đến với người tiêu dùng sản phẩm có chất lượng.
Vĩnh Hà