Người tiêu dùng quan tâm nhiều đến sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe.
Yêu cầu chất lượng
Giới nghiên cứu thị trường cho hay, theo quy luật tăng trưởng cứ 1% GDP thì tăng trưởng của hàng tiêu dùng nói chung là 1,5%. Thế nhưng, tại Việt Nam hết sức nghịch lý, GDP tăng lên đến 7,08% song tăng trưởng của hàng tiêu dùng lại không chuyển biến. Tương tự hàng tiêu dùng, lĩnh vực thực phẩm cũng không khá hơn, mặc dù thực phẩm đóng gói từng là ngành tăng trưởng cao ngất ngưởng. Các mặt hàng thực phẩm còn duy trì tăng trưởng, như: xúc xích tiệt trùng, snack và sợi ăn liền (mì, phở, bún, miến,..).
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên, do nhu cầu tiêu dùng đang hạn chế. Điều đặc biệt, người tiêu dùng đang thay đổi về nhận thức sử dụng hàng hóa. Nghĩa là, không sử dụng đại trà như ngày xưa, thay vào đó quan tâm đến sản phẩm sức khỏe nhiều hơn. Khảo sát của Nielsen Việt Nam cho thấy, 76% người tiêu dùng muốn biết mọi thành phần đang đi vào thức ăn của họ, vì vậy mà 88% người tiêu dùng đọc bao bì cẩn thận cho nội dung, dinh dưỡng. Khác với 3 năm trước đây, giờ người tiêu dùng quan tâm nhiều đến nhà sản xuất, xuất xứ sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng mã code, mã vạch để người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Xu hướng tiêu dùng hiện nay là trở về với sản phẩm thuần chất (tự nhiên, nguyên bản, thiên nhiên, không gồm có nhiều thành phần, không hóa chất,…).
Bà Châu Ngọc Hạnh – Quản lý cấp cao của Nielsen Việt Nam khẳng định, phân khúc cấp cao đang trở thành sản phẩm được quan tâm trong các nhóm ngành hàng. Lý do, 37% người tham gia khảo sát xem sức khỏe là mối quan tâm hàng đầu. Tỷ lệ này khá cao so với các nước châu Á.
Ghi nhận thực tế, rất nhiều địa phương vẫn có thói quen tự cung tự cấp cho thị trường nhỏ hẹp nên số lượng và chất lượng sản phẩm còn hạn chế. Chủ yếu đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của người tiêu dùng thân quen. Bên cạnh đó, người sản xuất, nhà chế biến chưa mạnh dạn đầu tư hệ thống sản xuất theo tiêu chuẩn và quy trình hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bà Hạnh nêu quan điểm, cần thiết phải thay đổi tư duy kinh doanh. Doanh nghiệp sớm đưa ra sản phẩm mới đảm bảo tính ưu việt của sản phẩm thông qua quy trình sản xuất áp dụng công nghệ cao, kết hợp với các hệ thống phân phối chân rết. “Rất nhiều doanh nghiệp tung sản phẩm mới nhưng không phải sản phẩm bào cũng tồn tại được trong vòng 18 tháng. Hiếm doanh nghiệp duy trì được đến tháng thứ 11, 12”, đại diện đơn vị nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam nhấn mạnh.
Xây dựng thực phẩm tiêu chuẩn và thương hiệu
Không chỉ đưa ra những sản phẩm mới lạ, yêu cầu đặt ra hiện nay, doanh nghiệp phải sản xuất ra sản phẩm chất lượng đáp ứng từng tiêu chuẩn mà thị trường cần. Trong đó, chú trọng phát triển thương hiệu cho sản phẩm. Ông Phạm Xuân Đà – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, quá trình hội nhập đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn quốc tế. Cơ quan quản lý phải có chương trình hỗ trợ nông dân sản xuất sao cho hiệu quả và bền vững.
Ông Đà băn khoăn, trong khi Việt Nam vẫn loay hoay xây dựng sản phẩm chất lượng thì các nước đã có những sản phẩm mang thương hiệu quốc tế. Điển hình, Hàn Quốc có chương trình xây dựng và phát triển sản phẩm sâm quốc gia. Hungary nổi tiếng thế giới với loại rượu vang Tokaji với quy trình sản xuất gắn kết giữa người trồng và cơ quan quản lý. Mong muốn xây dựng sản phẩm mang thương hiệu quốc gia như các nước, Nhật Bản kêu gọi nông dân thực hiện mỗi làng một sản phẩm.
Theo ông Phạm Xuân Đà, Việt Nam cần có chương trình kết nối với cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học và nông dân bằng hành động cụ thể chứ không phải là khẩu hiệu như trước đây. Mỗi địa phương phát triển một sản phẩm theo hướng chuẩn hóa quy trình sản xuất chất lượng và từng bước xây dựng thương hiệu.