
Thầy giáo ở Biên Hòa đầu thế kỷ 20.
Với bề dày lịch sử 320 năm, những di dân ở Đồng Nai phiêu bạt can
trường sau khi đấu tranh với thiên nhiên gầy dựng cuộc sống ổn định nơi
quê mới đã rất chú trọng đến việc học tập của thế hệ con cháu. Dù sau
khi Nguyễn Ánh lên ngôi (năm 1802) mới cho xây dựng trường học đầu tiên ở
tỉnh Biên Hòa, gọi là trường tỉnh (lúc đầu đặt ở thôn Tân Lại, gần Văn
miếu Trấn Biên, nay thuộc phường Bửu Long, TP.Biên Hòa), nhưng trong
thực tế trước đó Biên Hòa đã phát triển một nền giáo dục trong dân gian
qua những ngôi trường tư ở khắp các huyện, trấn. Những trường tư nổi
tiếng ở Nam bộ thời đó phần lớn tập trung ở Gia Định (nay thuộc TP.Hồ
Chí Minh) như trường học của thầy giáo Võ Trường Toản (từng đào tạo ra
các danh nhân như Trịnh Hoài Đức, Ngô Tùng Châu), trường học của thầy
giáo Đặng Đức Thuật. Ở Biên Hòa cũng có trường của thầy đồ Hoành ở huyện
Phước Chánh, đào tạo ra một trong “Đồng Nai có bốn rồng vàng” là Bùi
Hữu Nghĩa, sau này đi thi Hương đậu đến Giải nguyên.
* Vai trò quan trọng của giáo dục trong dân gian
Ở tỉnh Biên Hòa, ban đầu các trường tư được mở ra ở khu vực trung tâm
huyện Phước Long (bao gồm TP.Biên Hòa và một phần 2 huyện Long Thành,
Vĩnh Cửu ngày nay), sau đó lan rộng ra các tổng, thôn, xã. Làng nào
không có trường, hương chức của làng phải tìm cách mời thầy giáo hoặc
người biết chữ từ nơi khác về dạy, chi phí do dân làng đóng góp. Một số
gia đình giàu có, khá giả trong làng cũng tổ chức mời thầy giáo về dạy
cho con em trong nhà và xóm giềng.
Về trường công lập, ngoài Trường học tỉnh Biên Hòa được xây cất cùng
thời với Trường học tỉnh Gia Định vào đầu triều vua Gia Long (các trường
tỉnh khác ở An Giang, Vĩnh Long, Định Tường đều xây từ thời Minh Mạng),
Biên Hòa còn có 2 trường học phủ, một ở phủ Phước Long xây dựng từ
trước năm 1837, một ở phủ Phước Tuy xây dựng vào năm 1837. Biên Hòa là
tỉnh thứ 3 ở Nam bộ có 2 trường học phủ.
Khoa thi Hán học cuối cùng ở Nam bộ diễn ra vào năm 1864, khoa thi cuối
cùng trong cả nước là vào năm 1919. Riêng ở phía Nam, sau khi chiếm toàn
bộ 6 tỉnh Nam kỳ thì thực dân Pháp bắt đầu xây dựng trường học để đào
tạo nguồn nhân lực cho công cuộc cai trị, “khai hóa”. Ngôi trường đầu
tiên ra đời ở Sài Gòn năm 1874, đó là Collège Chasseloup Laubat (nay là
Trường THPT Lê Quý Đôn ở TP.Hồ Chí Minh), thu nhận con em người châu Âu
cư trú, làm việc tại Nam kỳ và một số con em của công chức làm việc cho
Pháp. Học sinh trường này khi tốt nghiệp có văn bằng tú tài Pháp, nếu
đạt loại giỏi sẽ được chính quyền thực dân cấp học bổng sang Pháp học
tiếp lên đại học. Người tốt nghiệp đại học có danh xưng khác với những
vị “khoa bảng” theo nền giáo dục Hán học, thường gọi là “trí thức” hoặc
“bác vật”.
Thầy giáo dạy các trường cơ sở (gọi là hương học) có 2 loại: người đỗ
đạt nhưng không ra làm quan hoặc đã từng làm quan; người không đỗ đạt
nhưng có kiến thức sâu rộng, được học trò và dân chúng kính trọng, dân
gian thường gọi là thầy đồ, thầy khóa. Người dạy học được miễn tất cả
các nghĩa vụ lao dịch. Ngoài ra, một số cơ sở tôn giáo có mặt ở Biên Hòa
thời đó (Phật giáo, Công giáo) cũng góp phần trong việc đào tạo, đưa
tri thức đến người dân.
Theo Địa chí Đồng Nai, so với việc học ở Đàng Ngoài thì giáo
dục ở Nam bộ không gò bó, theo đúng bài bản mà có xu hướng “thực dụng”
hơn. Nếu như ở Đàng Ngoài học trò nhất định phải trải qua 6 năm rèn giũa
ở bậc ấu học mới được “lên bậc”, được giảng dạy về kinh nghĩa, văn
sách, học cách làm thơ phú, thì ở Nam bộ học trò được tiếp xúc chương
trình học của khoa cử từ rất sớm như: kinh (các sách về chính trị, đạo
đức, luân lý), sử (sách về lịch sử, địa lý, chế độ chính sách), tử (các
loại sách triết học thời đó, gọi chung là Bách gia chư tử, cùng với sách
về Phật giáo, Đạo giáo), tập (sách về các thể loại thơ, văn xuôi, biền
văn, bình luận văn học). Điều này tạo nên sự khác biệt của nền giáo dục
phía Nam.
