Đến
thôn Quang Hòa, xã Cường Lợi (huyện Ðình Lập), sẽ dễ dàng cảm nhận đời sống
của bà con các dân tộc Tày, Nùng, Dao... nơi đây còn nhiều khó khăn, kinh tế
chủ yếu là tự cung tự cấp, dựa vào nông, lâm nghiệp. Anh Nông Văn Cương là
người trồng cây dược liệu dưới tán rừng đầu tiên ở thôn Quang Hòa cho biết,
trên địa bàn huyện Ðình Lập từ lâu đã có các loại cây dược liệu như: sa nhân,
ba kích, chè hoa vàng... mọc tự nhiên dưới tán cây rừng và bà con đã biết
dùng các loại cây này để làm thuốc chữa bệnh, hoặc thu hái bán sang Trung
Quốc. Do nhu cầu về dược liệu ngày càng tăng, cho nên việc khai thác nguồn
cây dược liệu thường diễn ra bừa bãi, không chú ý đến khả năng tái sinh và có
nguy cơ bị tuyệt chủng. Trước thực trạng đó, từ đầu năm 2017, gia đình anh đã
được chính quyền địa phương hỗ trợ triển khai mô hình trồng cây dược liệu
dưới tán rừng, với tổng diện tích hơn 10 ha. Từ nguồn vốn của Chương trình
xây dựng nông thôn mới, gia đình anh được hỗ trợ phân bón và hơn 40 nghìn cây
giống ba kích và 800 cây chè hoa vàng. Ðến nay, các cây dược liệu đều phát
triển tốt, tỷ lệ sống hơn 90%, dự kiến hai năm sau sẽ cho thu hoạch...
Nói
về giá trị của cây dược liệu, Bí thư Ðảng ủy xã Bắc Xa Vi Thị Tôn cho biết:
Từ trước đến nay, ở các thôn Bản Mạ, Bản Quầy... cây sa nhân thường mọc tự
nhiên dưới tán rừng. Nhiều hộ gia đình được giao đất, giao rừng đã bảo tồn và
khai thác thường xuyên, bình quân giá bán từ 150 đến 200 nghìn đồng/kg quả
tươi. Hiện nay, cả xã có hơn 20 ha sa nhân; với việc được Nhà nước hỗ trợ
phân bón, giống, thời gian tới diện tích sa nhân trong xã sẽ được mở rộng,
góp phần giảm nghèo cho bà con các dân tộc vùng giáp biên.
Phó
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðình Lập Vi Văn Phúc
cho biết: Ðể khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương và tạo bước đột phá
trong phát triển kinh tế đồi rừng, từ năm 2016 huyện đã xây dựng Ðề án Phát
triển vùng cây dược liệu giai đoạn 2016-2020; với quy mô gồm: trồng 500 ha
cây sa nhân; trồng 200 ha cây ba kích tím... Ðể hỗ trợ bà con trồng dược
liệu, năm 2017, từ nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã
triển khai hỗ trợ gần 400 triệu đồng cho người dân phát triển cây dược liệu.
Kết quả đến nay, toàn huyện Ðình Lập có gần 100 ha diện tích cây dược liệu
chủ yếu là sa nhân, ba kích, chè hoa vàng... tập trung ở các xã như: Bắc Xa,
Cường Lợi, Ðồng Thắng, Lâm Ca, Châu Sơn... việc phát triển cây dược liệu trên
địa bàn huyện Ðình Lập, không chỉ tạo việc làm, giúp bà con các dân tộc nâng
cao thu nhập mà còn góp phần bảo tồn các loại cây dược liệu quý.
Nguồn:
Báo Nhân dân
|
|