Trình diễn áo dài tại Festival Huế 2012
Những thay đổi tất yếu
Không cầu kỳ như những
vàng son nhung gấm, mão miện hài hia của vua chúa và giới chức quan lại, nhưng
những chiếc nón lá, nón cụ quai tơ, nón thúng quai thao, yếm đào, khăn vấn, áo
tứ thân, áo dài, guốc sơn, guốc tre… những thứ y phục quá đỗi bình dị của tầng
lớp thường dân vẫn luôn là nơi nâng niu những nét duyên thuần Việt nhất, nơi lưu
giữ những hình ảnh đặc thù cho bản sắc văn hóa trang phục Việt.
Tuy nhiên, điều đáng
buồn là dù trang phục dân gian luôn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng thư
tịch chưa dành cho nó vị trí xứng đáng. Bởi thực tế hiện nay, trang phục dân
gian chủ yếu được sử dụng trong sân khấu truyền thống, nhưng đã được cải biên
cho phù hợp với biểu diễn.
Ở đó nguyên nhân chủ
yếu là vì thiếu tư liệu gốc, chính xác, nên trang phục biểu diễn bây giờ khác
ngày xưa theo chiều hướng lòe loẹt, phô trương. Nếu chỉ dừng ở trang phục biểu
diễn thì không sao, nhưng nhiều trang phục đó lại được sử dụng để minh họa cho
văn hóa dân gian. Điều đó dẫn đến việc nhìn nhận những tinh hoa trong các
truyền thống đang dần thu hẹp.
Theo nhà nghiên cứu
Bùi Quang Thắng: Trang phục dân gian cũng có sự biến đổi mạnh mẽ qua thời gian.
Ví như chiếc nón thúng, được coi là một phần trong trang phục phụ nữ Việt, đến
thế kỷ XVIII, nam giới vẫn đội. Khi nón thúng chuyển sang cho phụ nữ, họ làm
nón đẹp thêm như đan mê, thêu thùa, quai thao.
Nhưng theo ông Thắng,
sang thế kỷ XX, xã hội hiện đại hơn, nón thúng khá cồng kềnh, phụ nữ không đội
nó nữa, mà chuyển sang đội chính nón chóp của nam giới ngày xưa. Đơn cử như
chiếc nón mà ta vẫn thấy hiện nay, còn nam giới lại chuyển sang đội mũ châu Âu.
Áo dài cũng vậy.
“Tôi rất thích quá
trình tự biến đổi của trang phục khi đi vào đời sống, mang theo nhiều nét Việt.
Tất nhiên, không thể ép buộc thanh niên bây giờ mặc áo dài, đội nón thúng,
nhưng nên hiểu đúng về nó. Nhất là với những người làm việc trong ngành điện
ảnh, sân khấu, từ đó sẽ giữ được hình ảnh trang phục dân gian đẹp hơn”- ông
Thắng kỳ vọng.
Phương án bảo tồn
Cùng với xu thế hòa
nhập chung có thể thấy các trang phục truyền thống đang được nhìn nhận như
những “kỷ vật của lịch sử” đang dùng để “ngắm” chứ ít được sử dụng như một mặt
hàng thời trang. Thế nhưng, trong điều kiện hiện nay, việc bảo tồn trang phục
truyền thống gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, với các trang phục
truyền thống các dân tộc đang không tránh khỏi sự khắc nghiệt của thời gian,
nhu cầu của cuộc sống, đang đứng trước nguy cơ mai một.
Trong một nghiên cứu
của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hai năm gần đây có tới 40/54 dân tộc trên cả
nước không mặc trang phục đúng như trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Trong đó ghi nhận thực tế ở các vùng như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… đồng
bào các dân tộc cũng ngày càng ít mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Nhìn nhận về vấn đề
này, TS Trần Hữu Sơn- phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng bảo
tồn trang phục, điều quan trọng là phải làm sao để trang phục “sống” trong cộng
đồng. Ông Sơn khẳng định một thực tế, trong điều kiện thời tiết thay đổi, văn
hóa thay đổi, chúng ta không thể yêu cầu hay bắt buộc đồng bào suốt ngày mặc
trang phục dân tộc được. Nhưng chúng ta vẫn phải có những chính sách khuyến
khích.
Ví dụ ở Lào Cai, đã có
những quy định, quy ước, khuyến khích công chức, viên chức là người dân tộc,
mỗi người phải có một bộ trang phục dân tộc truyền thống.
“Nhà nước cần có vai
trò định hướng cho đồng bào, đồng thời có những chính sách hỗ trợ, đầu tư kinh
phí để bảo tồn một số nghề liên quan như thêu, dệt… vừa để làm sản phẩm du
lịch, vừa để cộng đồng được sử dụng các sản phẩm của dân tộc mình”- TS Trần Hữu
Sơn đề nghị.
Tuy nhiên, trên thực
tế việc bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc là rất quan trọng. Nhưng
việc bảo tồn không thể thực hiện một cách máy móc, không thể ép buộc, mệnh
lệnh, và đặc biệt là không thể bảo tồn theo kiểu tùy tiện, theo xu thế đám
đông, mà bảo tồn phải trên cơ sở giữ được cốt cách, nhưng cũng phải có sự thay
đổi cho phù hợp với cuộc sống. Muốn bảo tồn trang phục tốt nhất, cần bảo tồn
thông qua truyền thông đại chúng, qua sinh hoạt cộng đồng, qua các cuộc gặp mặt
đồng tộc, đồng hương, trong dòng họ…
Đặc biệt, là vai trò
của gia đình trong bảo tồn văn hóa truyền thống, trong đó có bảo tồn trang
phục. Các thế hệ trong gia đình truyền cho nhau, gìn giữ các giá trị về ăn, ở
mặc của gia đình, dòng họ của mình, của dân tộc mình, địa phương mình…
Cùng với đó, trong bảo
tồn trang phục mặc dù người dân có vai trò chủ thể, nhưng Nhà nước hiện nay vẫn
chưa có những chính sách rõ ràng nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi trong
việc sản xuất, gia công, lưu thông hàng hóa gắn với việc sản xuất trang phục dân
tộc. Thông qua đó để quá trình này không bị xu thế “ngoại lai” lấn át làm biến
dạng, méo mó. Đặc biệt các chính sách cần tạo điều kiện trong việc tôn vinh các
nghệ nhân có công gìn giữ, bảo tồn những nghề như nghề dệt truyền thống…
(Theo Báo Đại Đoàn kết)