ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH ĐỒNG NAI
 
Chưa có thông tin
 

Nội dung bản tin

 
Tháng 7 nghĩa tình với chuyến “Hành quân về nguồn” của Trường SQLQ2
Đăng ngày: 22-07-2018 10:58
asp:Label ID="lblSummary" runat="server"
Nhân kỷ niệm 71 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2018), Đoàn công tác của Trường Sĩ quan Lục quân 2 (SQLQ2)- Đại học Nguyễn Huệ đã tổ chức chuyến “Hành quân về nguồn” tại nơi thành lập Nhà trường đầu tiên (xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) vào ngày 21-7 với nhiều hoạt động nghĩa tình. Cùng tham gia với trường, chúng tôi ghi nhận nhiều hoạt động tri ân nghĩa tình của các thế hệ cán bộ chiến sĩ (CBCS), học viên nhà trường với những người đã cống hiến máu xương, nằm lại tại tuyến đầu tiên ấy và nhân dân địa phương đã đùm bọc, chở che để góp sức xây dựng nên truyền thống của Trường SQLQ2 anh hùng hôm nay.
Về với đồng đội

3 giờ sáng ngày 21-7, Đoàn công tác của Trường bắt đầu xuất phát tại Đồng Nai theo hành trình và kế hoạch đã định, đúng 8 giờ sáng cùng ngày, đoàn đã có mặt tại Khu lưu niệm di tích lịch sử Trường SQLQ 2 tại ấp Hòa Bình, xã Hòa Hiệp (Tân Biên, Tây Ninh). Có mặt tại Khu di tích, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo nhà trường và các thế hệ học viên cùng toàn thể CBCS, thanh niên, phụ nữ, các đơn vị kết nghĩa và địa phương đều bùi ngùi thăm lại những hố bom, những di tích, nhà lưu niệm và kính cẩn dâng hương trước văn bia tưởng niệm nhà trường và nhiều hoạt động nghĩa tình tri ân.

IMG_9292.JPG 
 Lãnh đạo nhà trường thăm hỏi gia đình chính sách được khám bệnh trong chuyến hành quân về nguồn

Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai, nguyên Chính ủy Trường SQLQ 2 bồi hồi lau hàng nước mắt tưởng nhớ đồng chí, đồng đội đã anh dũng chiến đấu tới giọt máu cuối cùng để bảo vệ nhà trường, bảo vệ cán bộ của Đảng, Quân đội trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thiếu tướng Khai xúc động nói: “Nơi đây, ngày 27-8-1961, Trường Trung, Sơ cấp Quân giải phóng miền Nam- tiền thân của Trường SQLQ2 ngày nay được thành lập. Từ đó, các thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên, chiến sĩ, công nhân viên của nhà trường đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, vừa xây dựng, chiến đấu, vừa trưởng thành, đào tạo ra hàng vạn cán bộ quân sự, chính trị bổ sung cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt trong trận đánh bảo vệ nhà trường ngày 26-1-1966, bốn đồng chí trong Ban giám hiệu cùng nhiều CBCS đã kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh để cho một nhà trường SQLQ2 anh hùng ngày nay trường tồn và phát triển”.

Phần lễ được các đồng chí: Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cả, Hiệu trưởng nhà trường; Trung tướng Nguyễn Văn Hòa, Chính ủy; Thiếu tướng Phạm Xuân Trạo, Phó hiệu trưởng nhà trường; Đại tá Đỗ Hoàng Ngân, Chủ nhiệm Chính trị cùng nhiều lãnh đạo các khoa, phòng, ban của trường, CBCS, đoàn viên, cựu quân nhân đã dâng hương Đài tưởng niệm, nhà bia, thắp hương tại những hố bom, di tích ghi dấu ấn của trường và trở về trụ sở UBND xã Hòa Hiệp để thực hiện những hoạt động tình nghĩa.

Hơn 300 gia đình chính sách, người có công cùng người dân trong xã đã được các y, bác sĩ của trường và các đơn vị phối hợp khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tư vấn sức khỏe; được lãnh đạo nhà trường thăm hỏi, động viên. Bà Trì Thanh Phú, một gia đình hộ nghèo được khám bệnh và cho thuốc nói: “Tôi cám ơn bác sĩ, bộ đội đã tận tình về khám bệnh cho nhân dân, hướng dẫn chúng tôi vệ sinh nơi sinh sống, dùng thuốc kháng sinh đúng liều để không ốm đau”.

Bà Phạm Thị Thiền, vợ liệt sĩ, con dâu của mẹ Việt Nam Anh Hùng Phạm Thị Chiền, ấp Hòa Bình xúc động bày tỏ: “Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 27-7 là bộ đội của Trường SQLQ 2 lại về tặng quà, động viên gia đình, giúp chúng tôi nguôi ngoai nỗi nhớ chồng, nhớ mẹ”. Được biết, mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Chiền có 2 con trai: Đặng Văn Sen và Đặng Văn Lộc là liệt sĩ đều hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Gia đình bà Thiền (con dâu của mẹ) có nhiều công lao đóng góp cho việc bảo vệ, tôn tạo và gìn giữ khu di tích lịch sử nhà trường tại ấp Hòa Bình.