Như các triều đại trước, giáo dục thời Nguyễn lấy Nho giáo làm nền
tảng, lấy tư tưởng Khổng Mạnh làm nội dung giảng dạy, hướng đến hành vi,
ứng xử của kẻ sĩ; sách học không ngoài Tứ thư, Ngũ kinh của
Trung Hoa, mãi sau này mới có một vài cuốn sách do nhân sĩ trong nước
biên soạn. Trẻ em 8 tuổi trở lên thì vào học tiểu học, sau đó lần lượt
được học Hiếu kinh, Trung kinh, Tứ thư, Ngũ kinh, Bách gia chư tử,
sử… Do đó, dù là trường công hay trường tư thì nội dung học tập không
khác nhau, chính vì vậy vai trò của người thầy rất quan trọng. Học trò
không chỉ học ở thầy giáo kiến thức từ sách vở thánh hiền mà cả nhân
cách kẻ sĩ. Vì vậy, đạo đức của thầy giáo luôn ảnh hưởng mạnh mẽ đến
hành xử của học trò, trong đó có những người sau này trở thành rường cột
quốc gia.
* Rạng danh xứ sở
2 vùng đất Trấn Biên và Gia Định được định danh thuộc cương thổ nước
ta vào năm 1698, nhưng mãi đến năm 1788, tức 90 năm sau chúa Nguyễn (lúc
đó là Nguyễn Ánh) mới mở khoa thi Nho học đầu tiên ở đất Nam bộ, trường
thi được đặt tại Gia Định. Đây là điều thiệt thòi cho sĩ tử phương Nam.
Ở khoa thi này, sĩ tử người Biên Hòa thi đậu có Trịnh Hoài Đức, được
bổ làm Hàn lâm chế cáo, sau đó làm Tri huyện Tân Bình. Chúa Nguyễn còn
mở 2 khoa thi vào các năm 1791 và 1796, sau đó vì chiến tranh với Tây
Sơn nên dừng tổ chức thi. Sau khi lên ngôi, Gia Long Nguyễn Ánh mới
xuống chiếu định phép thi Hương, thi Hội vào năm 1807, và đến năm 1813
mới tổ chức khoa thi ở Nam bộ.
Đến năm 1859 thực dân Pháp đánh chiếm Gia Định, sau đó 3 tỉnh miền
Đông (trong đó có Biên Hòa) rơi vào tay Pháp theo Hòa ước Nhâm Tuất
(1862) ký kết giữa triều đình nhà Nguyễn với Pháp. Việc thi cử vì thế
cũng bị gián đoạn, đến năm 1864 vua Tự Đức mới mở lại khoa thi Hương ở
An Giang cho sĩ tử 3 tỉnh miền Tây thuộc quyền kiểm soát của triều đình
và sĩ tử 3 tỉnh miền Đông theo phong trào tị địa (rời miền Đông về miền
Tây sinh sống theo chủ trương hợp tác, làm việc với quân Pháp). Tuy
nhiên, đây cũng là khoa thi cuối cùng trên đất Nam bộ, vì sau đó triều
đình tiếp tục ký Hòa ước Giáp Tuất 1874 giao nốt 3 tỉnh miền Tây cho
Pháp.
Theo Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam bộ
(tác giả Nguyễn Đình Tư), tính từ khoa thi Hương chính thức đầu tiên vào
năm 1813 đến khoa thi cuối cùng năm 1864, có tất cả 20 kỳ thi Hán học
được tổ chức ở Nam bộ với 253 vị đậu Hương cống (sau đổi là Cử nhân).
Nếu tính cả 3 khoa thi dưới thời chúa Nguyễn, số cử nhân đỗ đạt là 285
vị. Trong đó, Biên Hòa có 24 vị đậu Hương cống, Cử nhân, xếp hàng thứ 4
trong 8 tỉnh Nam bộ (sau Gia Định, Vĩnh Long và Định Tường).
Đặc biệt, trong số 24 vị khoa bảng ở tỉnh Biên Hòa có 2 cặp anh em ruột
(Nguyễn Khiêm Hanh - Nguyễn Khiêm Trinh, quê xã Tân Uyên, tổng Chánh Mỹ
Hạ, nay thuộc phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; Nguyễn
Lương Năng - Nguyễn Lương Tri, quê ở thôn Bình Thành, tổng Phước Vĩnh
Thượng, nay thuộc TP.Biên Hòa); 2 người là cha con (cha là Bùi Đức Độ,
con là Bùi Đức Lý, quê tại thôn An Hòa, tổng Long Vĩnh Thượng, nay là xã
An Hòa, TP.Biên Hòa); 1 người đậu thủ khoa (Phạm Văn Trưng, người thôn
Linh Chiểu, tổng An Thủy, nay thuộc quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh); 2
người đậu á khoa (Nguyễn Duy Doãn, người thôn Tân An, huyện Bình Chánh,
nay thuộc TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương; Võ Xuân, người thôn Tân
Thuận, huyện Phước Chánh, nay thuộc huyện Vĩnh Cửu).
Một số vị khoa bảng là người Biên Hòa ra làm quan rất nổi tiếng như:
Trịnh Hoài Đức (người thôn Bình Trước, nay thuộc TP.Biên Hòa), Đào Trí
Phú (quê ở thôn Phước Kiểng, tổng Thành Tuy, nay thuộc xã Hiệp Phước,
huyện Nhơn Trạch), Huỳnh Văn Tú (quê tại thôn Tân Hội, tổng Chánh Mỹ,
nay thuộc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương)… Một số vị khác tuy thi đậu nhưng
không ra làm quan như: Nguyễn Văn Học (người thôn Bình Thảo, tổng Phước
Vĩnh Hạ, nay thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu), Nguyễn Văn Trị (người
thôn Linh Chiểu Đông, tổng An Thủy, nay thuộc phường Linh Chiểu, quận
Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh).
Hà Lam