Đây là chủ trương đúng đắn để khuyến khích, tạo sự hấp dẫn về cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội vào nông nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay việc giải ngân nguồn vốn này trên địa bàn cả nước còn gặp không ít khó khăn.
Đã tròn 1 năm kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30 ngày 7/3 về giải pháp trọng tâm thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), theo đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại Nhà nước, dành ít nhất 100 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp (thấp hơn từ 0,5-1,5% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường). Tuy nhiên,dù đã 1 năm trôi qua, nhưng người dân, doanh nghiệp rất khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này.
Mô hình ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa tại Bắc Hà (Lào Cai).Ảnh: Ngọc Bằng.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, sau một thời gian triển khai tín dụng cho NNCNC, nông nghiệp sạch, đến cuối năm 2017 nguồn tiền từ gói tín dụng này đã đạt hơn 36 ngàn tỷ đồng với kỳ hạn dài chiếm khoảng 60%.
Ông Lê Minh Hưng cho biết, so với quy mô của gói tín dụng dành cho lĩnh vực ưu tiên này mới chỉ giải ngân được 1/3, tuy nhiên, “trong thời gian ngắn, gói tín dụng đạt quy mô như vậy là khá cao”!
Dù đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định giải ngân được 30% vốn từ gói tín dụng 100 nghìn tỉ là con số không nhỏ trong thời gian không dài, điều đó có nghĩa, Ngân hàng đã rất nỗ lực giải ngân gói tín dụng này đến các đối tượng nhận được hỗ trợ, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại khẳng định: Rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này.
Ông Nguyễn Hoài Nam- giám đốc Công ty cổ phần Kỹ thuật sinh học nông nghiệp Sài Gòn, cho biết, không thể vay được vốn nếu không có tài sản thế chấp là nhà hoặc đất đủ lớn. Ngay cả doanh nghiệp có tài sản thế chấp nhưng chưa chắc đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này.
Đại diện Công ty NNCNC Nông Phát (đơn vị đầu tư nhà lưới theo tiêu chuẩn quốc tế chống côn trùng, hệ thống quản lý qua điện thoại thông minh…) có phàn nàn rằng, Công ty có hơn 11,8ha trồng dưa lưới với giá 530.000 đồng/m2, nhưng tài sản này không thể thế chấp để vay vốn ngân hàng.
“Sau khi xây dựng mô hình NNCNC, Công ty đã mời nhiều ngân hàng đến tham quan để đặt vấn đề vay vốn.Lúc ấy, ngân hàng nào cũng gật đầu cho vay nhưng đến khi biết tài sản thế chấp là nhà xưởng và thiết bị công nghệ cao thì… lắc đầu. Tại sao ngân hàng không dựa vào tính khả thi của dự án, dựa vào nguồn thu của công ty để định giá? Nếu không dựa vào đó, ngân hàng chẳng khác gì “tiệm cầm đồ”?”
Chủ trương gỡ khó cho nông nghiệp, đầu tư vào NNCNC bằng hỗ trợ khoản vay ưu đãi rõ ràng là chủ trương đúng đắn. Nhiều người dân, DN đã rất kỳ vọng vào khoản vay ưu đãi này để tạo sức bật cho khu vực nông nghiệp. Nhưng gõ cửa các ngân hàng thì đều nhận được những cái lắc đầu vì hầu hết đất đai của DN làm nông nghiệp đều là đất đi thuê, tài sản đảm bảo không có.
Trong khi đó việc cho vay với tài sản hình thành trong tương lai, thì ngân hàng rất e ngại vì rủi ro trong sản xuất nông nghiệp lớn, vậy là bao nhiêu kỳ vọng lại trở thành nỗi thất vọng.Như vậy, sự thưa vắng DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là điều rất dễ hiểu.
Lý giải về những khó khăn trong giải ngân gói tín dụng 100 nghìn tỉ đồng cho NNCNC, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, do số lượng doanh nghiệp được cấp chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC còn hạn chế. Bên cạnh đó, do chưa có công cụ phòng ngừa rủi ro, chính sách bảo hiểm cho nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi và thị trường chưa ổn định nên người dân, doanh nghiệp còn e ngại đầu tư sản xuất NNCNC.
Ngoài ra, do người dân và doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản hình thành trên đất nông nghiệp để làm thủ tục đăng ký tài sản đảm bảo vốn vay tại ngân hàng. Bà Hồng khẳng định, những vướng mắc này cần tháo gỡ trong thời gian sắp tới.
Để kéo doanh nghiệp về với khu vực tam nông, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này đề nghị, Chính phủ cần mở rộng và nới các tiêu chuẩn để doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng. Ngoài ra cần sớm xác lập quyền tài sản trên đất nông nghiệp để doanh nghiệp có cơ sở vay vốn.Đặc biệt, cần khuyến khích DN đầu tư vào khu vực nông nghiệp bằng việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Phải tăng cường giao đất cho doanh nghiệp làm ăn chân chính và có hiệu quả vào khu vực nông nghiệp đồng thời khuyến khích DN khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao…Có như vậy, mới có nhiều doanh nghiệp “mạo hiểm” đầu tư vào khu vực nông nghiệp cũng như lĩnh vực NNCNC.
Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề xuất Chính phủ sửa các thông tư liên quan đến tài sản đầu tư trên đất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thế chấp cũng như tìm kiếm thị trường.
Tuy nhiên, chúng ta phải có các sản phẩm có quy mô, đặc biệt là sản phẩm chế biến mới giúp tiêu thụ được sản phẩm tốt - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.
Có thể nói, khi đã xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng trụ đỡ này đang ngày càng yếu dần do biến đổi khí hậu, nguồn nước bị đe dọa bởi xâm nhập mặn, hiện tượng được mùa mất giá, liên tục phải đưa ra các đợt giải cứu nông sản. Chính vì thế chủ trương đầu tư vào NNCNC của Chính phủ là con đường tất yếu và đúng đắn. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn nhiều mặt như công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, nhất là nguồn vốn thì nông nghiệp vẫn là khu vực thiếu hấp dẫn nhà đầu tư.
Đối với gói tín dụng CNC, cần sớm có những hướng dẫn và quy trình cụ thể, rõ ràng... để các doanh nghiệp đầu tư vào NNCNC có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn, mới thực hiện được khát vọng có nền NNCNC, sạch trong tương lai. Nếu không nông sản Việt có thể sẽ thua ngay trên chính sân nhà như nhiều chuyên gia cảnh báo.
Nguồn: Báo Đại đoàn kết