IMG_9350.JPG 
 Thiếu tướng Phạm Xuân Trạo và đoàn công tác tặng quà cho CBCS Đồn Biên phòng Lò Gò (Tân Biên- Tây Ninh)

Em Vót Nhì, một nạn nhân da cam tâm sự, đây là lần thứ 3 em được nhận quà của các chú bộ đội. Em rất mong các chú luôn mạnh khỏe để thường xuyên về với quê em, hỗ trợ giúp cho nhiều nạn nhân da cam như em có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Với gần 200 học sinh tiểu học, THCS trong xã được nhận quà là sách, vở, tập chuẩn bị vào năm học mới đều vui vẻ, bày tỏ tình cảm đối với CBCS nhà trường đã hỗ trợ để các em có một năm học mới hy vọng đạt thành tích cao.

Đại tá Đỗ Hoàng Ngân, Chủ nhiệm Chính trị Trường SQLQ 2 cho biết, Ngoài nguồn kinh phí hàng tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo Khu di tích, xây dựng đài tưởng niệm, nhà bia, rào bao quanh các hố bom, chuyến “Hành trình về nguồn” nhân kỷ niệm 71 năm ngày thương binh liệt sĩ, nhà trường dành tổng nguồn kinh phí trên 250 triệu đồng để thực hiện các hoạt động thăm, tặng quà cho người có công, gia đình chính sách, khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, thăm, tặng quà cho Đồn biên phòng Lò Gò và Chốt dân quân Cua 5 (xã Hòa Hiệp)….

Tri ân người có công

Dâng hương lên Đài tưởng niệm và các hố bom đã vùi lấp CBCS của nhà trường trước đây, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cả, Phó bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, có được thành tựu như hôm nay (2 lần vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân)… là nhờ có sự hy sinh xương máu của rất nhiều thế hệ lãnh đạo, CBCS nhà trường trong những ngày đầu thành lập cũng như sự đùm bọc, chở che của đồng bào, nhân dân trên địa bàn đóng quân. “Hành quân về nguồn”, tri ân với những người đã khuất, làm dân vận, xây dựng mối đoàn kết quân dân với những địa bàn đóng quân là trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo, CBCS toàn trường. Việc làm này có ý nghĩa to lớn, giáo dục truyền thống cách mạng cho toàn thể CBCS của nhà trường hiện nay, tiếp tục phát huy truyền thống xây dựng nhà trường vững mạnh về mọi mặt, trở thành một trong những nơi đào tạo sĩ quan cấp phân đội mạnh của Quân đội ở phía Nam.

Cũng trong “Hành trình về nguồn” Đoàn công tác của trường do Thiếu tướng Phạm Xuân Trạo, trưởng đoàn đã đến thăm Đồn Biên phòng Lò Gò và chốt dân quân Cua 5. Tại đây, Thượng tá Phan Minh Hiệp, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lò Gò cho biết, đơn vị được giao quản lý 16,5km biên giới đường sông giữa Việt Nam và Campuchia. Phát huy truyền thống đoàn kết trong kháng chiến, CBCS của Đồn đã làm tốt vai trò vận động quần chúng, xây dựng mối đoàn kết quân dân, mối đoàn kết láng giềng hữu nghị, đảm bảo vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Lãnh đạo Đồn cũng hứa với Thiếu tướng Trạo và đoàn công tác, CBCS của Đồn luôn giữ vững bản lĩnh, phát huy truyền thống: “Đồn là nhà, biên giới biển đảo là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” trong gần 60 năm của lực lượng biên phòng Việt Nam, quyết tâm giữ vững chủ quyền an ninh bờ cõi của đất nước.

IMG_9363.JPG 
 Đoàn công tác tặng quà cho Chốt dân quân Cua số 5

Tại Đồn Biên phòng Lò Gò và Chốt dân quân Cua số 5, Thiếu tướng Phạm Xuân Trạo thay mặt lãnh đạo nhà trường tặng quà cho cán bộ chiến sĩ (mỗi đơn vị phần quà trị giá gần 10 triệu đồng) và bày tỏ tin tưởng, Đồn Lò Gò và Chốt dân quân Cua 5 ngoài đảm bảo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tiếp tục hỗ trợ nhà trường quản lý, bảo vệ khu di tích, diện tích khu hậu cần kỹ thuật của nhà trường tại khu vực địa bàn nơi 2 đơn vị đang đóng quân.

Các hoạt động về với dân, tiếp tục khám bệnh, phát thuốc, tặng quà 5 gia đình chính sách tại xã Hòa Hiệp diễn ra tận cuối ngày 21-7 đến khoảng 23 giờ cùng ngày, đoàn công tác đã hành quân về trường an toàn. Những cánh tay vẫy chào tạm biệt và hẹn ngày trở lại, những tình cảm quý trọng thân thương, chương trình giao lưu kết nghĩa giữa các lực lượng CBCS của nhà trường, cán bộ biên phòng, chốt dân quân và nhân dân địa phương tiếp tục được gửi trao, góp phần xây dựng mối đoàn kết quân dân gắn bó, cùng nhau quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Ông Trì Tấn Phát, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp cho biết, toàn xã hiện có hơn 8000 dân, sinh sống tại 4 ấp. Nếu 5 năm trước đây, xã còn rất nhiều hộ nghèo, đói (khoảng hơn 40%) thì đến cuối 2017, tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm chỉ còn khoảng 1%, thu nhập bình quân đầu người khoảng 47 triệu đồng. Xã được huyện Tân Biên chọn xây dựng nông thôn mới hoàn thành vào cuối năm 2018. Đóng góp vào thành công chung đó có vai trò to lớn của LLVT, đặc biệt là CBCS Trường SQLQ2 đã thực hiện tốt phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” tại địa bàn xã.

Vĩnh Hà

 
In nội dung
Các tin đã đăng ngày:
 
Về đầu