Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai.
Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm của tỉnh hơn 5,8 tỷ USD và nhập khẩu hơn 5,1 tỷ USD. Hàng hóa của Đồng Nai đã xuất sang khoảng 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Thị trường xuất khẩu chính của tỉnh vẫn là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu.
Trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.500 doanh nghiệp tham gia xuất, nhập khẩu hàng hóa. Ngoài xuất khẩu những mặt hàng công nghiệp, Đồng Nai còn là nơi xuất khẩu cà phê, nhân hạt điều lớn của cả nước. Năm 2017, cả nước có 29 mặt hàng xuất khẩu hơn 1 tỷ USD thì Đồng Nai chiếm 5 mặt hàng.
* Thị trường mở rộng
Từ đầu năm 2018 đến nay, thị trường thế giới có nhiều biến động, song kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai vẫn giữ được mức tăng trưởng xấp xỉ 13% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh là Hoa Kỳ do gặp một số khó khăn về những chính sách bảo hộ mới nên hàng hóa vào thị trường này có xu hướng giảm, song các doanh nghiệp đã năng động tìm cách mở rộng thêm những thị trường mới nên sản lượng, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng khá cao.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm GC ở Khu công nghiệp Hố Nai (huyện Trảng Bom), cho hay: “Sản phẩm nha đam của công ty xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ có giảm nhưng bù lại ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc lại tăng cao. Vì thế, tổng sản lượng hàng hóa xuất khẩu của công ty trong gần 4 tháng đầu năm tăng hơn 20%”.
Các doanh nghiệp xuất khẩu của Đồng Nai hiện nay thường tìm thêm đối tác từ nhiều nước để khi hàng vào thị trường nào gặp cản trở sẽ có những thị trường khác bù lại.
Theo ông Lee Sung Jae, Tổng giám đốc Công ty cổ phần DongJin Việt Nam Khu công nghiệp Long Bình (TP.Biên Hòa), công ty chuyên sản xuất trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí và sản phẩm chủ yếu xuất vào thị trường châu Âu. Trong những tháng đầu năm nay, xuất khẩu của công ty tăng khoảng 10%.
Trước đây, nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai xuất khẩu hàng hóa phải qua những đối tác và nước trung gian nên khả năng cạnh tranh giảm hơn so với hàng cùng loại từ các quốc gia khác. Nhưng gần đây, các doanh nghiệp đã tìm cách xuất khẩu trực tiếp, giảm bớt khâu trung gian nên hạ được chi phí trung gian, sản phẩm cạnh tranh tốt hơn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng tận dụng tốt các cơ hội từ hơn 10 hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết để hưởng các ưu đãi về thuế.
* Thêm kỷ lục mới?
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam cũng như Đồng Nai năm nay sẽ tiếp tục đạt kỷ lục mới. Đồng Nai vẫn sẽ nằm trong tốp 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại công ty cổ phần Đồng Tiến
Nếu từ năm 2017 Việt Nam mới chính thức xuất siêu thì Đồng Nai đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu trước đó 2 năm, xuất siêu năm sau đều cao hơn năm trước. Các doanh nghiệp có xu hướng tìm nguồn nguyên liệu trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, giảm nhập khẩu. Đây là một trong những yếu tố bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn hưởng các ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu vào những nước có ký kết hiệp định thương mại tự do.
Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh vẫn tiếp tục giữ được mức tăng trưởng khá là dệt may tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, xơ sợi dệt tăng 18%, giày dép tăng gần 10%, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng gần 20%, hạt điều tăng hơn 1,5 lần...
Ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty may Đồng Nai, cho biết: “Trong gần 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của công ty vào những thị trường chủ lực như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản tăng khoảng 15%. Sản phẩm dệt may của công ty có chất lượng đảm bảo nên việc mở rộng thị trường tiêu thụ rất thuận lợi”.
Ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Thương mại Sở Công thương, nhận định xuất khẩu của Đồng Nai năm nay dự kiến tiếp tục đạt kỷ lục mới và tăng hơn 12% so với năm trước. Cuối năm nay có khả năng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực, sẽ thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường này tăng cao.
“Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất chú trọng đầu tư máy móc thiết bị, ứng dụng khoa học - kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để đáp ứng được các đơn hàng lớn. Phía sở hỗ trợ doanh nghiệp kết nối để cung ứng sản phẩm cho nhau, giảm nhập khẩu để dễ dàng hưởng các ưu đãi về thuế khi xuất vào các nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do” - ông Thủy cho biết.
Với nhiều cơ hội đang mở ra, xuất khẩu của Đồng Nai sẽ tiếp tục có những bứt phá mới.
Nguồn: Báo Đồng Nai