ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Hàng Việt nỗ lực chinh phục người tiêu dùng
Đăng ngày: 22-10-2018 02:52
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã và đang ngày càng phát huy những kết quả tích cực. Cuộc vận động không chỉ đẩy mạnh niềm tin của người tiêu dùng Việt đối với hàng Việt mà còn tạo động lực để doanh nghiệp (DN) chủ động xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, uy tín. Và đó chính là nền tảng để DN Việt có thể vững tin hội nhập.


 

Người V​iệt ngày càng tin vào các sản phẩm do DN Việt sản xuất.

Người tiêu dùng chú trọng lựa chọn sản phẩm Việt

Trải qua một chặng đường khá dài, gần 1 thập kỷ, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã làm thay đổi rất lớn tâm lý, thói quen sử dụng hàng hóa của người tiêu dùng Việt Nam. Theo khảo sát, một trong những nhóm ngành hàng Việt được người tiêu dùng thường xuyên mua sắm và thích sử dụng nhất chính là ngành hàng thời trang.

Chị Nguyễn Hồng Mai, chủ một shop ở phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội) cho biết, chị mở shop thời trang “Made in Việt Nam” từ 5 năm nay và cửa hàng rất đắt khách. Số lượng người đến mua sắm quần áo nhãn hiệu “Made in Việt Nam” ngày càng gia tăng. Không chỉ đến cửa hàng, nhiều người còn đặt hàng online và hoàn toàn tin tưởng sản phẩm khi nhận qua shipper” – chị Mai cho biết.

Bà Hoàng Thu Oanh, người tiêu dùng ở phố Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, nếu như trước đây, bà thường mua hàng may mặc không rõ nguồn gốc xuất xứ do giá rẻ, thì nay, tư duy này đã thay đổi vì hàng hóa của DN Việt có rất nhiều thương hiệu tốt mà giá cạnh tranh như M2, May 10, Gen Việt… “Các hãng thời trang của Việt Nam ngày càng có sự cải tiến về mẫu mã, chất lượng sản phẩm và một điểm quan trọng nữa là giá cũng rất dễ chịu”- bà Oanh chia sẻ.

Nhiều người tiêu dùng khi được hỏi cũng đều cho hay, chủ yếu sẽ lựa chọn hàng hóa của các DN may mặc trong nước, vì thực tế, hàng Việt đẹp và hợp “gu” của người Việt hơn các sản phẩm đến từ những nước khác.

Có thể thấy, những chia sẻ của người tiêu dùng Việt là những tín hiệu lạc quan lớn cho các DN trong nước có thêm động lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, uy tín trên thị trường, điều này càng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập, hàng hóa nước ngoài tràn vào trong nước mạnh mẽ như hiện nay.

Nỗ lực của doanh nghiệp

Nói về Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, ông Nguyễn Hải Đường- Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP M2 cho rằng, Cuộc vận động đã có một ý nghĩa rất lớn trong việc thay đổi tâm lý tiêu dùng của người Việt thời gian qua, nhưng quan trọng hơn, Cuộc vận động còn tạo động lực để các DN trong nước chú trọng xây dựng thương hiệu, nâng cao uy tín của mình trên thị trường.

“Chúng tôi đã và đang đồng hành cùng Chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong nhiều năm qua. Và có một điều tôi chắc chắn rằng, không chỉ M2 mà nhiều DN Việt khác luôn mong muốn, không chỉ người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam mà người nước ngoài cũng thích tiêu dùng hàng Việt. Muốn vậy, DN cần làm ra sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng để từ đó gây dựng được niềm tin của người tiêu dùng”- ông Đường nhấn mạnh và cho biết thêm, trước áp lực của các sản phẩm nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam ngày càng nhiều, DN của ông cũng như các DN Việt khác cần phải luôn có những ý tưởng mới đồng thời có cung cách phục vụ tốt để có thể giữ được niềm tin của người tiêu dùng một cách bền vững.

Tâm tư của vị chủ DN Hãng thời trang M2 cũng là tâm tư của hầu hết các chủ DN Việt hiện nay. Theo ông Mạc Quốc Anh- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, hàng Việt muốn giữ vững được thị trường cũng như giữ được niềm tin của người tiêu dùng là cả một sự cố gắng rất lớn. Nếu DN Việt không coi trọng xây dựng thương hiệu, chữ tín, có tư duy “ăn xổi” thì sẽ không thể phát triển bền vững cũng như không thể khiến người tiêu dùng tin tưởng vào hàng hóa nước nhà.

“Tôi cho rằng, để có thể giữ được niềm tin của người tiêu dùng trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, doanh nghiệp không nên lơ là và cần có chiến lược xây dựng thương hiệu. Doanh nghiệp cần chuyển dần cạnh tranh về giá sang phương thức cạnh tranh phi giá như tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã, dịch vụ sau bán hàng, các giá trị gia tăng”- ông Mạc Quốc Anh nêu quan điểm và cho biết thêm, Hiệp hội cũng như bản thân doanh nghiệp trong thời gian tới, cần chủ động hợp tác, xây dựng chuỗi sản xuất, để cố gắng đưa các sản phẩm tiêu dùng nội địa của Việt Nam, với chất lượng tốt tới tay người dân.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, bà Lê Việt Nga- Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) khẳng định, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ngày càng phát huy những hiệu quả tích cực khi thay đổi tâm lý mua sắm của đại đa số người tiêu dùng Việt, đồng thời tạo sức bật mới cho cộng đồng DN trong nước, hướng đến giữ vững “sân nhà”.

Bà Nga khuyến cáo: “Muốn nắm vững thị trường nội địa, bản thân mỗi doanh nhân đã phải bán hàng tốt nếu như muốn chiếm lĩnh thị trường và phát triển DN, và đặt ra yêu cầu mỗi người phải có kiến thức, phải nắm được thị trường, phải biết gặp ai, đi đâu, làm gì để kết nối. Song song với đó, các DN cần nỗ lực trong việc đưa ra những sản phẩm hàng hóa với mẫu mã bắt mắt hơn, phong phú hơn, tiện lợi hơn đối với nhu cầu người tiêu dùng, như vậy người tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục lựa chọn, ưu tiên sử dụng hàng Việt”.

(Theo Báo Đại đo​àn kết)

In nội dung
Nơm nớp hàng giả (29/06/2018)
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu