Cha Vũ kể lại, 4 ngày cuối cùng ở Rôma, Đức Tổng yếu hơn, có vẻ như dễ
mệt mỏi. Ngài không đi bộ xa được. Ban đầu, ngài đi được chừng 100m
nhưng rồi từ từ khoảng cách di chuyển cứ ngắn dần đi. Sự suy giảm sức
khỏe của ngài còn biểu hiện qua hơi thở mạnh, gấp, bước chân càng ngày
càng trĩu nặng và ăn uống chậm. Các vị trong HĐGMVN đều nhận ra Đức Tổng
Phaolô không khỏe và rất lo lắng, thế nhưng bản thân ngài lại chẳng bày
tỏ đau đớn về thể xác ra bên ngoài. Trong các sinh hoạt chung, từ ăn
uống đến thánh lễ, đi thăm các nơi, Đức Tổng luôn có mặt đúng giờ. Dầu
vẫn hiện diện nhưng càng về sau, ngài ít nói, ít tiếp xúc hơn.
Đức Tổng Phalô trong ngày cuối cùng tham gia Ad Limina
Trước khi dâng thánh lễ cuối cùng tại nhà thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành,
Đức Tổng mệt nhiều. Hôm đó trời mưa, nhiệt độ chỉ khoảng từ 8-13 độ.
Ngài đi chung với các vị giám mục từ nhà Foyer Phát Diệm ra nơi chôn cất
của Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Đoạn đường đi bộ từ xe
vào trong nhà thờ Đức Mẹ Cầu Thang (nơi đặt di hài của Đức Hồng y) hơi
xa nên vào đến nơi là Đức Tổng ngồi xuống nghỉ ngay. Đến lúc viếng mộ
xong, các linh mục du học tại đó gọi taxi chở ngài ra, vì con đường dẫn
đến nhà thờ xe lớn vô không được. Khi dìu Đức Tổng lên xe, một tu sĩ đã
ngỏ lời hỏi ngài ổn không thì nhận được câu trả lời rằng: “Cha khỏe thôi, không có vấn đề gì đâu!”.
Thế mà rốt cuộc, ngài đã không thể cùng đoàn đi hết hành trình Ad Limina được...
Chiều hôm đó cha Vũ đang họp, nhận được tin báo Đức Tổng hôn mê, cha
lập tức chạy về Foyer Phát Diệm. Đến tối, các linh mục Việt Nam đang du
học và một thầy nhắn tin cho cha vào bệnh viện để nhìn Đức Tổng lần cuối
vì ngài không qua khỏi. “Mặc dù biết những ngày cuối Đức Tổng đã
rất yếu rồi nhưng khi nghe tin ngài mất, tôi cảm thấy đột ngột quá. Ban
đầu, ngài dự định kết thúc Ad Limina sẽ hành hương Ba Lan cùng với hai
vị Giám mục phụ tá. Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng khi đó trao đổi là có lẽ
Đức Tổng sẽ phải về sớm chứ không đi Ba Lan nữa, nếu vậy thì tôi sẽ thay
đổi lịch bay để tháp tùng ngài về. Nhưng rõ ràng là Chúa có cách của
Chúa...”, cha Vũ chia sẻ lại thời khắc đón nhận tin buồn về vị cha chung của giáo dân Sài Gòn.
Nhìn lại đời mục tử, có thể thấy Đức Tổng là một người đầy lòng yêu
thương. Ngài luôn đặt lòng thương xót trở thành mục tiêu giải quyết công
việc. Cha Vũ nhớ, mỗi khi gặp Đức Tổng, cha vẫn thường hay được ngài
khuyên rằng: có những trường hợp nào cần giải quyết cha phải cố gắng lo
cho người ta, vì tinh thần bác ái. Nhìn lại chuyến Ad Limina vừa qua,
không thể không thừa nhận, Đức Tổng Phaolô luôn lạc quan và có ý chí rất
mạnh. Cũng như tâm niệm đời giám mục của mình : “Chúa là nguồn vui của con”,
ngài luôn đặt trọng tâm vào Thiên Chúa. Ví như trên chuyến bay từ Paris
(Pháp) qua Rôma, ngài vẫn mở sách nguyện ra đọc kinh phụng vụ. Hay lúc
được Đức Thánh Cha tặng cho xâu chuỗi, ngài tấm tắc rằng xâu chuỗi đẹp,
lấy ra lần ngay và còn dí dỏm nói: “Chắc sẽ xài chuỗi này cho đến chết luôn quá!”. Xâu chuỗi mấy hôm sau đã được đặt trong tay Đức Tổng Phaolô khi tẩn liệm và theo ngài về chốn yên nghỉ.
Dù Đức Tổng không bày tỏ điều gì nhưng qua việc ngài sốt sắng cử hành
thánh lễ, thường xuyên lần chuỗi Mân Côi, giữ giờ kinh phụng vụ… thì ai
nấy đều nhận thấy ngài dường như luôn chuẩn bị cho một chuyến đi bất
ngờ. Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ nhận ra : “Đức Tổng luôn ở trong
tâm thế sẵn sàng để đi gặp nguồn vui của cuộc đời. Và ngài đã kết thúc
cuộc đời trần thế, cuộc hành trình đức tin này sau khi cử hành thánh lễ ở
nhà thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành - nơi có mộ phần Thánh bổn mạng của
ngài...”.
Nguồn: Báo Công giáo và Dân tộc