Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người do Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua năm 1948 có vị trí đặc biệt trong luật quốc tế về quyền con người. Dù có những đánh giá khác nhau, cộng đồng quốc tế đa số đồng ý rằng Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người là một văn kiện lịch sử, là nguồn cảm hứng bất tận cho các hoạt động bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trên thế giới, trong đó có quyền của NCT. Đây cũng là cơ sở nền tảng để Liên Hợp quốc xây dựng và ban hành Công ước Quốc tế về quyền của NCT trong thời gian tới.
NCT Canada hưởng ứng Ngày Quốc tế NCT 2018
(Ảnh:Liên đoàn những Người về hưu Ontario - Canada)
Cùng với Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người năm 1948, cho đến nay, quyền của NCT chưa được đề cập trong một công ước riêng mà được các văn kiện nhân quyền quốc tế trực tiếp hoặc gián tiếp ghi nhận và bảo vệ như: Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc năm 1965; Bình luận chung số 6 năm 1995 về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của NCT; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966; Kế hoạch hành động quốc tế Viên về NCT năm 1982; Bộ nguyên tắc của Liên Hợp quốc về NCT năm 1991 xây dựng 18 nguyên tắc đạo đức đối với NCT được thể hiện tổng quát trong 5 quyền và khuyến nghị các quốc gia phấn đấu thực hiện, đó là quyền được sống độc lập không bị phụ thuộc; quyền được tham gia mọi công việc trong xã hội và cộng đồng; quyền được chăm sóc vật chất tinh thần; quyền được phát huy, phát triển cá nhân và quyền được tôn trọng nhân phẩm; Tuyên bố về NCT năm 1992; Tuyên ngôn Chính trị và Chương trình hành động quốc tế Madrid về NCT năm 2002 đã đưa vấn đề già hóa dân số vào các chương trình nghị sự toàn cầu, kêu gọi các quốc gia bảo vệ và thúc đẩy quyền của NCT. Mặc dù vậy, trên thế giới hiện vẫn còn nhiều NCT đang phải sống trong nghèo đói, cô đơn, phụ thuộc, bị bỏ rơi, phân biệt đối xử, thậm chí bị ngược đãi, bóc lột tài sản và sức lao động.
Tiếng nói của NCT luôn được lắng nghe (Ảnh tư liệu)
Vì những lí do trên, nhân kỉ niệm lần thứ 28 Ngày Quốc tế NCT năm 2018, Liên Hợp quốc đưa ra chủ đề “Tôn vinh NCT đấu tranh bảo vệ quyền con người”. Đây là dịp để tôn vinh những NCT trên khắp thế giới, với trí tuệ, kinh nghiệm và phẩm chất đạo đức, họ là nhân tố đóng vai trò to lớn trong công cuộc xây dựng một xã hội bình đẳng và công bằng cho tất cả mọi người nói chung nhằm: 1. Thúc đẩy các quyền con người đã được ghi trong Tuyên ngôn Thế giới về Quyền con người và đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa của các quyền đó trong cuộc sống hàng ngày của NCT; 2. Tăng cường sự tham gia và nâng cao hình ảnh của NCT trong thúc đẩy quyền con người không chỉ trong những lĩnh vực liên quan trực tiếp tới họ, mà là trên mọi mặt của đời sống; 3. Suy ngẫm về tiến độ và những thách thức trong đảm bảo sự hưởng thụ đầy đủ và bình đẳng quyền con người và quyền tự do căn bản của NCT; 4.Huy động sự tham gia của tất cả mọi cá nhân, tổ chức trong đấu tranh bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền của NCT.
Trong những năm qua, vấn đề NCT và già hóa dân số luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm. Nổi bật nhất là Hiến pháp được sửa đổi vào năm 2013, tại khoản 3 Điều 37 qui định “NCT được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; tại Điểm 2, Điều 59 nêu “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, chính sách trợ giúp NCT, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác". Đặc biệt Luật NCT được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010. Với 6 chương, 31 điều, Luật đã thể chế hoá chính sách của Việt Nam về NCT một cách hệ thống, đầy đủ và toàn diện, đảm bảo cho sự tham gia vào hoạt động xã hội của NCT, đồng thời khuyến khích sự quan tâm của các tổ chức xã hội, cá nhân đối với công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Đây là bước cụ thể hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam về thực hiện Tuyên bố Chính trị và Chương trình hành động quốc tế Madrid năm 2002, phù hợp với chính sách chung của nhiều quốc gia và của Liên Hợp quốc về NCT. Cụ thể là NCT có các quyền bảo đảm nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khoẻ; quyền tự quyết định; được tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hoá, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch và nghỉ ngơi; được tạo điều kiện làm việc; được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, trừ trường hợp tự nguyện đóng góp; quyền được ưu tiên giảm giá khi tham gia giao thông công cộng, thăm quan các di tích văn hóa lịch sử; quyền được ưu tiên khi cứu trợ, chăm sóc sức khỏe khi có hậu quả thiên tai hoặc rủi ro khác... Luật NCT bảo đảm quyền NCT được tham gia Hội NCT Việt Nam theo quy định của Điều lệ Hội và các quyền khác theo quy định của pháp luật. Đây không chỉ là nguồn cổ vũ động viên to lớn đối với NCT và các tầng lớp nhân dân, mà còn thể hiện sự quan tâm lớn của Nhà nước đối với NCT; cũng là bước đi rất thích hợp để Nhà nước Việt Nam có những chính sách và giải pháp chuẩn bị tích cực cho tình trạng dân số già trong những thập kỷ tới.
Nhìn chung, hệ thống pháp luật Việt Nam về quyền của NCT được quy định khá đầy đủ. Ngoài Hiến pháp 2013 và Luật NCT năm 2009 đề cập trực tiếp đến các quyền của NCT, các luật khác, tùy thuộc đối tượng điều chỉnh, cũng có những điều khoản liên quan đến một số quyền của NCT hoặc nhằm ngăn chặn sự vi phạm quyền của NCT. Hệ thống các văn bản pháp luật liên ngành phản ánh các chính sách dành cho NCT cũng góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền của NCT tại Việt Nam. Cụ thể như Luật Người khuyết tật năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2013; Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; Bộ luật Dân sự năm 2015; Bộ luật Lao động năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2015 đều có quy định có ý nghĩa bảo vệ quyền của NCT. Ví dụ: Khoản 2 Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ”; Khoản 1 Điều 41 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 quy định: “NCT… được ưu tiên khám, chữa bệnh, được tạo điều kiện thuận lợi để đóng góp cho xã hội phù hợp với sức khỏe của mình”; Khoản 2 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định “Người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử không bị áp dụng hình phạt tử hình”...
Để thiết thực hưởng ứng chủ đề Ngày Quốc tế NCT năm 2018 và tạo điều kiện để NCT phát huy được trí tuệ, tài năng, kinh nghiệm góp phần xây dựng đất nước, Đảng và Nhà nước ta cần tiếp tục quan tâm chăm lo nâng cao chất lượng sống của NCT, đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và cơ chế tổ chức thực thi hiệu quả nhằm bảo đảm các quyền của NCT - một bộ phận dân số có số lượng và tỷ lệ ngày càng tăng trong xã hội, góp phần ứng phó với vấn đề già hóa dân số đang tăng nhanh ở Việt Nam./.
Ngô Thị Mến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trởng Ban Đối ngoại Hội NCT Việt Nam