.
Trưởng
Phòng Dân tộc huyện Phụng Hiệp Trương Quang Vinh cho biết, đồng bào Khmer ở
huyện Phụng Hiệp sống đan xen với người Kinh ở hầu hết các ấp. Vì vậy, việc
chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi được bà con chia sẻ kinh nghiệm, cùng
nhau thực hiện rất hiệu quả. Chị Nguyễn Thị Phượng ở ấp Tân Quới Kinh, xã Tân
Bình vừa xuống giống dưa hấu được hơn một tháng. Chị nói: "Dưa hấu này tôi
trồng bán quanh năm. Trước đó, vợ chồng tôi đã trúng được một vụ ớt, thu nhập
khá lắm. Việc trồng dưa hấu cũng là nhờ tôi học hỏi hàng xóm vì thấy thu nhập
từ trồng dưa cao hơn trồng lúa". Người hàng xóm mà chị Phượng nói chính là
chị Thạch Kim Cương. Chị Cương cho biết: "Mấy năm trước, do ít đất sản
xuất, gia đình tôi được xã vận động chuyển đổi sang trồng dưa hấu, mỗi năm trồng
ba vụ dưa, cho nên thu nhập cũng khấm khá". Có được thành công từ việc
trồng dưa hấu, chị Cương lại hướng dẫn chị Phượng kỹ thuật trồng và chăm sóc
dưa. Hai chị nói vui "có qua có lại" vì chị Phượng cũng chia sẻ kinh
nghiệm trồng nấm bào ngư của gia đình mình với chị Cương. Chị Phượng bộc bạch:
"Sau khi tham gia lớp tập huấn do Hội Nông dân xã tổ chức, tôi thử trồng
nấm, thấy hiệu quả. Thu nhập từ nấm mỗi ngày cũng đủ lo mọi chi phí trong gia
đình và hai đứa con đi học. Còn tiền từ rẫy dưa, tôi để tích lũy". Theo
anh Mai Chí Toại, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình, hội đã triển khai, nhân
rộng nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao để bà con nông dân trong các ấp
triển khai thực hiện. Ngoài ra, nhiều hộ thực hiện mô hình kinh tế nông nghiệp
còn được UBND tỉnh Hậu Giang cho mượn vốn đầu tư theo Ðề án 1.000 của tỉnh. Khi
tham gia dự án, các hộ được vay vốn để mua cây giống, sau thời gian ba năm sẽ
hoàn vốn và không tính lãi.
Chồng
chị Phượng là anh Tô Hùng, người dân tộc Khmer, cho biết, hai vợ chồng chỉ có
1,75 công đất vườn quanh nhà. Ðất canh tác nhiều năm nên bạc màu, trồng cây gì
cũng cho năng suất thấp. Hai vợ chồng chủ yếu sống bằng nghề làm thuê xa xứ.
Khi Nhà nước hỗ trợ xây nhà cho gia đình anh chị theo Chương trình 134, hai vợ
chồng quyết tâm trở về quê làm kinh tế nông nghiệp. Nhà nước cho vay vốn sản
xuất, anh chị mua giống vịt, gà về thả, xây chuồng nuôi heo. Phân heo, gà, anh
chị ủ dùng để cải tạo đất, làm rẫy trồng dưa. Ðể bán được giá cao hơn, khi dưa
thu hoạch, chị chèo ghe ra tận chợ Bảy Ngàn bán lẻ. Thấy anh cần cù và làm ăn
hiệu quả, địa phương chọn gia đình anh để thực hiện mô hình kinh tế thử nghiệm.
Tích lũy dần, gia đình vừa mua được thêm bốn công đất ruộng quanh nhà và mua
được chiếc vỏ lãi máy xăng, trị giá hơn 15 triệu đồng để đi bán dưa hấu và các
loại rau màu khác. Anh Hùng phấn khởi nói: "Nhờ Nhà nước hỗ trợ vốn cất
nhà, vốn sản xuất, vợ chồng tôi mới có được thành quả như ngày hôm nay".
Theo
Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp Huỳnh Văn Vũ, các chương trình hỗ trợ của
Nhà nước đã giúp nhiều hộ Khmer thoát nghèo, vươn lên khá giả. Cũng ở ấp Tân
Quới Kinh, anh Lý Thanh sau khi sử dụng vốn hỗ trợ của Nhà nước để chuộc lại
phần đất mà gia đình đã cầm cố trước đây lấy tiền chữa bệnh cho mẹ. Ðến nay,
gia đình đã phát triển sản xuất và thoát nghèo bền vững. Căn nhà lá xưa kia của
anh Thanh đã được thay thế bằng căn nhà tường khang trang, có hàng rào bao
quanh nhà. Ngoài xe gắn máy, anh Thanh còn sắm đầy đủ đồ dùng trong gia đình…
Bà Thị Cum, mẹ anh Thanh nói: "Không có Nhà nước hỗ trợ vốn làm ăn, mẹ con
tôi đâu có được cơ ngơi đầy đủ như hôm nay. Chẳng những vậy, Nhà nước còn kéo
điện, nước tới nhà cho mình xài nữa". Còn ông Lý Ðen, ở ấp 4, xã Hòa An
thì tâm sự: "Nói thiệt, nhờ có Nhà nước hỗ trợ vốn để sản xuất, tôi tích
lũy xây được nhà đẹp như vậy…".
Phó
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang Ký Hiếu Thanh khẳng định, khi các chính sách
hỗ trợ đặc thù của Nhà nước dành cho đồng bào DTTS đi vào cuộc sống, những hộ
chăm chỉ làm ăn đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để vươn lên thoát nghèo. Từ
đó, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn tỉnh, làm cho đời sống đồng
bào dân tộc Khmer ngày càng sung túc, đầm ấm hơn.
(Nguồn Báo Nhân dân)